Những ngày đáng nhớ

Họa sĩ Vũ Hy Thiều hồi tưởng những ngày chuẩn bị ra số báo Sài Gòn Giải Phóng đầu tiên vào ngày 5-5-1975.
Giữa tháng 4-1975, lớp Báo chí Trung ương Cục kết thúc sớm để học viên trở về các tỉnh, kịp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhóm học viên Bình Thuận chúng tôi ghé qua cơ quan Báo Giải Phóng thăm anh Tô Quyên và được biết cơ quan đang thành lập một nhóm chuẩn bị cho việc ra Báo Sài Gòn Giải Phóng. Tôi nói chuyện với anh Tô Quyên về nguyện vọng muốn được tham gia nhóm. Tôi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Hà Nội, gia đình lại có anh, chị làm ở Nhà máy in Tiến Bộ, nên tôi biết khá rõ công việc bình bản trong kỹ thuật in offset. Vì thế tôi được anh Hai Khuynh nhận ngay. Đông nhất là nhóm phóng viên viết do anh Nguyễn Hồ phụ trách, rồi đến nhóm nhiếp ảnh do anh Nguyễn Đặng phụ trách, nhóm trình bày báo chỉ có anh Ba Dũng Tiến và tôi. Anh Ba trước cũng đã học mỹ thuật. Chúng tôi nằm giữa rừng Tây Ninh với cái nắng gắt gao cuối mùa khô, lúc nào cũng khát nước. Mọi người vừa đọc các loại tài liệu, vừa chăm chú theo dõi tình hình chiến sự để sẵn sàng có bài viết hay ngay trong ngày Sài Gòn giải phóng.
Những ngày đáng nhớ ảnh 1 Số Báo SGGP đầu tiên ra mắt bạn đọc ngày 5-5-1975
Ngày 21-4, anh Ba đi họp về nói với tôi về nhiệm vụ thiết kế tên báo, với yêu cầu sao cho thật dễ đọc, thật quen thuộc với người Sài Gòn, riêng chữ Giải Phóng phải viết thế nào để sau này có thể bỏ đi mà hình thức tên báo vẫn không thay đổi. Suốt ngày, hai anh em chúng tôi phác thảo và trao đổi với nhau. Anh Hai Khuynh đưa cho tôi những tờ báo đang xuất bản ở Sài Gòn để nhận ra hình thức trình bày quen thuộc, và nghiên cứu các kiểu chữ chì Sài Gòn đang dùng. Tôi quan tâm nhiều đến chữ SÀI GÒN, hơi giống với kiểu chữ chì, đơn giản, rõ ràng, dễ đọc. Còn hàng chữ Giải Phóng thì để lồng trong hàng tram kẻ dưới để sau này có thể thu hẹp nó lại hay chuyển thành vạch kẻ dưới mà hình thức tên báo vẫn không hề thay đổi. Lúc đó không có nhiều phương tiện như ngày nay, tôi chỉ vẽ tay bằng mực nho trên giấy trắng với nhiều mẫu phác thảo khác nhau, ngày nào cũng nộp để xin ý kiến ngay. 
Đến chiều ngày 24-4 anh Ba đi họp về vui vẻ bảo: “Mẫu này của em được chọn rồi, em can lại cho sắc nét”. Ngay sau đó, tôi can ra thành nhiều bản, chọn 2 bản đẹp nhất gói kỹ càng để về Sài Gòn dùng. Không có giấy khổ to, tôi can giấy đánh máy cho to bằng tờ báo thật, chia cột và trình bày thử thành 5 số báo giả khác nhau, cốt để xác định được phong cách tờ báo với những vị trí ổn định cho những vấn đề quan trọng. Ngày 28, chúng tôi được lệnh chuẩn bị, sáng 29 lên xe rời Tây Ninh, đêm 29 nghỉ lại trong rừng cao su cách Sài Gòn 30km, suốt đêm không sao ngủ được. Trưa 30-4 cả đoàn xe chúng tôi dừng lại bên đường gần Sài Gòn chờ quân giải phóng tiến vào Sài Gòn trước, đến chiều chúng tôi mới tiếp tục lên đường. Suốt dọc ngã tư Bảy Hiền vào trong thành phố, dân Sài Gòn chào đón hai bên đường; có những người còn ôm đồ đạc như vừa tản cư, nhiều thanh niên cởi trần, mặc quần đùi trắng, đó là lính Cộng Hòa vừa cởi bỏ quân phục. Có điều buồn cười là vào tới Sài Gòn rồi thì chúng tôi không biết đi đâu nữa, chờ mãi mới được sắp xếp vào một rạp chiếu bóng trên đường Phan Thanh Giản để nghỉ qua đêm. Tối hôm đó, người dân kéo đến rất đông, đem theo nhiều thức ăn cho chúng tôi và xúm xít chuyện trò rất khuya, chẳng kể gì đến lệnh giới nghiêm. Sự thân tình mộc mạc đó làm cho chúng tôi vô cùng xúc động, tôi thầm mừng vì tin rằng tên báo tôi viết cũng giản dị như những người Sài Gòn này vậy. Chúng tôi được nghỉ mấy ngày để thăm thành phố, tận hưởng niềm vui giải phóng và để cho các phóng viên đi viết bài. Hàng ngày, các ký giả Sài Gòn cũng nườm nượp ra vào tòa soạn nộp bài không cần nhuận bút; sinh viên tụ tập rất đông trước cổng tòa soạn để sẵn sàng tình nguyện chở chúng tôi đi lo các việc, niềm hân hoan nở rộ trên khuôn mặt mọi người.  Đến ngày 4-5, chúng tôi bắt đầu chuẩn bị để hôm sau ra báo. Khó khăn đầu tiên của chúng tôi là bài nhiều khủng khiếp, phải mười mấy số báo mới đăng tải hết được. Ban biên tập thì muốn đăng nhiều bài, tác giả thì không cho cắt, mà chữ chì thì lại không thể nào ép vào được, mọi khó khăn vô tình lại dồn đến cho tôi, phải vất vả lắm mới xong được marquette để đem xuống nhà in.  Trưa ngày 5-5, đám sinh viên chở tôi từ tòa soạn ở 174 Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu) đến Nhà in Tân Minh ấn quán ở đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Lúc đó, cả miền Nam chỉ có một tờ báo là Sài Gòn Giải Phóng nên rất nhiều họa sĩ và kỹ thuật viên các nhà in khác cũng kéo đến giúp chúng tôi in báo. Bác Ngôn, người phụ trách bình bản của nhà in, đã trực tiếp giúp tôi. Mỗi người một tay, nói cười vui vẻ mà công việc vẫn trôi chảy nhanh thoăn thoắt. Lên khuôn rồi lại có lệnh thay bài, mọi người vẫn vui lòng cùng nhau làm lại. Mọi người xúm xít kiểm tra trên phim, dò kỹ tìm sửa lỗi từng bài một. Chế bản kẽm xong cũng soi rất kỹ càng rồi mới cho lắp vào máy in. Tới khi những bản đầu tiên ra khỏi máy in thì mọi người mới hoan hỉ chúc mừng nhau. Anh Điệp đã tranh thủ chụp những số báo đầu tiên ra khỏi máy. Tôi nhặt vội 2 tờ để đem ngay về tòa soạn cho mọi người xem, nhưng ngoài cổng đã đông nghịt người chen chúc nhau, không thể mở cổng được. Trong đó có những người bán báo, nhưng cũng có rất đông người đến để mua báo xem. Vất vả lắm tôi mới chen nổi qua đám đông để ra được ngoài. Tôi vội vàng chạy bộ về tòa soạn. Nhưng dọc đường phải dừng lại nhiều lần vì rất nhiều người chặn lại đòi xem. Họ lướt nhanh qua, khen báo đẹp. Về đến tòa soạn, mọi người cũng đang xúm đông lại xem mấy tờ báo ai đó đã đem về trước tôi, có vẻ hài lòng lắm. Mọi người hỏi tôi xem dân chúng họ nói thế nào, tôi chỉ trả lời rằng họ nói giống báo của mình, vì đó là điều tôi thích nhất. Đến nay đã mấy chục năm, nhưng chữ Giải Phóng vẫn còn, tên báo vẫn là Sài Gòn Giải Phóng, và tờ báo ngày càng thân thuộc, thực sự của người Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh đó là điều chúng tôi vui nhất.  

Tin cùng chuyên mục