Những người hùng thầm lặng

“Lúc mới vào ngành, đứng trước đám cháy tôi thấy nóng quá, sợ quá nên không dám tiến tới. Giờ nghĩ lại thấy mình thật nhát gan”, nói ra điều ấy, Thượng sĩ Nguyễn Phong Nhã (Phòng Cảnh sát PCCC-CHCN, Công an TPHCM) vẫn còn đỏ mặt. Đó là lần đầu tiên cũng là duy nhất anh Nhã không lao mình vào đám cháy. Về đơn vị, anh Nhã (khi ấy hơn 22 tuổi) cứ mãi trăn trở, tự vấn bản thân. Để rồi từ đó đến nay, ở bất kỳ nhiệm vụ nào, đồng nghiệp đều thấy anh nhanh nhạy ứng biến trong biển lửa cứu người, cứu tài sản của dân.

Lao vào trận tuyến nóng bỏng

Nhớ lại vụ cháy chung cư Carina năm 2018, anh Nhã đượm buồn. Hơn 1 giờ sáng, anh và đồng đội bị đánh thức bởi tiếng chuông báo động. Quá quen với việc phải bật dậy lúc nửa đêm, anh Nhã cùng đồng đội nhanh chóng lên đường. “Lúc tiếp cận để tìm nguồn gốc cháy, chúng tôi thấy khói đen khắp nơi và bức xạ nhiệt rất cao. Khi phá được cửa một phòng ở tầng 2, thấy có 5 nạn nhân nằm bất động, nhìn quanh thấy một bé trai tầm 8 tuổi còn thoi thóp nên tôi chạy đến bế bé đưa ra ngoài. Nhưng khi trao đến bộ phận y tế thì bé đã tắt thở. Lòng tôi khi ấy rối bời, đau xót”, gương mặt đứa bé bị ám khói đen, mắt nhắm nghiền khiến Nhã bùi ngùi. 

Với một người lính cứu hỏa, không cứu được người khỏi đám cháy là điều vô cùng đau xót. Sau mỗi lần trực tiếp làm nhiệm vụ lại càng thôi thúc Nhã cố gắng tập luyện nhiều hơn nữa để động tác được thuần thục, nhanh nhạy hơn, bản thân phải nhớ nhuần nhuyễn các công cụ, thiết bị đặt ở vị trí nào, sử dụng trong trường hợp nào, từ đó giúp công tác cứu hộ được nhanh chóng nhất.

Những người hùng thầm lặng ảnh 1 Thượng sĩ Nguyễn Phong Nhã tập luyện các kỹ năng cứu hộ cứu nạn

Những giấc ngủ chập chờn, những bữa cơm nuốt vội là chuyện thường ngày của lính cứu hỏa. Với anh Nhã, hy sinh một chút lợi ích bản thân mà giúp tính mạng, tài sản của người dân được giữ lại thì đó là niềm hạnh phúc. 4 năm trong ngành, anh Nhã không thể nhớ hết số lần cùng đồng đội lao mình vào ngọn lửa. Anh chỉ biết, khi đứng trước một đám cháy thì việc cứu người phải được đặt lên hàng đầu. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo sau buổi tập luyện cùng đồng nghiệp về công tác cứu hộ, cứu nạn. Anh Nhã cười chia sẻ: “Khi nắm vững kỹ năng, tôi có thể tham gia huấn luyện cho người dân, thanh thiếu nhi về an toàn phòng cháy chữa cháy để mọi người nâng cao ý thức, góp phần hạn chế cháy nổ xảy ra”.

Ở một mặt trận khác, Thượng úy Trần Thị Bạch Diễm, cán bộ Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy TPHCM, cũng luôn nêu cao tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Là nữ trinh sát thực hiện đấu tranh với tội phạm ma túy, một trận tuyến luôn nóng bỏng, hiểm nguy, thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng, thế nhưng với lòng yêu nghề và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Diễm đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công. Nhắc đến Diễm, nhiều đồng đội không khỏi ngưỡng mộ bởi sự gan dạ, mưu trí. Không biết bao nhiêu lần Diễm cùng đồng đội ngày đêm nằm phục dưới mưa, nắng để bám sát cơ sở, đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ giao rắc cái chết trắng. Với Diễm, nhiệm vụ của người chiến sĩ công an là bảo vệ, mang lại bình yên cho người dân, nên dù khó khăn đến mấy chị vẫn luôn cố gắng để hoàn thành.

Thân thiện, nhẹ nhàng

Cũng như Nhã, Diễm, Trung úy Thiều Thị Thủy Tiên, công tác tại trại giam Chí Hòa, luôn giữ ý chí để thực hiện nhiệm vụ của người chiến sĩ y tế trại giam. Công tác trong đơn vị khá đặc thù, ngày đêm phải trực để chăm lo sức khỏe của các phạm nhân, đặc biệt là các phạm nhân nhiễm HIV, lao, những người dễ nảy sinh thái độ bất cần, chống đối khi biết mình mắc bệnh nặng. Không những giỏi về chuyên môn để chẩn đoán, điều trị đúng bệnh, Thủy Tiên còn tự trang bị, trau dồi các kỹ năng để hiểu tâm tư của bệnh nhân, giúp họ vượt qua tâm lý mặc cảm, an tâm cải tạo và điều trị bệnh.

“Lúc mới nhận công tác, thấy đồng nghiệp tại đơn vị bị phơi nhiễm HIV, em cũng lo lắm, thậm chí bị áp lực. Nhưng khi nghĩ đến người bệnh và nhớ những lời tâm sự của họ, nhất là nhớ mình đang khoác trên người chiếc áo người chiến sĩ Công an nhân dân, em lại tự tin, có thêm động lực để bước tiếp”, Thủy Tiên bày tỏ. Không ít lần phạm nhân nổi loạn, tỏ thái độ chống đối, không hợp tác, nhưng bằng lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ ân cần và bản lĩnh của người chiến sĩ công an, Thủy Tiên đã thuyết phục được họ. Thầm lặng cống hiến bằng cả tuổi trẻ, Thủy Tiên đã từng ngày cảm hóa, giúp những mảnh đời lầm lỡ có cơ hội trở về với cộng đồng, hòa nhập cuộc sống.

Tiếp xúc với Thượng úy Lê Thị Ngọc Anh, cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh TPHCM, nhiều người nước ngoài hài lòng về sự thân thiện, nhẹ nhàng, chuyên nghiệp của người chiến sĩ công an Việt Nam. Chính sự tinh ý, làm việc bằng trách nhiệm, nhiều lần Ngọc Anh hỗ trợ giải quyết nhanh các loại giấy tờ giúp người nước ngoài kịp thời gian trở về nước. “Mình công tác ở bộ phận thường xuyên tiếp xúc với bạn bè quốc tế thì phải luôn rèn luyện tác phong, trình độ để trong mắt họ, người chiến sĩ công an Việt Nam phải thật đẹp, thân thiện như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn”, Ngọc Anh chia sẻ.

Bên cạnh hình ảnh dũng cảm của Nhã khi lao vào biển lửa, sự mưu trí trong đấu tranh với các loại tội phạm của Diễm và Thủy Tiên thì hình ảnh nhẹ nhàng, thân thiện của Ngọc Anh đã góp phần tô đẹp thêm màu áo người chiến sĩ Công an nhân dân.

Tin cùng chuyên mục