Những người lính Cụ Hồ

LTS:  Trong không khí cả nước hân hoan đón Tết Tân Sửu, nhằm bảo vệ an toàn cuộc sống yên bình của người dân, lực lượng vũ trang, trong đó có LLVT Quân khu 7 phải căng mình trên các điểm chốt nơi biên cương, để giữ cho người dân vui xuân đón tết được trọn vẹn. 

Với tư cách là phóng viên, nhà báo Trần Thế Tuyển, cựu PV Báo QĐND, nguyên Tổng biên tập Báo SGGP, đã có thời gian trực tiếp làm việc với các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ, trong đó có các vị tướng Tư lệnh Quân khu 7. Những người đã để lại trong ông nhiều ký ức khó phai. Báo SGGP trân trọng giới thiệu bút ký của nhà báo Trần Thế Tuyển.

Tôi có may mắn, khi chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, Sài Gòn giải phóng ít lâu, được về công tác tại Phòng Tuyên huấn Quân khu 7, đóng cách tổng hành dinh của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội chế độ cũ (nay là Sở Chỉ huy của Bộ Tư lệnh Quân khu 7) vài trăm mét. Lần đầu tiên đặt chân lên tòa “lâu đài” đó, tôi lặng người, ngắm nhìn và suy ngẫm.

Để đặt chân đến đây, dân tộc ta, đất nước ta đã phải trải qua chặng đường mấy chục năm gian nan, ác liệt; đã có biết bao đồng chí, đồng bào ngã xuống. Như đứa trẻ, tôi thẫn thờ đi từng căn phòng ngắm nghía. Đâu là nơi phát ra những mệnh lệnh mang đến cái chết của hàng triệu con dân nước Việt và cả những người nước ngoài, hoặc bị bắt buộc, hoặc liều lĩnh đến phá vỡ sự bình yên của mảnh đất hình chữ S thân thương này.

Lớp cha trước...

Là phóng viên, tôi được phân công phỏng vấn Tư lệnh Quân khu 7 đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng - Tướng Trần Văn Trà. Hết cuộc phỏng vấn, tôi cứ ngây người ngắm nhìn ông như ngắm một pho tượng. Cuộc kháng chiến để giành độc lập, thu giang sơn về một dải, khốc liệt và đằng đẵng quá. Tôi không nghĩ ngày trở về lại may mắn có mặt tại đây, nơi “khói bom chiến tranh” chưa tan.

Theo lịch sử Quân khu 7, Tướng Trà làm Tư lệnh Quân khu 7 hai lần. Lần một, vào những năm 1945 - 1948. Lúc ấy, tôi còn là cát bụi. Lần hai, năm 1975 - 1978, đó là thời khắc Sài Gòn vừa giải phóng và Tướng Trà được giao làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định. Ấy cũng là giai đoạn mở đầu cho một cuộc chiến mới - cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Tây Nam, kẻ thù không ai xa lạ là bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari.

Sau này, tôi gặp Trung tướng Nguyễn Văn Thái, lúc ấy là Phó Chính ủy Sư đoàn 7 - đơn vị được giao đánh Xuân Lộc, tiến vào Sài Gòn cắm cờ Quyết chiến Quyết thắng của quân đội ta trên nóc Dinh Độc Lập. Tướng Thái nói, ấn tượng nhất với Tướng Trà là khi vị Chủ tịch Quân quản thành phố tiếp nội các chính phủ chế độ cũ vừa thất thủ do Đại tướng Dương Văn Minh làm Tổng thống.

Trong buổi chiều đầu tháng 5 lịch sử ấy, thay mặt Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam - Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam, Tướng Trà tuyên bố phóng thích toàn bộ nội các và bộ máy chính quyền chế độ cũ từ trung ương đến địa phương. Và, khuyên mọi người tự giác trình diện chính quyền cách mạng, học tập cải tạo, góp sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước.

Những câu nói nổi tiếng của người thay mặt chính quyền cách mạng trong buổi tiếp ấy, đến nay nhiều người còn nhớ: “Chiến tranh đã kết thúc. Đế quốc Mỹ đã thua. Đây là chiến công chung của toàn dân tộc. Mọi người Việt Nam với tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc, cùng chung tay xây dựng đất nước...”. 

Ngày Tướng Trà về với tổ tiên, với lòng ngưỡng mộ vị Tư lệnh mà mình kính trọng, tôi đã dành nhiều thời gian túc trực bên linh cữu của ông.

Xuân Mậu Ngọ - 1978, cuộc chiến trên biên giới Tây Nam diễn ra ngày một quyết liệt, tôi có dịp tháp tùng Tư lệnh Quân khu 7 - Tướng Lê Đức Anh, thị sát mặt trận. Trước đây, khi cuộc chiến chống Mỹ đang vào hồi quyết liệt, tôi đã từng nghe tiếng ông. Bộ đội gọi ông là ông Sáu Nam. Đó là một trong những trụ cột, chỉ huy lừng danh của Quân ủy và Bộ Chỉ huy các LLVT giải phóng miền Nam (B2).

Tên tuổi của ông gắn liền với các chiến dịch lớn trên đất “Miền Đông gian nan mà anh dũng”, với Nam bộ “Thành đồng Tổ quốc”. Nay, trực tiếp làm Tư lệnh Quân khu 7, lại được Bộ Chính trị giao đặc trách giúp bạn ở Campuchia, càng thấy tâm huyết và trí tuệ của vị chỉ huy mang tầm chiến lược. Sau này ông Sáu Nam được Đảng và Nhà nước giao trọng trách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước. 

Nhớ lại, khi còn làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, một lần, kết thúc chuyến công tác tại các đơn vị, địa phương phía Nam, Tướng Lê Đức Anh ghé thăm ban đại diện Báo QĐND, lúc ấy đóng quân tại số 63 đường Lý Tự Trọng, quận 1, TPHCM. Thân tình như người cha gặp lại những đứa con, ông cho chúng tôi những thông tin cực kỳ quý báu.

Đại tướng nói: “Nhiệm vụ còn rất nặng nề, phức tạp, Báo QĐND phải chuẩn bị tốt mọi mặt mới có thể hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bước vào cuộc chiến đấu mới”. Và, đúng như Đại tướng - Bộ trưởng nói, cuộc chiến đấu mới ấy đã kéo dài trên chục năm, cả biên giới Tây Nam, mặt trận quốc tế ở Campuchia và biên giới phía Bắc.

Đảm nhiệm một địa bàn chiến lược về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, trong đó có TPHCM, Tư lệnh Quân khu 7 mỗi người một nét đều thể hiện bản lĩnh và vai trò của mình. Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi có dịp tiếp xúc với Tướng Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà) - người chỉ huy tiêu diệt Binh đoàn 100 của Pháp tại An Khê năm 1954. Tháng 1-1979, tôi theo Sư đoàn 5 vượt sông Mê Công (đoạn Karatre) tiến lên giải phóng Siem Reap. Trận địa pháo 85 ly đặt cạnh bờ sông. Bộ đội chuẩn bị vượt sông mà hỏa lực địch cứ xối xả vào trận địa.

Đứng cạnh khẩu pháo, ông Năm Ngà trực tiếp hạ lệnh cho bộ đội phản pháo. Đến lúc này tôi mới lý giải được tại sao Trung đoàn trưởng Năm Ngà quân số ít, vũ khí thô sơ mà tiêu diệt được Binh đoàn 100 (binh hùng tướng mạnh) của Pháp nơi chân đèo An Khê năm xưa. Bây giờ chỉ huy quân khu, ông Năm vẫn tác phong chỉ huy sâu sát và táo bạo ấy.

Tháng 4-1995, ban đại diện Báo QĐND tại TPHCM được giao xuất bản Đặc san kỷ niệm 20 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi viết bài: “Gặp Tư lệnh 5 cánh quân vào giải phóng Sài Gòn”. Gặp lại vị chỉ huy cũ của mình - Thượng tướng Nguyễn Minh Châu, nghe ông kể lại giai đoạn làm Tư lệnh Đoàn 232 từ hướng Tây Nam, tiến vào giải phóng Sài Gòn. 

Báo phát hành, có bạn đọc phản ánh, Tư lệnh Đoàn 232 không phải là Tướng Nguyễn Minh Châu mà là một vị tướng khác. Về nghỉ hưu, tuy tuổi cao, sức yếu, ông Năm Ngà vẫn chống gậy leo lên tận tầng 3 tòa nhà văn phòng ban đại diện Báo QĐND. Gặp chúng tôi, ông đưa ra những tờ giấy đã úa vàng thời gian để chứng minh sự thật. Trước khi ra về, ông đề nghị chúng tôi cần thông tin để mọi người rõ. Dìu ông xuống xe, tôi rưng rưng. Vị Tư lệnh Quân khu của tôi - vị tướng trận lừng danh vẫn giữ mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trung thực, thẳng thắn. Việc làm của ông cho những người làm báo chúng tôi bài học quý về tính chân thật.

Lớp con sau...

Từ ngày thành lập (năm 1945) đến nay (năm 2021) đã có 17 vị tướng đảm nhận chức vụ Tư lệnh Quân khu 7 (Chiến khu 7 -  Khu 7). Khoảng thời gian ngót nghét một thế kỷ ấy, đương nhiên phải có nhiều thế hệ nối tiếp nhau đảm nhiệm trọng trách người đứng đầu quân khu trọng điểm phía Nam này. Bên cạnh các vị tướng lừng danh như: Nguyễn Bình, Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Đồng Văn Cống, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thới Bưng, Bùi Thanh Vân, Đỗ Quang Hưng..., lớp kế tiếp trẻ trung, tràn đầy nhiệt huyết, được đào tạo, rèn luyện bài bản, căn cơ. Đó là các Tư lệnh: Lê Văn Dũng, Phan Trung Kiên, Nguyễn Văn Chia, Lê Mạnh, Triệu Xuân Hòa, Trần Đơn, Võ Minh Lương và Nguyễn Trường Thắng.

Con người là sản phẩm xã hội. So sánh khập khiễng. Có thể phong cách, tính nết khác nhau, nhưng các vị Tư lệnh Quân khu 7 qua các thời kỳ đều có nét chung, đó là phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành...

Do đặc thù công việc, tôi có may mắn được gặp, làm việc với các vị Tư lệnh Quân khu 7 thuộc lớp con cháu so với thế hệ tiền bối. Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân khu 7 (10-12) và 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), Bộ Tư lệnh Quân khu 7 phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức khánh thành Đền thờ Liệt sĩ tại Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia khu vực Đồn Long Khốt, tôi đã gặp nhiều tướng lĩnh chỉ huy Quân khu 7 qua các thời kỳ.

Hai vị tướng đương nhiệm: Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu và Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 đã có mặt từ sớm. Khi các vị tư lệnh, chính ủy tiền bối chỉ huy chiến trận từ thời chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới phía Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia thì các vị tướng đương nhiệm này mới chào đời.

Có lẽ thế, trước sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh để giải phóng và bảo vệ đất nước, các anh trào dâng cảm xúc. Trung tướng Chính ủy Trần Hoài Trung và Thiếu tướng Tư lệnh Nguyễn Trường Thắng rưng rưng trước danh sách hơn 2.000 liệt sĩ được khắc ghi trên đá hoa cương trong ngôi đền mới khang trang và ấm áp.

Tại đây, tôi gặp Trung tướng Triệu Xuân Hòa (Ba Hòa), Anh hùng Lực lượng vũ trang, nguyên Tư lệnh Quân khu 7 và Trung tướng Lưu Phước Lượng (Năm Lượng ), nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Tư lệnh về chính trị Quân khu 9. Hai ông đã từng gắn bó với chiến trường và ngôi đền thờ liệt sĩ nơi cửa ngõ biên giới này. 

Tôi gặp Ba Hòa năm 1978 khi ông còn là cán bộ phân đội. Câu chuyện của Triệu Xuân Hòa gắn liền với chiến công của các chiến sĩ tình báo quân đội trong nhiệm vụ giúp bạn thoát khỏi họa diệt chủng, giải phóng và bảo vệ đất nước Chùa Tháp láng giềng. Ba Hòa đã nhiều lần đến đây, góp ý để mảnh đất thấm đẫm máu xương của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 174, Sư đoàn 5, Quân khu 7 gắn liền với chiến công bảo vệ Tổ quốc thành Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Tôi gặp Năm Lượng cách đây hơn 30 năm, khi ông từ Quân khu 9 về làm trợ lý cho Tư lệnh Quân khu 7 Nguyễn Thới Bưng. Thân phụ của Năm Lượng là một sĩ quan cấp cao quân đội, lão thành cách mạng. Sinh thời, cụ luôn quan tâm vun đắp cho tình đồng đội, anh em của ba chúng tôi: Lưu Phước Lượng - Triệu Xuân Hòa - Trần Thế Tuyển. Lâu lâu, bận công việc, chúng tôi không gặp nhau trong ngôi nhà nhỏ ấm áp nằm dưới gốc xoài để lai rai là ông cụ nhắc khéo: “Ba thanh niên này có giận nhau không mà không thấy gặp nhau?”.

Một lần cùng chúng tôi thăm lại chiến trường xưa Long Khốt, trước sự hy sinh của gần 2.000 liệt sĩ tại đây, cựu Chính ủy Sư đoàn 5 Lưu Phước Lượng đã nảy ra ý tưởng xây lại ngôi đền thờ liệt sĩ để tri ân đồng đội và là nơi giáo dục truyền thống đánh giặc giữ nước cho muôn đời sau. Chính Năm Lượng là người kết nối, vận động Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đồng Nai (Dona coop) tài trợ để ngôi đền thờ liệt sĩ Long Khốt (mới) khánh thành trọng thể hôm nay.

Đêm trước lễ khánh thành Đền liệt sĩ Long Khốt, diễn ra lễ hoa đăng tưởng nhớ, tri ân đồng đội, đặc biệt hơn 200 cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 174 đã nằm lại nơi dòng sông Long Khốt. Tôi đã nhìn thấy những giọt nước mắt đọng bờ mi của những người lính Bộ đội Cụ Hồ, trong đó có các vị tướng trận đã từng giữ trọng trách lãnh đạo, chỉ huy Quân khu 7, Quân khu 9 qua các thời kỳ.

Cách đây gần nửa thế kỷ, khi chúng tôi cùng đồng đội chiến đấu giải phóng chi khu Long Khốt thì Thiếu tướng Tư lệnh Quân khu 7 Nguyễn Trường Thắng mới chào đời. Để có đất nước trọn vẹn, bình yên hôm nay đã có hàng triệu người ngã xuống hoặc hiến dâng một phần thân thể. “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”. Đúng như cặp vế đối được khắc ghi trang trọng trong Đền thờ liệt sĩ Long Khốt và nhiều nơi thờ tự liệt sĩ trong cả nước. Vị tướng trẻ - Tư lệnh Quân khu đang gánh trọng trách với thế hệ hôm qua, hôm nay và cả  mai sau. Nhìn gương mặt đăm chiêu và ánh mắt ngấn lệ của Tư lệnh Thắng, tôi nghĩ thế.

Lễ khánh thành Đền liệt sĩ đã vãn, Tư lệnh và Chính ủy Quân khu vẫn dùng dằng chưa muốn rời xa nơi khắc ghi tên tuổi của những người con ưu tú đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước. Không điều gì có thể quên, không ai hy sinh vì đất nước bị lãng quên. “Lớp cha trước, lớp con sau đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Tôi nghe từ lòng sông Long Khốt và từ không gian rộng lớn của ngôi đền thờ liệt sĩ vừa khánh thành vang vọng câu thơ như tiếng kèn xung trận, giục giã xông lên phía trước của nhà thơ cách mạng Tố Hữu.

  Long Khốt Xuân Tân Sửu - 2021 

Tin cùng chuyên mục