Những người muôn năm cũ…

Đọc “Bức tranh” của nhà văn Nguyễn Minh Châu có đoạn tả về cái hiệu hớt tóc: “Chẳng có gì đáng có thể được gọi là “cửa hiệu” cả:…một mảnh vải ni lông tăng bộ đội che lấy một khoảnh đất bằng bốn chiếc chiếu nằm hơi thụt sâu xuống vương vãi đầy những lọn tóc. Một chiếc ghế mộc cũ kỹ…, trên thành ghế vắt một chiếc khăn choàng trắng khá sạch sẽ”. Những tưởng ấy là cái quán hớt tóc của đất Hà thành những năm xa lắm. Vậy mà ngay ở TPHCM nơi được xem là sôi động, phát triển bậc nhất nước đâu đó vẫn còn lại những quán hớt tóc “bám” vỉa hè như thế, trên những con phố như Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Tôn Đức Thắng, Ngô Văn Năm, Tân Hương, Sư Vạn Hạnh…

Mấy cái quán hớt tóc dạo đóng ngay trên các vỉa hè của TP. Gọi là “dạo” vì ngày nào mấy chủ quán cũng có đôi lần “chạy”, không chạy công an khu vực thì chạy giao thông đô thị… Địa thế để chọn làm quán phải là những vỉa hè rộng rãi, tiện lợi, trước hết là nơi đông người đi bộ, sau nữa là tránh những tuyến đường nhiều…lô cốt, ấy cũng là một trong những lý do mà quận 1 có khá nhiều con phố hớt tóc vỉa hè.

Nhìn chung, mấy cái quán hớt tóc này đa số giống nhau có chăng hơn thua nhau ở vài phụ kiện. Đơn giản nhất chỉ cần một cái tông đơ, một kéo tỉa, một lược, một bình xịt nước, một cái ghế, một cái gương chừng 20 x 30cm và một cái khăn choàng là thành cái quán hớt tóc. Cỡ chừng ấy đồ nghề khoảng 1 – 1,5 triệu đồng, nghiễm nhiên sẽ trở thành… “ông chủ” quán hớt tóc.

Trời sáng, chú Đặng Hữu Châu chất “đống” đồ nghề của mình lên chiếc xe đạp mini cũ chạy từ Thị Nghè qua chỗ làm việc của mình. Ấy là khoảnh đất nhỏ trên đường Tôn Đức Thắng. Một ngày có từ 8 - 10 khách, mỗi khách 10.000 đồng, tháng kiếm chừng 3 triệu đồng. Cái nghề này cũng nhàn, muốn sống được: thứ nhất tay nghề vững, thứ hai nhờ mối quen. “Mối quen chẳng cần nói giá họ cũng biết đường mà trả tiền. Chỗ tôi toàn người có tuổi. Mấy ông bạn già rủ rỉ với nhau. Từ bàn luận chuyện thời sự cho đến tâm sự chuyện nhà cửa, gia đình. Có khi cắt tóc cũng chỉ là cái cớ thôi. Đầu mấy ổng có mấy cọng tóc đâu, tìm người bầu bạn chuyện trò vẫn là cái lý do chính”.

Mê hớt tóc từ thời còn trai trẻ, năm nay đã ở tuổi 50, chú Nguyễn Hữu Xiêm, người Quảng Ngãi, cắt tóc trên đường Nguyễn Du đã có gần 15 năm trong nghề. “Hồi những năm 1995 khi phong trào hớt tóc hè phố rộ lên, mình vào thành phố theo cái nghề này”. Không có vốn thì hớt tóc lề đường. Đây là cái nghề có làm thì có ăn. Tiếng tông đơ tay lách tách theo những đường kéo ngọt lịm. Người trong nghề nói rằng nghề này đã có từ thời Pháp thuộc.

Những người như chú Châu, chú Xiêm đã có nhiều “thâm niên” trong nghề. Kể rằng, hồi những năm 90, trên đường Nguyễn Du có cả dãy những quán hớt tóc vỉa hè san sát nhau. Đến giờ thì lác đác một hai quán. Đoạn đường Lý Tự Trọng (từ ngã tư Hai Bà Trưng trở về Tôn Đức Thắng) chừng 500m cũng có khoảng 5, 6 quán, trên đoạn đường Ngô Văn Năm chừng 6, 7 quán. Các con đường khác trên thành phố thì rải rác, nhiều nhất vẫn là ở quận 1, quận 3, quận 10.

Bước qua tuổi 75, cái tuổi “thất thập cổ lai hy” bác Mai Hoàn Mỹ vẫn còn rất bén tay trong nghề hớt tóc này. Nhìn những người dùng tông đơ tay để cắt tóc là đoán được “thâm niên” rồi, dùng tông đơ tay mà cắt tóc bây giờ hiếm lắm, y như “những người muôn năm cũ vậy”.

Những năm gần đây, salon, mỹ viện, tiệm hớt tóc cao cấp ra đời ngày một nhiều, cạnh tranh ngày càng lớn. Tuy vậy, cánh hớt tóc dạo rải rác theo các vỉa hè không phải là ít đi. Không ít người từ tiệm “dọn” ra ngoài “vỉa hè” làm “ông chủ” với lý do là tự chủ về thời gian và không bị bó buộc gì nhiều. Có điều cái nghề này cũng bị nhiều người phàn nàn, nhất là vấn đề vệ sinh đường phố và mỹ quan đô thị. Chú Xiêm tâm sự rằng: “Làm cái nghề này sợ nhất là bị… hốt, thấy mấy anh công an khu vực là sợ, nhưng vẫn làm, vì miếng ăn cả, ai cũng biết là đô thị hóa rồi”.

Có khi cả ngày dài, thấy mấy “ông chủ” chỉ đau đáu mỏi mắt trông chờ, thỉnh thoảng lại có cánh xe ôm tạt vào, nói chuyện, tỉ tê, giải quyết mớ tóc lâu ngày không cắt… mất khoảng chừng nửa tiếng coi như là để thư giãn. Khách hàng chính của hớt tóc vỉa hè vẫn là cư dân lao động. Dân ta vốn thích giao lưu, tiếp xúc, những địa điểm như thế này được tìm đến như một nơi để tâm sự, thư giãn, đàm đạo chuyện xã hội. Một nét “dịu dàng” xen lẫn cái ồn ào phố thị. Dẫu vậy, cùng với sự phát triển của đô thị nên chăng cần có sự sắp xếp những lao động này lại để họ vừa giữ nghề vừa đảm bảo nếp sống văn minh đô thị...

Thẩm Trinh

Tin cùng chuyên mục