
Gần 100.000 người Việt Nam đang sống và làm việc tại Liên bang Nga không chỉ đang phải chống chọi với cái giá lạnh của mùa đông bão tuyết mà còn phải đối mặt với biết bao khó khăn, cực nhọc. Vì mưu sinh, họ đành phải nhẫn nại chịu đựng trên xứ người. Những đồng tiền họ kiếm được thực sự phải đổi bằng mồ hôi và nước mắt…
- Giấy tờ: bùa hộ mệnh
Một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của người Việt ở Nga hiện nay là giấy tờ. Đây chính là lý do để một số cảnh sát xấu của Nga làm tiền.
Giấy tờ thì gồm những gì? Ngoài hộ chiếu với thị thực nhập cảnh, để có thể làm việc tại Nga, người Việt phải có giấy phép quyền lao động. Giấy phép này giống như “bùa hộ mệnh”, không thể thiếu. Dựa trên giấy này, chính quyền sẽ cho phép bạn được tạm lưu trú tại Nga - thứ mà bà con người Việt ở đây thường gọi là “hộ khẩu”. Hộ khẩu này có thời hạn trong vòng một năm, hết một năm, phải gia hạn. Và như thế là bạn được quyền tự do đi lại trên đất Nga. Nguyên tắc là vậy nhưng …

Hôm thứ sáu ngày 5-11 vừa rồi, Nguyễn T. - sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Mỹ thuật Moskva - về đến ký túc xá thì bị hai viên cảnh sát Nga chặn lại hỏi giấy tờ. Khi T. đưa tấm thẻ sinh viên của mình thì viên cảnh sát lắc đầu bảo: - Đây là giấy tờ giả! Rồi anh ta nheo mắt: - Có tiền không? T. trả lời: - Tôi là sinh viên, không có tiền. Viên cảnh sát không tha: - Đừng có nói dối. Tao vừa thấy mày trong quầy đổi tiền đi ra. Làm sao mà không có tiền được? T. chống chế: - Tôi vào để xem tỷ giá đồng rúp…
Đến lúc đó, viên cảnh sát trắng trợn ra giá: - Đưa 20 “đô” đây, không sẽ bị bắt về đồn 3 ngày. T. cứng rắn: - Các ông cứ bắt đi, tôi có làm gì đâu. Kết quả là cô bị đẩy về đồn nhưng chỉ bị giữ lại một tiếng đồng hồ.
Dù sao, T. vẫn còn may mắn vì hôm đó cô có tiền trong người nhưng không bị lục soát gì. Trước đó không lâu, X. bạn cùng trường với T. đi chợ Vòm đúng vào lúc cảnh sát đang truy quét người Việt tại đây. X. cùng một số bà con bị đẩy lên xe. Cô chống cự và bảo rằng: – Tôi là sinh viên, không buôn bán gì, các ông không được bắt.
Không để cô phân trần thêm, một cảnh sát to lớn nhấc bổng cô lên và ném vào thùng xe. Họ đưa tất cả tới một khu có nhiều gian phòng khác nhau và bắt đầu lục soát. Với lý do kiểm soát heroin, X. bị cảnh sát buộc cởi hết đồ ngoài. Khi không thấy gì, viên cảnh sát trơ tráo thò tay vào áo ngực cô, nơi cô đã cẩn thận giấu 50 USD!
Chiều 9-11, hai nam chiêu đãi viên của Vietnam Airlines trên đường tới thăm một bạn gái học ở Trường ĐH Y Moskva đã bị cảnh sát chặn taxi lại. Họ nhất định không chịu và bị nhốt 4 tiếng đồng hồ. Khi đã về đến chỗ nghỉ, V. - một trong 2 người - không hết bực bội:
- Em chỉ sợ lỡ chuyến bay đi Đức vào sáng hôm sau nhưng không thể chịu được nếu phải mất tiền vô cớ. Mình có đủ giấy tờ. Em bảo các bạn: Dứt khoát không đưa tiền nếu có giấy đầy đủ. Sớm muộn gì thì họ cũng phải thả, chỗ đâu mà nhốt!
Những ví dụ trên không phải là tất cả hình ảnh của cảnh sát Nga. Nhưng trong lòng chúng tôi không nguôi nỗi day dứt. Còn đâu cái cảm giác thật ấm áp và tin cậy 20 năm trước, khi chúng tôi lần đầu tiên sang thành phố Volgagrad bị lạc đường và đã được một cảnh sát tận tình đưa đến đúng cổng Trường ĐH Sư phạm, nơi chúng tôi theo học. Lúc nghe tôi nói lời cám ơn, người cảnh sát trẻ cười thật hiền: - Không có gì đâu!
- Lơ lửng nỗi sợ đầu trọc và khuligan!

Bọn đầu trọc, nỗi sợ hãi cho người nước ngoài tại Nga.
Nỗi ám ảnh về bọn skinhead (đầu trọc, một dạng phát xít mới) và khuligan (lưu manh) ở Nga đối với cộng đồng người Việt lại càng nhân lên sau cái chết của sinh viên Vũ Anh Tuấn. Mặc dầu Tòa thị chính Saint Petersburg đã cam kết tìm mọi biện pháp tăng cường an ninh cho học sinh nước ngoài, nhưng bọn đầu trọc và lưu manh vẫn là nỗi sợ hãi của những người nước ngoài tại Nga, trong đó có cộng đồng người Việt.
Chiều 9-11, khi gặp chúng tôi ở ký túc xá, T. - sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov - vẫn chưa hoàn hồn về đợt thoát hiểm trong bến xe điện ngầm hôm 8-11. Lúc đó chừng 19 giờ, T. cùng nhóm bạn vừa sang Trường Mỹ thuật về. Vừa vào ga tàu điện ngầm, T. và các bạn đã nhìn thấy nhóm lưu manh khoảng chục đứa. Mặc dầu đã cố tìm cách “tránh voi chẳng xấu mặt nào” nhưng cuối cùng nhóm của T. vẫn bị bọn lưu manh cà khịa. T. cùng các bạn chạy thục mạng và thoát được lên mặt đất.
Cùng ngày hôm đó, tại một bến tàu điện ngầm khác, H. và 5 bạn cùng trường trên đường đi mua thực phẩm về thì bị một nhóm thanh niên khuligan vây lại tấn công. Thấy không còn con đường nào thoát, các bạn buộc phải vừa đánh trả lại, vừa kéo bọn chúng về phía hai cảnh sát đang đứng. Tại đồn cảnh sát, nhóm lưu manh trở mặt cho rằng “bọn thanh niên Việt Nam gây sự trước”. Kết quả, H. và các bạn phải mất gần 2 tiếng đồng hồ mới ra khỏi đồn sau khi nói gần như… cãi nhau với viên cảnh sát.
Chiều 11-11, khi biết chúng tôi tới Đài Phát thanh Tiếng nói nước Nga để làm việc, V., nữ sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Moskva, dặn dò: - Các anh chị mới từ trong nước sang, khi đi tàu điện ngầm phải cẩn thận, đừng đứng gần đường ray, đề phòng bọn đầu trọc và lưu manh đẩy xuống. Chúng hay tấn công từ phía sau theo kiểu ấy. Đã có một sinh viên Trung Quốc thiệt mạng như vậy rồi!
- Gian nan bệnh tật
Anh H., một tiến sĩ triết học, thành viên Ban quản lý chợ Sông Hồng 3, cho biết: Ngành y tế Nga hiện nay chỉ còn bao cấp cho sinh đẻ và cấp cứu (cấp cứu trong 7 tiếng đầu thì không mất tiền), còn lại thì “động đến cái gì cũng phải tiền”. Theo anh K. bán hàng ở Trung tâm thương mại Voikou thì khám bệnh ở các bệnh viện công lập giá rẻ hơn tư nhân, nhưng rất đông bà con người Việt thường không tới đây vì mất thời gian, ảnh hưởng đến chuyện làm ăn và cũng vì không biết tiếng Nga.
Đi khám bệnh ở các phòng mạch tư thì khá “nặng đô”. Giá khám bệnh ở phòng mạch bác sĩ thường phải mất 300 rúp, phòng mạch của tiến sĩ thì phải 550 rúp, phòng mạch giáo sư phải mất tới 800 rúp. C. bán giày da ở chợ Sông Hồng 3 nói thêm: Đó là chưa kể người bệnh phải chi phí một khoản tiền khá lớn nếu phải thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán và xét nghiệm. Ngoài các khoản chi phí trên, người bệnh phải trả thêm một khoản dịch vụ phí cho những người đưa đi (những người biết tiếng Nga), thường khoảng 300 rúp.
Trên các tờ báo tiếng Việt ở LB Nga như Nhân Hòa, Tin tức thị trường, Thời báo Moskva... người ta có thể đọc thấy rất nhiều mẫu quảng cáo của các bác sĩ điều trị đủ mọi thứ bệnh. Theo tiến sĩ – bác sĩ Lò Văn Xanh, Chủ tịch Hội Y dược VN tại LB Nga, với nhiều người, bác sĩ chỉ là… tự phong! Chẳng có ai kiểm tra bằng cấp này của họ ở xứ này. Một số người chỉ là bác sĩ nha khoa nhưng quảng cáo là một bác sĩ đa khoa giàu kinh nghiệm... Thậm chí, có người chưa từng có một ngày trong ngành y nhưng vẫn “có thể điều trị các bệnh đa khoa, đặc biệt các bệnh phụ khoa, nấm ngoài da, lậu, bệnh lây qua đường tình dục”...
Chính vì nghe theo những lời quảng cáo trên mà nhiều trường hợp “tiền mất tật mang”. H., 25 tuổi, quê ở Nghĩa Đàn - Nghệ An bị u não. H. tìm đến một lương y theo lời quảng cáo trên một tờ báo tiếng Việt ở Moskva. Sau khi điều trị 25 ngày với các loại thuốc hoạt huyết bổ não thì H. bắt đầu có biểu hiện bị liệt. Khi vào đến bệnh viện, các bác sĩ cho biết thuốc mà H. đang dùng càng làm cho u phát triển. H. đã chết vài ngày sau đó.
Trao đổi với chúng tôi, một bác sĩ trong Hội Y Dược Việt Nam tại LB Nga cho biết, nhiều trường hợp đã thiệt mạng vì nghe theo những lời quảng cáo để rồi khi vào viện thì đã muộn mằn. Do thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông và phải làm việc cật lực, phần lớn bà con bị viêm phổi và thấp khớp - loại bệnh mãn tính, phải điều trị lâu dài và tốn kém. Ngoài những trường hợp không có bằng cấp vẫn hành nghề hay hành nghề vượt quá chuyên môn thì hiện cũng không ít bác sĩ người Việt điều trị cho bà con kiểu… câu bệnh.
Bệnh tật thật sự là một trong những nỗi ám ảnh của người Việt tại Nga. Để giảm bớt những thiệt hại của bà con người Việt trên lĩnh vực này, Hội Y Dược học tại Nga đã vận động những người Việt Nam có bằng cấp y tế tham gia tổ chức hội để thống nhất quản lý về chuyên môn. Tuy nhiên, từ năm 1997 đến nay, hội cũng chỉ mới tập hợp được 25 bác sĩ và 80 sinh viên đang theo học tại 3 trường đại học y khoa ở Moskva.
Trong 15 khu vực người Việt sống và làm ăn tại Moskva thì hội chỉ mới gầy dựng tổ chức tại 8 khu. Bác sĩ Lò Văn Xanh, trăn trở: - Số lượng bác sĩ ở đây vẫn rất ít ỏi, chưa thấm gì so với nhu cầu khám chữa bệnh rất lớn của bà con người Việt. Mỗi lần nghe những câu chuyện thương tâm của bà con mình do không được chăm sóc sức khỏe tốt, chúng tôi ray rứt lắm. Biết vậy, nhưng cũng chưa thể thay đổi gì được.
HỒNG QUÂN - HỒNG LAM