
Không phải là những Otaku (danh từ chỉ những người yêu thích truyện tranh và hoạt hình Nhật Bản) cuồng nhiệt nhưng 23 SV khoa Quản lý Công nghiệp (Trường ĐH Bách khoa TPHCM) đã tổ chức thành công lễ hội văn hóa Nhật Bản vào ngày 24-6 tại công viên Lê Thị Riêng (TPHCM) với sự tham gia của hơn 2000 bạn trẻ.
- Lễ hội trong mưa

Các bạn trẻ say sưa với nghệ thuật nghệ thuật xếp giấy Origamni.
Những cơn mưa dai dẳng của ngày cuối tháng 6 không ngăn được bước chân của các Otaku đến với Ngày hội văn hóa Nhật Bản “Hi! Japan”. Lễ hội có thiết kế khá đơn giản nhưng ấn tượng với những gian hàng nghệ thuật xếp giấy Origami, trình diễn trang phục Kimono, thưởng thức trà đạo và nghệ thuật cắm hoa Ikebana… thu hút rất đông bạn trẻ tham gia. Các Otaku chia sẻ với nhau những bức vẽ Manga thật đẹp hay chuyền tay nhau những bộ truyện Manga độc đáo. Không ít người trong số họ nuôi ước mơ trở thành họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp.
“Nếu muốn trở thành họa sĩ vẽ truyện tranh, trước hết bạn nên học vẽ mỹ thuật từ căn bản. Nếu thực sự đam mê, bỏ ra khoảng 2 năm thì hình vẽ sẽ chuẩn hơn, tô bóng cũng dễ dàng vì bạn đã được học về bóng đổ và ánh sáng. Nếu muốn vẽ truyện tranh thì học màu, hình họa và cả vẽ tượng, tĩnh vật. Bạn sẽ tiếp thu đựơc nhiều kỹ năng hay”, Ngọc Tuyền (SV năm 2, ĐH Hoa Sen) chia sẻ bí quyết của những nét vẽ Manga tuyệt đẹp nhờ bỏ ra 5 năm để theo đuổi việc học này.
Học hỏi để dần dần định hình phong cách riêng chứ không phải là sao chép, những nét vẽ của cô bạn này tuy mang phong cách Manga nhưng vẫn có những nét rất riêng. Thần đồng đất việt và Truyện hay sử Việt đã trở thành điểm nhấn của truyện tranh VN một phần nhờ áp dụng phương pháp vẽ này. “Chúng mình nghĩ dù Truyện tranh VN đang trong quá trình tìm kiếm những bước đi mới nhưng bước đầu đã tìm được chỗ đứng vững trong lòng độc giả”, một nhóm HS Trường Trần Phú (Q.5) cho biết.
- Tiếp thị sự năng động
Ít ai ngờ ngày hội này là sản phẩm của một môn học: môn tiếp thị công nghiệp. Hi!Japan do nhóm gồm 23 SV khóa 2003 (khoa Quản lý Công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa TPHCM) thiết kế vào cuối tháng 3-2007. Các bạn đã linh động trong việc phân chia nhóm ra thành 3 nhóm nhỏ để việc thiết kế, tổ chức, xin tài trợ diễn ra thành công. Mỗi nhóm có trưởng nhóm chịu trách nhiệm phân công việc, quản lý, giúp đỡ lẫn nhau, thu xếp thời gian hợp lý để không ảnh hưởng tới những môn học khác.
Thạc sĩ Hồ Đắc Nguyên Ngã (giảng viên môn Tiếp thị Công nghiệp) cho biết, khóa 2003 có 16 nhóm SV thực hiện bài tập của môn học bằng những dự án được ứng dụng trên thực tế như thế này. Trong đó, có 10 dự án bán được cho các doanh nghiệp, doanh số môn học là 400 triệu đồng. Riêng lễ hội Hi! Japan, sau khi trừ các kinh phí tổ chức dự án, toàn bộ số tiền còn dư đều được nhóm SV đóng góp vào quỹ hoạt động của Hội SV của trường.
Gắn những ý tưởng của mình vào thực tế, các bạn SV không chỉ biến sự yêu thích Manga thành dự án có giá trị mà còn góp phần đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của các bạn trẻ. “Qua việc tổ chức lễ hội, chúng mình hiểu hơn về sức mạnh tập thể, tự tin hơn về khả năng của bản thân. Và quan trọng hơn là tiếp thị được hình ảnh năng động của SV bọn mình đến các nhà doanh nghiệp”, SV Đỗ Thị Bích Trâm (trưởng ban tổ chức) nói. Và biết đâu một ngày không xa, một lễ hội truyện tranh VN sẽ được các bạn tổ chức!
Tại TPHCM, Trường ĐH Hồng Bàng là trường ĐH đầu tiên và duy nhất đào tạo ngành Hoạt hình Manga. Chuyên ngành độc đáo với tên gọi Media Manga animation (hoạt hình Manga truyền thống Nhật Bản), bắt đầu tuyển sinh ĐH từ năm 2005. Khóa đầu tiên có khoảng hơn 40 SV, khóa thứ 2 (năm 2006) số lượng SV theo học tăng gấp đôi (96 SV). SV theo học ngành này được học tại phòng hoạt hình Manga có cấu tạo đặc thù riêng biệt như một xưởng vẽ, được học tập thể hiện trên vi tính trong không gian 3 chiều (kỹ xảo điện ảnh)… Mục tiêu của ngành học là xây dựng đội ngũ có khả năng thiết kế phim hoạt hình, thiết kế đồ họa, chế bản in ấn trong các công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và những cơ quan đơn vị thuộc ngành văn hóa thông tin, truyền thông, báo chí, điện ảnh cần kỹ xảo. |
NGỌC TRÂM