Phong Nha

Những phát hiện gây chấn động

Những phát hiện gây chấn động

Quảng Bình, dải đất hẹp nhất nước nhưng lại có di sản thiên nhiên mà nhiều nhà khoa học thế giới cho rằng không nơi nào có được. Đó là Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB). Mỗi chuyến khám phá Phong Nha lại thêm một đóng góp mới cho khoa học Việt Nam và thế giới.

  • Ba loài bò sát mới
Những phát hiện gây chấn động ảnh 1

 Rắn lục Trường Sơn, lần đầu phát hiện ở VQG PN-KB.

Ba loài vừa được phát hiện gồm tắc kè, rắn lục sừng, rắn lục Trường Sơn. Đây là kết quả kỳ công của các chuyên gia khoa học Việt Nam gồm Hồ Thị Thu Cúc, Nguyễn Văn Tiến, Bùi Ngọc Thành và hai chuyên gia người Nga là Segei A. Ryabov, Nicolai Lorlov. Rắn lục sừng và rắn lục Trường Sơn là hai loài rất độc và quý hiếm. Riêng tắc kè PN-KB sống trong hang động trên núi đá vôi và điều đặc biệt là chúng kiếm ăn vào ban đêm, một tập tính khác lạ đối với loài bò sát.

  • Khu hệ cá có một không hai
Những phát hiện gây chấn động ảnh 2

Tắc kè PN-KB, loài lần đầu tiên trên thế giới được phát hiện tại PN-KB. Ảnh: NAM DƯƠNG

10 km ấy thuộc hệ sinh thái cá sông Chày (từ trạm kiểm lâm Trộ Mợng đi vào), nơi này đã làm cho nhà ngư loại học Nguyễn Thái Tự kinh ngạc khi phát hiện có đến 80 loài cá đang sinh sống, một khu hệ cá có một không hai ở Việt Nam. Trước đây, nhiều người không quan tâm lắm tới khu hệ cá này nhưng sau đó càng khảo sát càng thấy thú vị. Đây là khu hệ cá được tìm hiểu thấu đáo nhất với chỉ số đa dạng sinh học cao gấp 25 lần so với khu hệ cá nước ngọt của Việt Nam.

TS Tự khẳng định: “PN-KB là thiên đường của các nhà ngư loại học, hơn thế, đây là trung tâm phát sinh của giống Cyprinus và của tộc Cyprinini”. Cũng theo ông Tự, vùng sinh cảnh cá ông nghiên cứu chỉ rộng hơn 4.000m2, một diện tích rất nhỏ nhưng có tới 7 loài trong khi cả miền Bắc (từ Hải Vân trở ra, trừ PN-KB, Tây-Bắc và lưu vực sông Kỳ Cùng) chỉ có bốn loài thuộc tộc Cyprinini. Ngoài ra, khu hệ cá PN-KB còn là một di sản thiên nhiên quý, đa dạng thành phần loài (162 loài/544 loài của cả nước) và lưu giữ đầy đủ bốn pha quan trọng nhất của quá trình hình thành loài. 

  • Nơi duy nhất ở Việt Nam còn lan hài

Lan hài là một nhóm đặc biệt của họ lan. Đây là loài đặc hữu, chỉ gặp ở một vùng hẹp của đất nước và từ lâu được coi như báu vật quốc gia. Lan hài không chỉ có giá trị thẩm mỹ, khoa học mà còn có giá trị kinh tế cao nên khi được phát hiện, nhiều loài lan hài đã bị săn tìm và thu hái để cung cấp cho các “thị trường đen” quốc tế khiến số lượng suy giảm nhanh chóng. Lan hài lần đầu tiên được phát hiện ở nước ta vào năm 1922 tại vùng rừng Nha Trang và được gửi về Pháp để trồng. Sau đó, nhiều cuộc tìm kiếm ở Khánh Hòa không gặp lại loài lan này nên nhiều người cho rằng nó đã tuyệt chủng.

Những phát hiện gây chấn động ảnh 3

Rắn lục sừng, loài mới phát hiện tại VQG PN-KB.

70 năm sau, năm 1992, lan hài tái xuất hiện trên thị trường lan Đài Loan, Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Lần theo nguồn tin trên, năm 1996, tiến sĩ thực vật người Nga Leonid Averyanov và cộng sự đã tìm được loài lan quý này trên các vách đá cheo leo của núi Hòn Giao, cách Nha Trang khoảng 50km về phía Tây. Những năm 1990, lan hài được mua với giá lúc đầu khoảng 1-3USD/kg; năm 1995 tăng lên 10USD/kg. Đến năm 1995, lan hài lại biến mất khỏi Khánh Hòa do nạn thu mua, khai thác trái phép. Sau đó, nó được phát hiện ở vùng núi Cao Bằng nhưng chỉ sau 2 tháng, giới buôn lan ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã tìm ra nơi phân bố và toàn bộ quần thể loài lan hài ở đây đã bị tiêu diệt.

Lan hài được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào nhóm bị tuyệt chủng. Trong khi thông tin về lan hài không còn xuất hiện ở Việt Nam thì tiến sĩ Leonid Averyanov đã tái phát hiện lan hài tại PN-KB dưới tán một khu rừng nguyên sinh trên núi đá vôi. Theo ông Nguyễn Tấn Hiệp, Giám đốc VQG PN-KB, đây là thông tin gây chấn động giới nghiên cứu lan trên thế giới.

Hiện tại, chi tiết phân bố lan hài không được công bố nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép. Hơn nữa, các chuyên gia còn cho rằng đây là khu rừng chưa có dấu chân con người và ở đây có một loài cây mới thuộc hàng đặc biệt quý hiếm của thế giới nên ông Hiệp cho rằng, phát hiện ra khu rừng này cũng là một tin vui đặc biệt cho các nhà nghiên cứu thực vật. Các cán bộ khoa học PN-KB đã đưa mẩu lan hài về nhân giống. Trước việc tái phát hiện này, Leonid khuyến cáo phải huy động các  viện tham gia nghiên cứu, sưu tập, lấy hạt, đổi màu, nhân giống với số lượng lớn rồi bán nhằm tránh tình trạng khai thác trái phép loại hoa này trong tự nhiên.

Hiện tại, quần thể rừng này được đặt dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt nhất của VQG PN-KB

NAM DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục