Những phụ nữ tiên phong bảo vệ môi trường

Darcy Roehling, một người Pháp gốc Mỹ, người sáng lập podcast Women17, đã ghi lại những nỗ lực của phụ nữ khắp nơi để thay đổi thế giới trong thời gian phong tỏa vì dịch Covid-19. 

Cô đã phỏng vấn hàng chục phụ nữ và nhận ra điểm chung của những phụ nữ tiên phong trong bảo vệ môi trường: Sự tò mò và quyết tâm.

“Họ nhìn thấy nhu cầu hoặc điều gì đó họ không thích ở hiện trạng, và họ tự hỏi mình cần thay đổi điều gì. Sau đó, họ khai thác kinh nghiệm cá nhân, cùng với kiến thức chuyên môn, để trở thành người tạo ra sự thay đổi. Họ vô cùng năng động và có óc kinh doanh, thường bắt đầu từ tay trắng và rất kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng”, cô D.Roehling nói. 

Điểm dừng đầu tiên là ở Gujarat, Ấn Độ, nơi cô gặp Geeta Solanki, người sáng lập mạng xã hội Unipads Ấn Độ. Unipad là loại băng vệ sinh có thể tái sử dụng, được sản xuất bền vững dành cho những phụ nữ nông thôn Ấn Độ.

Geeta Solanki đã thành lập nhà máy sản xuất băng vệ sinh của riêng mình với chia sẻ: “Năm 2016, tôi được chẩn đoán là bị u nang âm đạo cần phải phẫu thuật. Băng vệ sinh dùng một lần thông thường của tôi rất khó mặc và mẹ tôi đề nghị tôi sử dụng băng vệ sinh truyền thống của bà. Tôi ngạc nhiên vì cảm giác thực sự thoải mái. Tôi đã thực hiện một số nghiên cứu và tìm thấy một vài nhà cung cấp miếng vải có thể tái sử dụng ở Ấn Độ, nhưng chúng rất đắt và chỉ có trên mạng. Điều này khiến gần 90% phụ nữ Ấn Độ không thể tiếp cận. Ý tưởng sản xuất băng vệ sinh giá cả phải chăng và bền vững cho tất cả mọi người xuất hiện”.

Một phụ nữ trung bình vứt bỏ 125 - 150kg băng vệ sinh dùng một lần trong suốt cuộc đời của mình. Vì thế, với 135 phụ nữ làm việc cho mình, cô đã góp phần xử lý được hàng trăm tấn chất thải.

Ở Philippines, năm 2013, Axelle Jorcin, cựu giám đốc chuỗi cung ứng của BP và là một thợ lặn nhiệt tình, đang nghỉ trên một hòn đảo nhỏ có tên Malapascua thì một cơn bão lớn ập đến phá hủy mọi thứ.

“Chúng tôi muốn làm nhiều hơn là chỉ gửi tiền để xây lại nhà nên quyết định thành lập Con người và Biển cả, một tổ chức từ thiện hoạt động đồng thời về khoa học biển, giáo dục môi trường, không chất thải, khả năng phục hồi kinh tế và nghề cá bền vững - tất cả trên một hòn đảo nhỏ chỉ có diện tích 2km²”, cô Axelle Jorcin kể.

Tổ chức này hỗ trợ ngư dân tham gia tích cực vào quản lý tài nguyên biển gồm lập bản đồ ngư trường, đánh giá trữ lượng cá, đăng ký ngư dân với các cơ quan chính phủ và giám sát nghề cá…

Các dự án sáng tạo thân thiện với môi trường không phải lúc nào cũng sinh ra từ khủng hoảng. Đối với cựu nhà báo Canada Cheryl Rosebush, đó là một lần đi mua đồ đơn giản cùng con.

Những phụ nữ tiên phong bảo vệ môi trường ảnh 1 Cheryl Rosebush đọc sách với các con trai 
“Tôi vào cửa hàng tạp hóa với đứa con 4 tuổi, giải thích lý do tại sao tôi không mua đồ chơi nhựa rẻ tiền vì sau đó chất thải nhựa sẽ ảnh hưởng đến môi trường biển, đến các loài cá biển ra sao… Đêm đó trước khi đi ngủ, con trai tôi kể lại từng chi tiết. Đây là khoảnh khắc tôi nhận ra rằng mọi người nên nói chuyện với bọn trẻ về các vấn đề môi trường. Vì vậy, tôi viết loạt sách Thế giới cần gì bây giờ, bắt đầu với Cây, sau đó là Ong, và Ít nhựa hơn sắp ra mắt”, Cheryl Rosebush kể.
Sách được làm bằng 100% giấy tái chế, có cán màng phân hủy sinh học, mực làm từ thực vật và in ấn cân bằng carbon. Gần một năm qua, cô đã nghiên cứu, tìm nguồn và cung cấp một cuốn sách tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về in ấn sinh thái.

Tin cùng chuyên mục