Những phụ nữ vượt lên số phận

Vượt qua sự tự ti, mặc cảm về những khiếm khuyết của bản thân, họ đã vươn lên trong cuộc sống bằng ý chí, nghị lực của chính mình… Họ kiên trì học tập, nỗ lực làm việc để thực hiện mong ước lớn nhất là không trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Đã có hơn 120 phụ nữ tàn tật vượt khó được Hội LHPN TPHCM tuyên dương vào sáng 27-11.

Đồng cảm và sẻ chia...

Khó nhọc với những bậc thang khán đài khi được ban tổ chức mời lên giao lưu nhưng trên khuôn mặt chị Nguyễn Đức Diệu Trinh vẫn rất tươi tỉnh. Bị liệt cả hai chân từ lúc 8 tháng tuổi. 15 tuổi, vượt qua những tháng ngày sống mặc cảm, tự ti, khép mình, chị theo học nghề may rồi học đánh máy chữ nhưng… vẫn thất bại. Chị tìm đến nghề thêu, bởi: “Tôi thấy mình phù hợp với nghề thêu và đóù còn là một bộ môn nghệ thuật mà tôi rất thích”. Năm 1995, nhờ sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè, chị đã mở cơ sở tranh thêu tay nghệ thuật (tại số 679C2/29 Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp), giúp cho 10 người, trong đó phần lớn là người khuyết tật có việc làm với mức lương từ 1,5- 2 triệu đồng/tháng…

Đến với buổi lễ tuyên dương trong bộ áo dài màu hồng, trông chị Vương Chi Lan thật duyên dáng. Vậy mà ít ai ngờ, người phụ nữ ấy có lúc đã tìm đến cái chết vì tuyệt vọng, vì cảm thấy cuộc sống quá khắc nghiệt với mình…

Chị bị tật ở tay và để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Chị đã cố gắng tự lập ngay từ khi còn nhỏ. “Những gì mình có thể làm được thì tôi nhất quyết không để người khác làm thay”, chị tâm sự. “Mình đã không được như người bình thường thì chỉ có thể bù lại là học lấy cái chữ”. Nghĩ vậy nên dù khó khăn đến mấy chị cũng quyết tâm theo học. Nhà nghèo, một buổi đi học, buổi còn lại chị đi bán vé số dạo, góp tiền đóng học phí. “Nhiều hôm đi học tôi mang theo luôn tập vé số giấu trong cặp để tranh thủ những tiết học trống sẽ bán”, chị kể. Những năm theo học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Vũng Tàu, chị Chi Lan vẫn quen thuộc với bạn bè là “cô sinh viên bán vé số dạo”… Tìm ra trước biển, chị đã khóc thật nhiều và nghĩ đến cái chết khi trường thông báo chị không đủ sức khỏe để tốt nghiệp.

Rồi chị cũng vượt qua “cú sốc” ấy và quyết tâm sẽ sống và sống mạnh mẽ hơn… Từ năm 2002, chị Vương Chi Lan mở Công ty TNHH Trái tim hồng với toàn bộ lao động là trẻ khuyết tật. Ngoài ra, chị còn nhận nuôi và dạy vi tính đồ họa cho 15 em khiếm thị, khiếm thính. “Với các em khuyết tật, tôi luôn trải lòng và cho tất cả những gì có thể. Tôi rất hạnh phúc vì cũng đã nhận lại được rất nhiều: niềm vui và sự chia sẻ…”, chị khoe. Trên hết, đó là hạnh phúc của sự cảm thông, sẻ chia với những người thiếu may mắn, sự đồng cảm, đồng cảnh ngộ…

Con ngoan, trò giỏi

Dáng người nhỏ nhắn, lại bị khiếm thị bẩm sinh, Nguyễn Thị Hảo (sinh năm 1991) luôn mặc cảm và sống khép mình. Hơn 10 tuổi, em được một người quen giới thiệu vào Mái ấm Thiên ân (Tân Phú). Ở đây, gặp các bạn có hoàn cảnh giống mình và theo học lớp văn hóa dành cho người khuyết tật, Hảo đã dần thấy tự tin hơn trong cuộc sống…

Trong một chuyến dã ngoại ở biển Vũng Tàu, nghe tiếng vui đùa tắm biển của bạn bè bên con sóng, Hảo thầm ao ước được một lần như thế. Tập bơi, với người bình thường đã khó thì người khiếm thị càng không dễ... “Uống nước no bụng là chuyện thường mỗi lần xuống hồ bơi, nhưng nghe thầy giáo bảo em có năng khiếu bơi và mọi người ở mái ấm động viên rất nhiều cũng là động lực để em cố gắng. Và em đã thành công…”, Hảo kể. Từ năm 2003 đến nay, Nguyễn Thị Hảo đã giành 19 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và nhiều lần vượt kỷ lục trong các cuộc thi toàn quốc dành cho người khuyết tật.

Đó còn là chị Nguyễn Diệu Linh, bị khèo 2 chân, hoàn cảnh gia đình khó khăn, tự đi làm thuê nuôi mình ăn học hết cấp 3 rồi học thợ may, tích cực tham gia công tác hội, hỗ trợ những người khuyết tật ở địa phương; là chị Nguyễn Phương Thanh, bị gù lưng từ nhỏ, học hết lớp 12, làm công nhân để phụ giúp gia đình và nuôi em trai ăn học… Họ đều là những bông hoa thật đẹp trong cuộc sống.

Bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM không giấu được xúc động khi nói về các chị. “Họ là những tấm gương đáng quý, là hình tượng sống để chúng ta nhìn nhận, học tập và phấn đấu…”. 

THANH HỢP

Tin cùng chuyên mục