Liên tiếp cháy ở các nhà xưởng
Trước đó, tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng xảy ra cháy nhà xưởng làm 8 người chết. Khu vực kho xưởng bị cháy nằm sâu trong khu dân cư, có nhiều vật liệu dễ cháy như đồ nhựa, gỗ nên đám cháy lan nhanh, thiêu rụi cả 4 khu nhà xưởng. Năm 2017, vụ cháy làm rúng động xã hội xảy ra tại xưởng bánh kẹo ở Đức Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã khiến 8 người tử vong, 2 người bị thương nặng. Tháng 3-2018, làng nghề Triều Khúc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bị cháy lớn, rất nhiều tài sản của bà con tiểu thương bị thiêu rụi.
Tại TPHCM, gần đây, liên tiếp trong tháng 3 và đầu tháng 4-2019, nhà xưởng đóng gói hoa quả tại quận Bình Tân và xưởng chứa dầu nhớt tại xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) cũng bị cháy rụi.
Còn tại Bình Dương thì vụ cháy ở Công ty TNHH Trí Gia (thị trấn Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên) cũng khiến người dân khu vực này một phen hoảng loạn. Vụ cháy kéo dài khoảng 12 giờ đồng hồ mới được dập tắt và hậu quả là thiêu rụi hàng ngàn mét vuông nhà xưởng cùng kho sơn, khu gỗ thành phẩm, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Do nhà xưởng công ty nằm trong hẻm của khu dân cư nên công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Đồng thời đám cháy cũng đe dọa hàng chục nhà dân, nhà trọ công nhân và các công ty khác nằm xung quanh. Trước đó, tại khu phố Bình Thuận, phường Thuận Giao (thị xã Thuận An), người dân một phen hoảng sợ khi một công ty hóa chất phát cháy. Lửa bao trùm nhà xưởng rộng khoảng 500m2 với cột khói bốc cao hàng chục mét…
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, khói bụi, tiếng ồn, những cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư đô thị còn là những “quả bom lửa”, tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ khiến người dân sống chung quanh khu vực luôn bất an.
Chậm chạp di dời
Trước nguy cơ về ô nhiễm, cháy nổ do các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất có thể gây ra, chính quyền các địa phương, nhất là những tỉnh, thành tập trung nhiều nhà xưởng tại các khu dân cư đông đúc như Hà Nội, TPHCM đều nỗ lực triển khai việc di dời. Song đến nay tiến độ vẫn hết sức chậm chạp.
Tại Hà Nội, theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương năm 2015, đến năm 2020, Hà Nội sẽ di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. UBND TP Hà Nội cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục di dời; trong đó có đến 47 đơn vị gây ô nhiễm môi trường, 11 đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhưng sau 3 năm, tại hội nghị giao ban trực tuyến tháng 9-2018, số liệu chính quyền TP Hà Nội đưa ra cũng mới chỉ giảm được 4 cơ sở. Ngoài ra, trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn hàng ngàn khu nhà xưởng, kho bãi lớn nhỏ đang hoạt động nhưng nhiều cơ sở trong đó chưa đạt yêu cầu về PCCC. Nhiều xưởng, kho chứa hàng có rất nhiều đồ dễ cháy như giấy, xốp, bao tải nhựa… Ngoài ra, các nhà kho, nhà xưởng được xây dựng theo kiểu chuồng cọp, chỉ có một lối thoát duy nhất. Hầu hết những nhà xưởng, nhà kho này (được làm bằng khung thép, mái tôn) xen lẫn trong khu dân cư để làm nơi lưu giữ, trung chuyển hàng hóa nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao và khó khăn trong thoát hiểm nếu không may xảy ra cháy lớn.
Còn tại TPHCM, đến nay vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư với những nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ, ô nhiễm, gây bức xúc rất nhiều cho người dân. Từ năm 2002, UBND TPHCM đã ban hành “Đề án thực hiện chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào khu công nghiệp và vùng phụ cận”. Theo đề án, có hơn 1.400 cơ sở thuộc diện phải xử lý, di dời. Tại chương trình Lắng nghe và trao đổi của HĐND TPHCM mới đây, Sở TN-MT báo cáo trên địa bàn thành phố hiện còn 316 cơ sở gây ô nhiễm môi trường đang tiếp tục được kiểm tra, giám sát; trong đó, năm 2018 có tới 294 cơ sở sản xuất phát sinh mới trong khu dân cư. Không chỉ di dời cơ sở gây ô nhiễm, cuối năm 2016 UBND TPHCM tiếp tục ban hành Quyết định 6762 về kế hoạch di dời 10.000 cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố. Mục đích kế hoạch di dời nhằm đưa cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, cơ khí... xen cài trong khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế việc di dời các cơ sở này rất phức tạp, có nỗ lực thực hiện nhưng kết quả vẫn chưa nhiều.
Đã đến lúc chính quyền các địa phương cần quyết liệt, thực hiện đúng lộ trình và quy định của pháp luật trong việc di dời các cơ sở này ra khỏi khu dân cư để người dân không phải lo lắng, bất an khi sống chung cùng những “quả bom lửa” quanh mình.