
Những bàn thắng của Văn Quyến đã làm hỏng buổi tiệc mừng trên sân Long An. Nhưng bản chất của trận đấu này cũng đã được đoán định từ trước. Duy có một điều cần phải nhắc lại: đây là trận thứ 4 liên tiếp, Quyến ghi bàn.

Quyến bắt đầu ghi bàn khi tại SĐ.NĐ, tiền đạo trẻ Ngọc Linh nổi lên như một ngôi sao mới với những bàn thắng liên tục tuôn ra như suối nguồn. Khi Ngọc Linh ồ ạt ghi bàn, nâng số lần sút tung lưới đối phương lên con số 9 thì Quyến cũng đã có 5 bàn thắng trong 3 trận đấu. Những bàn thắng của Quyến giúp SLNA tiệm cận đến mục tiêu đứng trong tốp 5 như mục tiêu đặt ra đầu mùa. Như vậy là có 2 sự trở lại: Một của Quyến và một của SLNA.
Đấy là dấu ấn lớn nhất của vòng đấu thứ 21, một vòng đấu chắc chắn BTC sẽ tuyên bố: không có tiêu cực nhưng diễn tiến của nó thì đầy rẫy sự nghi ngờ. 6 trận đấu, có 2 trận “vô cảm” diễn ra tại Long An và Cao Lãnh, 4 trận còn lại diễn biến theo kiểu hòa hoãn và đến vòng đấu cuối mới biết ai sẽ phải đi play-off.
Thật ra, vẫn còn một dấu ấn khác. Việc GĐT.LA không thắng trận thứ 3 liên tiếp cho thấy họ thật sự mong manh khi thiếu Tài Em và Minh Phương. Nhưng đứng ở góc độ chiến lược thì việc họ không hết mình trong trận cầu trước SLNA là điều không quá khó hiểu bởi trước mắt họ là trận bán kết Cúp Quốc gia với HA.GL, một trận đấu xứng đáng là trận chung kết của GĐT.LA trong mùa giải này. Tất nhiên, thật tiếc khi GĐT.LA không có những kết quả tốt sau khi vô địch, nhưng ai trong hoàn cảnh của họ cũng khó mà làm khác được. Dù sao, như ông Calisto thừa nhận: GĐT.LA cần được tái thiết mạnh mẽ cho mùa bóng sắp tới, nơi họ đã là một tân vô địch.
Đội bóng bị GĐT.LA truất ngôi là HA.GL lại là sự thất vọng khác dành cho một nhà cựu vô địch. HA.GL đã có những trận đấu mà giới chuyên môn giỏi phân tích đến mấy cũng đành chịu. Họ thua nhiều trận tại sân Pleiku, điều mà 2 mùa trước không hề xảy ra và các trận thua đó dường như có mục đích rất rõ ràng.
Nhưng người ta nói rằng đấy mới là HA.GL, đội bóng của một ông bầu khôn ngoan và một GĐKT lão luyện trong hoạch định chiến lược thi đấu. Việc họ vô địch 2 mùa liên tiếp đủ để chứng tỏ đội bóng này hoàn toàn thao túng V-League. Kể cả mùa bóng này, dù thi đấu thất thường thì HA.GL vẫn là người chi phối kết quả của V-League. Những trận thua hết sức bất ngờ của họ dường như được “lập trình” một cách hoàn hảo và đội có lợi nhất không ai khác chính là HL.BĐ, đội bóng quê hương của bầu Đức và là nơi được xem là “sân sau” của HA.GL.
***
Những sắc thái phức tạp của vòng 21 V-League cuối cùng chẳng để lại điều gì đáng mừng. Không có giải vô địch nào mà cuộc chạy trốn xuống hạng lại căng thẳng và đáng chú ý như V-League. Không có giải vô địch nào mà các thứ hạng trong tốp đầu chẳng làm ai quan tâm bằng việc ai sẽ bị điểm mặt nơi cuối bảng. Đến vòng áp chót rồi mà chỉ mới có 5 đội yên tâm trụ hạng, 6 đội khác còn phải chờ, thậm chí vừa chờ vừa nghe điện thoại để ngóng kết quả các sân khác mà biết cách đá sao cho hợp tình, hợp lý.
Cái khốc liệt của V-League không đồng nghĩa với tính chất hấp dẫn tăng lên mà có thể là điều báo động.
Chúng ta nói như thế nào khi xem trận HL.BĐ – HP.HN, một trận cầu đáng bị xếp vào đẳng cấp “hạng nhì” về mặt chuyên môn. Đấy là một trận đấu mà một đội không có bất cứ tình huống nguy hiểm nào còn đội ép sân suốt 90 phút thì chỉ có 3 cơ hội gọi là nguy hiểm. V-League không thể phát triển nếu còn những trận cầu như vậy.
Những người biết chuyện nói rằng thật ra không phải vì quá căng thẳng mà trận đấu đó ít ỏi về cơ hội ghi bàn mà là vì họ chủ ý đá cầu hòa để đợi ..vòng 22 mà thôi.
Vậy mới là V-League!
Hồ Việt