Những sáng kiến tháo gỡ lực cản kinh tế ASEAN

Để đương đầu với những lực cản kinh tế trong năm 2019, bài viết trên trang mạng eurasiareview.com mới đây cho rằng, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần ưu tiên thúc đẩy Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2025 và hoàn tất quá trình đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cùng những nỗ lực mạnh mẽ khác.

 


Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo, nếu Mỹ cấm vận tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc, tăng trưởng của nước này chỉ đạt 5,3% trong năm 2019
Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo, nếu Mỹ cấm vận tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc, tăng trưởng của nước này chỉ đạt 5,3% trong năm 2019

Các thách thức

Tác giả bài viết nhận định, thế giới năm 2019 có thể sẽ chứng kiến việc Washington và Bắc Kinh tiếp tục gia tăng các khoản thuế hoặc có những biện pháp siết chặt thương mại hơn sau các cuộc đàm phán thương mại. Trong khi đó, trên phương diện tài chính, ngày 19-12-2018, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng mức lãi suất từ 2,25% lên 2,5% và dự kiến còn hai đợt tăng nữa trong năm 2019. Những động thái tăng thuế có thể khiến dòng vốn chảy khỏi nhiều nước Đông Nam Á do giới đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn tại thị trường Mỹ. Nếu không được kiểm soát hiệu quả, dòng vốn thất thoát này có thể gây ra bất ổn về tài chính và thậm chí là khủng hoảng tại các nền kinh tế khu vực.

Việc tránh khỏi những ảnh hưởng từ các vấn đề kinh tế kể trên là điều không tưởng đối với các nền kinh tế tại ASEAN. Tuy nhiên, các nước vẫn có thể đối phó với những tác động tiêu cực nhờ các sáng kiến khu vực như AEC 2025, Thỏa thuận đầu tư và thương mại tự do ASEAN - Hồng Công (Trung Quốc), gọi tắt là AHKFTA, RCEP hay cơ chế đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM).

Tính tới giải pháp

Trước hết, các nhà hoạch định chính sách ASEAN cần ưu tiên hoàn tất việc triển khai AEC 2025, một kế hoạch hội nhập kinh tế khu vực được 10 nước thành viên thúc đẩy. Việc thúc đẩy AEC 2025 sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường hội nhập với 630 triệu dân, giúp các nền kinh tế khu vực có sức bền và dễ dàng chống chọi hơn trước các thách thức sắp tới.

Thứ hai, các chính phủ ASEAN cần sớm thông qua AHKFTA, một hiệp định thương mại tự do đã được ký kết vào tháng 11-2017, để các quy định nhanh chóng có hiệu lực theo đúng thời hạn mong muốn là vào đầu năm 2019. Các thỏa thuận này sẽ giúp thúc đẩy dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và đầu tư xuyên biên giới giữa các nền kinh tế ASEAN và Hồng Công. Hơn thế nữa, hiệp định thương mại tự do này còn mở rộng cánh cửa tiếp cận các thị trường hàng hóa và dịch vụ cũng như đảm bảo các điều khoản đầu tư tốt hơn, đồng thời giúp các nước ASEAN thắt chặt hơn quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc và hạn chế việc bị ảnh hưởng bởi những mâu thuẫn giữa Washington và Bắc Kinh.

Thứ ba, các chính quyền ASEAN cần tập trung hoàn thiện tiến trình đàm phán RCEP, một thỏa thuận thương mại tự do bao trùm 16 nền kinh tế. Nếu được triển khai, khối kinh tế này sẽ tạo ra một thị trường với 3,6 tỷ dân và đóng góp tới 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, chiếm 29% thương mại thế giới và 26% dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Việc hoàn tất quá trình đàm phán giúp các nền kinh tế RCEP đa dạng hóa và ứng phó hiệu quả với các hệ quả từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Thứ tư, các nước Đông Nam Á nên cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sớm thúc đẩy CMIM, một cơ chế an ninh tài chính khu vực được xây dựng trong khuôn khổ hợp tác tài chính ASEAN+3. CMIM, được triển khai vào năm 2010, có thể là công cụ tài chính đắc lực giúp các nước thành viên vượt qua các khó khăn trong cân đối chi tiêu khi các đợt tăng lãi suất của FED có thể gây bất ổn về tài chính và dẫn tới tình trạng thoái vốn tại một số nền kinh tế khu vực.

Tuy nhiên, những sáng kiến kể trên cũng đối mặt với không ít thách thức riêng. Vì vậy, các nước ASEAN cần tìm cách tăng cường hợp tác sâu rộng giữa giới chức liên quan.

Tin cùng chuyên mục