TPHCM, nơi có 1/3 dân số theo các tín ngưỡng, nơi có trên 645.000 đồng bào theo đạo Thiên chúa… vẫn đang từng ngày chuyển mình trên đà phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập thế giới. Trước thềm Đại hội đại biểu “Những người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” lần VI (4-9-2008), Báo SGGP xin giới thiệu một số điển hình trong số hàng trăm điển hình tiên tiến từ các quận - huyện.
1. Trăn trở trước thực tế công nghiệp hóa đang xóa dần những cánh đồng trên đất Hóc Môn, linh mục Vũ Đình Liêm - Chánh xứ Họ đạo Hóc Môn đã bàn với cộng đoàn Dòng Don Bosco cho mượn mặt bằng để mở lớp dạy nghề. Riêng ông thì trực tiếp mua sắm trang thiết bị, học cụ và xin phép hoạt động cho lớp dạy nghề.
Khi đã có đầy đủ yếu tố cần thiết, Họ đạo Hóc Môn bắt đầu “tuyển sinh” bằng cách truyền tai và thông tin tại các buổi lễ. Không chỉ có thanh niên Công giáo, những nông dân nghèo học vấn thấp cũng được theo học. Tuy nhiên, với khả năng hạn chế và sự cố gắng tối đa, Họ đạo Hóc Môn cũng chỉ rước giáo viên về dạy môn “điện gia dụng”, học phí 50.000 đồng/tháng. Chỉ với một lớp học nhỏ như vậy, 10 năm qua, hàng trăm thợ điện “made in Hóc Môn” đã “tốt nghiệp” và có việc làm ổn định.
2. Tại Q5, Hội Dòng mến Thánh giá của những người nữ tu lại “chuyên” về mảng chăm sóc trẻ em nghèo, các thiếu nữ bị lạm dụng, trẻ mồ côi và không phân biệt tôn giáo của họ. Sau khi Mái ấm Mai Liên của Hội Dòng mến Thánh giá trở nên quá chật, được sự giúp đỡ của Sở LĐTB-XH TPHCM, một cơ sở mới đã ra đời ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
Có địa điểm rộng rãi, Trung tâm xã hội Bình Hưng mở luôn các lớp học tình thương để phổ cập cấp 1 cho các nạn nhân nhỏ tuổi. Bên cạnh việc nuôi dưỡng, dạy học, các thiếu nữ tại trung tâm còn biết thêm kỹ năng sống, nữ công gia chánh và học nghề.
Hàng năm, có từ 150 - 250 học sinh đã được trung tâm nuôi dạy, bảo trợ. Và để có tiền nuôi dạy các em, những nữ tu của Hội Dòng mến Thánh giá phải đi làm thêm, phụ việc bên ngoài… để hôm nay, có 214 em đã là sinh viên các trường đại học.
3. Tuy sức khỏe không tốt nhưng người giáo dân ở Giáo xứ Sơn Lộc (Củ Chi) Nguyễn Tất Trúc vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Ông cho biết: “Tổng số người mù hiện nay tại Củ Chi là 117 người sống rải rác trên địa bàn 20 xã. Để có thể đến với từng người, tôi đã bỏ thời gian đi tìm và động viên, an ủi họ theo lời Chúa dạy: yêu thương đồng loại để phục vụ tốt đẹp hơn ý Chúa”.
Và để giúp người mù về tinh thần, ông Trúc thường xuyên liên hệ với thư viện sách nói của Hội LHPN TPHCM để nhận băng cassette, dĩa CD để họ nghe nhạc, nghe đọc sách và thành lập luôn “tủ sách nói” với hơn 1.000 băng đĩa. Mỗi khi có ai cần, ông Trúc còn mang “sách” đến tận nơi để người nghe không phải khó khăn tìm đường đi.
Cứ vào ngày 15 hàng tháng, ông Trúc lại đến giáo xứ rồi thuê người chở về 1 tấn gạo và 1.050 gói mì. Đây là phần của 105 người mù nghèo và ông Trúc có “nhiệm vụ” phải đưa đến tận nơi. Bên cạnh đó, với ít vốn liếng chữ nghĩa, giáo dân Nguyễn Tất Trúc còn hướng dẫn để 28 người mù ở Củ Chi vay tiền với lãi suất ưu đãi, giúp họ thoát nghèo.
4. Với người nữ Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ (KP3, P15, Gò Vấp) Phạm Thị Lan thì càng hiến được nhiều máu, càng cứu được nhiều người. Tuy đã cao tuổi nhưng bằng kinh nghiệm công tác và uy tín của mình, chị Lan thường xuyên vận động bà con lương - giáo trong khu phố đi hiến máu.
Chỉ bằng câu nói “sống phúc âm trong lòng dân tộc - để chăm lo hạnh phúc đồng bào”, chị Lan đã vận động trên … 300 người hiến máu nhân đạo. Làm gương cho mọi người, chị còn trực tiếp xung phong hiến 28 lần và “yêu cầu” người thân trong gia đình hiến 50 đơn vị máu! Mỗi lần hiến máu xong, ngay khi vừa loạng choạng đứng dậy, tay còn dính bông băng, chị Lan đã cười tươi khoe: “Thấy chưa, tôi hiến máu nhiều mà có sao đâu!”.
5. Ở KP2 (P9, Q.Phú Nhuận) có 18 tổ dân phố và có đến hơn 300 hộ nghèo theo đạo Công giáo. Ý thức được điều đó, khu phố đã cử 5 vị là người Công giáo tham gia các Ban điều hành tổ dân phố. Gần nhau, cùng đi lễ với nhau, các hộ nghèo dường như trút hết tâm tư, mong ước cho các vị tổ trưởng.
Kết quả là chỉ trong vòng 3 tháng, đã có 15 - 20 hộ được hỗ trợ lập hồ sơ vay từ Quỹ XĐGN với số tiền 60 triệu đồng. Về phía phụ nữ, các chị em cũng được vay vốn không lãi để cải thiện đời sống. Xét thấy có 5 em học sinh nghèo biết nghề may nhưng không có vốn, các tổ dân phố liền làm đơn xin hội khuyến học hỗ trợ 5 máy may và liên hệ với các xí nghiệp để nhận hàng cho họ may gia công…
Khi đã hết nghèo, cuộc sống của đồng bào Công giáo và người dân khu phố nói chung thay đổi hẳn. Các con hẻm được bà con hùn tiền bê tông hóa, các hộ nghèo mới được “kẻ góp công, người góp của” xây nhà tình thương, những gia đình trước đây không có việc làm ổn định được bà con giới thiệu bảo lãnh ra chợ Nguyễn Đình Chiểu gần đó buôn bán. Chính vì vậy, 7 năm qua, năm nào KP2 cũng đạt danh hiệu “Khu phố văn hóa”.
HƯƠNG LY - VĂN GIÁO