Nếu năm 1989, thể thao Việt Nam thống nhất lần đầu tiên trở lại với thể thao khu vực và cũng chỉ tham gia theo mục đích tìm hiểu với 43 VĐV, thì đến SEA Games 1991 được tổ chức tại Philippines, chúng ta tham gia hơn 100 VĐV và khẳng định những tiềm năng rất lớn của thể thao đỉnh cao. Nếu năm 1989, TTVN đoạt 3 HCV nhờ môn bắn súng - thế mạnh của thể thao khối xã hội chủ nghĩa thì đến Manila 1991, các môn taewondo, judo và bóng bàn góp mặt trong bảng thành tích HCV. Đó đều là những môn Olympic.
Đến năm 2005, khi Philippines đăng cai lần nữa, thì TTVN đã thực sự vươn lên đẳng cấp tốp 3 khu vực. Kỳ SEA Games trước đó (năm 2003), khi là nước đăng cai, TTVN đã giành vị trí nhất toàn đoàn. Manila 2005 chính là bài kiểm tra quan trọng cho nội lực của TTVN khi không còn lợi thế chủ nhà. Kết thúc đại hội, Việt Nam đứng hạng 3 toàn đoàn và từ đó đến nay duy trì vị thế ấy tại Đông Nam Á.
Không chỉ thế, năm 2005, kình ngư Nguyễn Hữu Việt đã khiến cả đoàn TTVN sửng sốt với tấm HCV ở cự ly bơi 100m ếch nam. Đó là HCV đầu tiên của bơi lội Việt Nam ở SEA Games. Trên đường chạy điền kinh, Vũ Thị Hương trở thành nữ hoàng của Đông Nam Á khi thắng cự ly 100m. Đó cũng là HCV đầu tiên trên đường chạy tốc độ danh giá, khởi nguồn cho giai đoạn cực thịnh của điền kinh Việt Nam trước khi đứng đầu Đông Nam Á ở SEA Games 2017 vừa qua.
Có những tấm HCV được đánh đổi bằng mấy chục năm phát triển, thậm chí, với giới làm nghề, có thể đổi cả vị trí tốp 3 toàn đoàn để đạt được cũng xứng đáng. Giá trị của những tấm HCV ấy nằm ở sự thay đổi trong nhận thức đầu tư và tập luyện của cả một nền thể thao. Ví dụ như chỉ sau 5 năm đoạt HCV ở SEA Games 1989 thì Trần Quang Hạ tạo ra kỳ tích HCV đầu tiên ở Asiad 1994, mở đường cho TTVN đột phá lên tầm cao châu lục.
Tấm HCV của Nguyễn Hữu Việt cũng như Vũ Thị Hương năm 2005 đã khiến những người làm thể thao nước nhà khi đó khóc nức nở bởi cuối cùng họ cũng đã làm được điều tưởng như không thể: chinh phục những đường đua mà trước đó chúng ta không nghĩ là sẽ bắt kịp được thế giới do sự tụt hậu về công nghệ cũng như thể chất. Chiến thắng ở môn bơi và đường chạy tốc độ khi đó chính là nền tảng để TTVN thay đổi chiến lược, chuyển từ việc đếm số lượng huy chương sang đầu tư trọng tâm cho các môn Olympic khi các VĐV của chúng ta chứng minh rằng có thể.
Và thật thú vị, tại SEA Games 30 ở Philippines lần này, chúng ta đã có thêm một lần đầu tiên… không tưởng: HCV môn quần vợt. Đó là môn thể thao phổ biến nhưng vẫn được xem là không thể phát triển đỉnh cao với thể chất của người Việt Nam, chưa kể quần vợt chuyên nghiệp thế giới phát triển quá lâu, quá nhanh. Nhận thức đó có thể sẽ thay đổi hoàn toàn sau khi Việt Nam có đến 2 tay vợt lọt vào chung kết và vô địch là Lý Hoàng Nam, người cũng từng vô địch đôi lứa tuổi trẻ tại Wimbledon. Tấm HCV quần vợt không chỉ đóng góp vào cuộc đua tốp 3 của đoàn TTVN mà còn tạo cơ sở để những nhà điều hành quần vợt Việt Nam thay đổi phong trào trong nước vốn đang có dấu hiệu sa sút hình ảnh thời gian gần đây.
Cuối cùng, không cần phải nói, thì ai cũng đang chờ tấm HCV lịch sử ở môn bóng đá sau khi thầy trò HLV Park Hang-seo chơi một trận đấu bản lĩnh để loại U22 Thái Lan và vào bán kết với tư cách ứng cử viên số 1 tại SEA Games lần này.
Tại Philippines 1991, bóng đá Việt Nam lần đầu tiên bước chân ra thế giới khi cử đội tuyển dự SEA Games mà hầu như không biết gì về sân chơi này. Năm 2005, khi bóng đá nữ của Việt Nam lập kỷ lục với lần thứ 3 liên tiếp đoạt HCV SEA Games thì ở Philippines năm đó, đội tuyển U23 để lại một kỷ niệm buồn. Như vậy, đã gần 30 năm kể từ ngày đầu, HCV SEA Games vẫn còn là giấc mơ dang dở cho dù sân chơi này hiện là U22+2. Nếu xem những kỳ SEA Games ở Philippines luôn đẹp có những dấu ấn đặc biệt với TTVN, thì có lẽ bây giờ đã là lúc chúng ta đặt niềm tin rằng lịch sử sẽ gọi tên Việt Nam với tấm HCV bóng đá như một cái kết trọn vẹn cho một kỳ SEA Games đáng nhớ.