Và tấm ván thớt này đã kéo tôi trở về những ngày xa xưa cũ, thời cha tôi còn là một người đàn ông trung niên vạm vỡ bên ruộng đồng, trong những ngày ngơi việc, cha tôi cũng đan đác, bào gọt và đụt đẽo cho mẹ tôi những rổ rá, thúng nia, giần sàng, đặc biệt là những tấm ván thớt từ gỗ cây mù u.
Bên cạnh việc ruộng rẫy, thời gian nào rảnh rỗi, cha tôi tranh thủ đan thêm lọp (dụng cụ bắt cá), thúng nia, giần sàng vừa để cho mẹ tôi dùng trong gia đình, vừa có thể bán cho bà con láng giềng để có thêm đồng ra đồng vào, gom góp từng những đồng bạc nhỏ nhoi từ những giọt mồ hôi đó mà nuôi bọn tôi lớn lên từng ngày, cho đến khi bọn tôi đủ sức bay đi, bắt đầu rời xa vòng tay cha mẹ…
Ngoài thúng nia, giần sàng, rổ rá ra; cha tôi còn đốn hạ những cây mù u nhiều năm tuổi được trồng lâu năm trên bờ chung chạy dài từ nhà ra tới đìa lớn của gia đình tôi và gia đình bên cạnh.
Tính cha tôi cẩn thận và vô cùng nhẫn nại, nên trong quá trình làm ra những tấm ván thớt từ gỗ mù u, ông tốn không ít thời gian. Vì làm ra những tấm ván thớt chủ yếu dùng trong gia đình cũng như bán cho láng giềng, chòm xóm, nên cha tôi róc sạch vỏ mù u bên ngoài và không cần phải “rao” lên rằng đây là những tấm ván thớt làm bằng gỗ mù u thật.
Sau khi róc vỏ, bào, mài xong; cha tôi cho những tấm ván thớt ngâm trong thau nước muối to, vừa để giữ độ ẩm, vừa để diệt khuẩn. Đối với những tấm ván thớt có đường kính to, cha tôi thường bào và mài nhẵn cả mặt trên và mặt dưới, để cho trong quá trình làm bếp, mẹ tôi và các bà cô, bà chị có thể dùng được cả hai mặt cho đỡ phí; riêng những tấm ván thớt có đường kính nhỏ hơn, cha tôi chỉ bào nhẵn một mặt, mặt còn lại cha tôi đóng thêm chân đế, chủ yếu là để mẹ tôi và những người phụ nữ đảm việc nhà nói chung, dùng để làm cá hay băm thịt.
Những tấm ván thớt tuy là vật dụng rất nhỏ nhưng không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt. Trong thời buổi công nghiệp hiện đại như bây giờ, những tấm ván thớt được làm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau, từ gỗ mù u, gỗ me, gỗ nghiến thông dụng cho đến composite và cả thớt inox; từ hình dáng tròn đều hoặc hơi “méo mó” một chút theo “bề hoành” của cây gỗ được dùng để làm ván thớt, thì ngày nay, người ta chú trọng đến thị hiếu người tiêu dùng bằng cách làm ra những tấm ván thớt rất duyên dáng như hình tròn truyền thống, hình chủ nhật hoặc phỏng theo hình dáng của các con thú nuôi… cốt sao cho phù hợp với từng độ tuổi và sở thích của từng nhóm nhu cầu sử dụng.
Những tấm ván thớt và đời những người dân chuyên sống bằng nghề làm thớt gỗ truyền thống chuyên nghiệp là cả một câu chuyện rất dài, thăm thẳm và mênh mông như nhịp bồi lở của con nước lớn ròng nơi châu thổ hiền hòa này… Còn cha tôi, những ngày mưa dầm ở miền Tây như thế này, ông nhẫn nhại bào mài cho thật nhẵn những tấm ván thớt, từng vân gỗ hiện lên rất rõ.
Những tấm ván thớt này bóng đến mức mỗi khi giúp mẹ xắt rau mùi như hành lá, ngò gai… tôi như thấy khuôn mặt chơn chất hiền lành cha tôi hắt bóng lên và khi đó, chái bếp nghèo của gia đình tôi ở quê như ấm áp hơn hẳn, dẫu bữa cơm rau nghèo mà bọn tôi cảm nhận một sự tình yêu thương thiêng liêng kết dính hơn bao giờ hết.
Trong những ngày dịch Covid-19, mỗi gia đình lại có những khoảng thời gian dành cho không gian bếp núc của mình nhiều hơn để tránh những cuộc vui bên ngoài, như giữ an yên chung cho toàn xã hội, thì những tấm ván thớt là một phần không thể thiếu trong gian bếp của mỗi gia đình, như góp phần “giữ lửa” - giữ tình yêu thương vậy!