(Đọc hai tập thơ Sóng khát, NXB Văn học, 2009 và Đó là em, NXB Hội Nhà văn, 2010 của Trần Mai Hường)
Trần Mai Hường quê thôn Chẩn Kỳ, xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, xứ Đoài cũ, nay là Hà Nội, sinh năm 1970 là con út một thầy giáo dạy văn, yêu nghề. Cô chọn TPHCM làm nơi định cư và lập nghiệp. Điều dễ nhận thấy nhất trong hai tập thơ là Trần Mai Hường rất trung thực với mình. Và cái thước đo sự trung thực không gì minh xác hơn là trong lĩnh vực tình yêu, bởi tình yêu là mảnh đất dễ làm cho người ta giấu giếm, chôn vùi nhất:
…Gom tình nhốt giữa mênh mông
Ôm về nêm chặt rỗng không bao chiều
Từ khi tim lạc bến yêu
Mới hay môi mắt chết điều ngây thơ…
(Lạc bến yêu)
Trung thực với mình chính là cội nguồn để trung thực với đời. Trần Mai Hường không né tránh, vòng vo khi thổ lộ cả những điều ngang trái nhất:
…Mai sau ở kiếp luân hồi
gặp nhau
ta hãy như người không quen
Bao nhiêu nhớ đã dần quên
Bao giăng mắc
giấu dưới thềm nhân gian…
(Thôi đành)
Ngòi bút Trần Mai Hường thao tác qua nhiều thể thơ, nhưng phần nhiều là thơ tự do, điều đó là phù hợp với lối tư duy mới mẻ, hiện đại của tác giả. Nhưng khi sử dụng thể đường luật, Trần Mai Hường cũng tỏ ra khá sành điệu về thi pháp.
Người ơi em đã trở về đây
Lối nhỏ ven sông lá phủ dầy
Ngơ ngác trông chờ
ngơ ngác nhớ
Thẫn thờ mong đợi thẫn thờ say
…
(Ngày trở lại)
Hai tập thơ Sóng khát và Đó là em, cứ gọi theo lẽ thông thường là những cuốn sách đầu tay, nhưng Trần Mai Hường đã chứng tỏ một cây bút có nội lực sáng tạo và sẽ còn tiến xa. Hội Nhà văn TPHCM đã sớm nhìn ra cô và kết nạp cô vào hội.
Lê Hoài Nam