Những thủ phạm “nhuộm đen” kênh Tham Lương

Những thủ phạm “nhuộm đen” kênh Tham Lương

Sáng 9-4, Đội 2 Phòng Cảnh sát môi trường Công an TPHCM (PC36) đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản các hành vi hủy hoại môi trường của hàng loạt cơ sở tẩy nhuộm tại khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Đây là loại hình sản xuất đặc biệt độc hại, các cơ sở này không được cấp giấy phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động và coi thường quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, từ hơn 10 năm qua. Những cơ sở này được coi là thủ phạm chính trong việc biến kênh Tham Lương thành “dòng kênh chết”.

Những thủ phạm “nhuộm đen” kênh Tham Lương ảnh 1
Đoạn kênh phía sau các cơ sở dệt nhuộm (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) bị ô nhiễm nặng nề.

Phải rất vất vả, 2 chiếc ô tô của PC36 và Thanh tra Sở TN-MT TPHCM mới lọt được vào bên trong khu vực được mệnh danh là “làng ô nhiễm”, bởi hàng đống củi chất cao ngất án ngữ hai bên lối đi.

Dưới cái nắng oi bức, trên 20 cơ sở sản xuất nhuộm nằm san sát nhau dọc theo bờ kênh Tham Lương đang hoạt động ồn ào. Phía trên mái tôn, hàng chục ống khói đua nhau nhả vào không khí từng cuộn khói đen ngòm. Bên dưới, nước thải lênh láng chảy vào hệ thống cống thoát nước rồi tuôn xối xả ra dòng kênh Tham Lương.

Do ô nhiễm nước, khói, bụi và cả tiếng ồn, không một hộ dân nào ở trong khu vực này, ngoại trừ nhà của các chủ cơ sở. Với diện tích khá lớn, trên dưới 1.000 m², nhưng các cơ sở này chỉ đăng ký hộ kinh doanh cá thể và hầu hết không treo bảng tên đơn vị theo quy định.

Trong số 7 cơ sở được kiểm tra vào sáng 9-4, chỉ duy nhất 1 nơi có trang bị hệ thống xử lý nước thải và trình được các báo cáo đánh giá tác động môi trường là cơ sở Thuận Hưng. 6 cơ sở còn lại đã hoạt động gần 10 năm qua và hoàn toàn không có biện pháp bảo vệ môi trường nào.

Cơ sở Thanh Duẩn (số 60/10B khu phố 4) có 10 máy nhuộm, công suất 5.000m vải/ngày. Ngay cửa chính của cơ sở, 3 miệng ống đang xả thứ nước đen như mực xuống miệng cống. Trên sàn xưởng, nhiều công nhân dùng vòi nước sạch phun xịt, đẩy nước thải dơ xuống đường cống thoát nước.

Ngoài việc đưa ra tờ phiếu xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường do Phòng Quản lý đô thị quận 12 cấp năm 2004 (đã hết hạn 4 năm), chủ cơ sở Bùi Thanh Duẩn không trình được bằng chứng nào cho thấy hoạt động tẩy nhuộm của mình là hợp pháp.

Tại cơ sở Nguyễn Quốc Huy (số 60/10H), 5 đường ống thu gom nước thải được kéo trực tiếp vào miệng 1 hố ga, từ đó xả thẳng ra kênh. Nói về lý do không trang bị hệ thống xử lý nước thải, khí thải theo quy định, ông Huy chủ cơ sở này, biện minh rằng do vướng dự án cải tạo mở rộng kênh Tham Lương và cơ sở phải di dời đi nơi khác nên không dám đầu tư. Tuy nhiên, hỏi đến thời hạn di dời thì ông Huy lắc đầu không biết.

Các cơ sở Võ Quang Tuấn (số 464/27/10/6), Vinh Phương (60/10A), Thanh Tùng (60/10C KP4), Thăng Long (60/8 Nguyễn Văn Quá)…, khi được kiểm tra đều có vi phạm tương tự là xả nước thải, khí thải trực tiếp ra môi trường và khai thác nước giếng ngầm trái phép.

Theo chân cán bộ Sở TN-MT đi lấy mẫu nước thải tại cống thoát nước của các cơ sở, chúng tôi thấy tại mỗi nơi có màu nước khác nhau (xanh, đen, đỏ, vàng đủ cả, tùy theo cơ sở nhuộm vải màu gì), loại nào cũng đậm đặc màu hóa chất.

Tại miệng cống lớn khu vực phía sau cơ sở Nguyễn Quốc Huy, dòng nước đen đặc quánh ồ ạt liên tục đổ ra kênh Tham Lương. Khi thủy triều rút xuống, cây cỏ hai bên bờ kênh lộ ra một màu nâu vàng do bị nhuộm bởi một lớp hóa chất.

Hành vi gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt xả nước thải độc hại ra kênh Tham Lương của “tổ hợp” tẩy nhuộm này đã nhiều lần bị bà con khu phố 4 phản ánh, khiếu nại. Bà Nguyễn Kim Thoa, Chi hội phó Phụ nữ khu phố 4, cho biết: Việc tập trung hàng loạt cơ sở tẩy nhuộm tại đây đã khiến người dân vô cùng mệt mỏi. Hàng ngày, khói muội than từ các lò nhuộm vải bay vào đầy nhà, nhiều gia đình rất bức bối vì cứ phải đóng cửa suốt ngày để tránh khói, bụi, tiếng ồn. Người dân không dám dùng nước giếng, ngay cả trong việc rửa tay, tắm giặt.

QUÝ LÂM

Tin cùng chuyên mục