Giấy viết, giấy in mà chúng ta đang dùng ngày nay là phát minh của Thái Luân nhà Hán vào năm 105. Phải hơn 6 thế kỷ sau (năm 750) phương Tây mới bắt đầu làm quen với kỹ thuật sản xuất giấy khi những người Hồi giáo Abbas trong một trận đánh với quân đội nhà Đường bắt được một số tù binh biết nghề làm giấy. Tất nhiên hình vẽ và chữ viết đã có từ trước đấy vài ngàn năm rồi. Cả phương Đông và phương Tây đều phải dùng những vật liệu tre nứa, gỗ, đá để viết vẽ lên. Có thể nói phát minh ra cách làm tờ giấy là một bước tiến văn minh quan trọng của nhân loại.
Không khó để biết rằng người Việt cũng có lịch sử sản xuất và sử dụng giấy kể từ khi nhà Hán đô hộ. Người Việt biết dùng cây dó trên rừng nghiền ra thành bột để seo giấy cũng từ rất lâu đời và trở thành một nghề phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ. Cho đến tận đầu thế kỷ trước Hà Nội vẫn là một địa phương sản xuất giấy nổi tiếng. …Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ là câu ca dao ngợi ca cảnh đẹp hữu tình của vùng Hồ Tây. Ở đấy còn vang vọng âm hưởng của nhịp chày giã cây gió làm giấy ở làng Yên Thái.
Suốt những năm sau tiếp quản, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đều dùng giấy sản xuất ở nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ và Việt Trì. Nhà máy công suất nhỏ chỉ tạm đủ đáp ứng nhu cầu. Giấy tờ dùng cho công sở làm việc và học sinh ở trường luôn là mặt hàng khan hiếm. Nhiều năm phải bán phân phối về cơ quan cho các phụ huynh học sinh. Theo tiêu chuẩn nhà có bao nhiêu con đi học sẽ được mua số giấy, vở tương ứng.
Lũ trẻ đi học cũng được phân chia dùng 2 loại giấy khác nhau. Ở những lớp nhỏ cấp 1 sẽ là vở ô li kẻ mờ để luyện chữ viết. Những lớp lớn hơn phải dùng chung một loại giấy duy nhất. Gọi là giấy “năm hào hai” theo giá bán 0,52 đồng. Đó là loại giấy chỉ có một dòng kẻ khổ lớn. Học sinh sẽ sẻ đôi thếp giấy ra tự đóng thành 2 quyển vở bằng kim chỉ. Mày mò xin được vài tờ họa báo bọc vào là hạnh phúc nhất. Nếu không sẽ phải bọc bằng tờ báo cũ hàng ngày. Có đứa lười hơn sẽ đóng cả thếp giấy thành một quyển thôi. Lúc mang đến lớp sẽ viết lộn đầu đuôi vẫn thành 2 quyển. Viết xong một lượt cũng chưa được vứt đi. Nó sẽ còn dùng làm vở nháp chi chít những con số bằng bút chì cho năm học mới.
Giấy viết tuy thiếu nhưng đó vẫn là loại giấy trắng đẹp nhất có thể mua được. In sách dùng loại giấy đen sì lẩn nhẩn sạn rơm. Tất cả những tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng nhất lúc ấy cũng đều được in bằng loại giấy như vậy. Những Lều chõng, Tắt đèn, Dế mèn phiêu lưu ký, Truyện ngắn Nam Cao, Lá cờ thêu sáu chữ vàng… nhiều người còn giữ được cho đến bây giờ. Nhưng rất khó lòng đọc được bởi chữ và giấy gần đen bằng nhau. Chỉ có duy nhất sách in ở Nhà xuất bản Tiến Bộ hay Cầu Vồng thuộc Liên Xô cũ là dùng giấy trắng. Nhưng phần lớn những sách này đều là sách chính trị có số lượng độc giả không nhiều. Thỉnh thoảng có in ghép thêm vài cuốn truyện tranh Nga mang về bán thì lập tức hiệu sách quốc văn Hà Nội-Huế-Sài Gòn xếp hàng đông nghịt. Những đứa trẻ được gia đình mua cho loại truyện tranh này giữ gìn cẩn thận như một tài sản.
Giấy viết, giấy in tuy thiếu thốn nhưng học sinh bình thường vẫn còn có thể dùng tiết kiệm được. Khó khăn hơn cả là 2 ngôi trường mỹ thuật ở Hà Nội phải dùng đến rất nhiều giấy vẽ. Nhà trường phải xin tiêu chuẩn mua giấy in báo về cấp phát cho sinh viên. Loại giấy in này mặt nhẵn không bám chì là thử thách đầu tiên cho những cô cậu nhiệt thành đam mê mỹ thuật. Đã không ít người nản chí bỏ nghề ngay khi mới bắt đầu học được vài tháng.
Phải đến những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước khi Nhà máy giấy Bãi Bằng do Chính phủ Thụy Điển giúp đỡ xây dựng đi vào sản xuất, mọi loại giấy mới đủ dùng. Lúc ấy người ta trông thấy tờ giấy trắng chói chang Bãi Bằng tưởng như niềm mơ ước đã thành hiện thực. Nhưng chỉ hai chục năm sau tờ giấy quá trắng đọc rất đau mắt ấy đã không còn là lựa chọn phổ biến của những nhà xuất bản nữa. Có nhiều loại giấy độ sáng vừa phải phù hợp với việc đọc hơn nhiều. Người đọc cũng ngại ngần khi cầm trên tay cuốn sách quá nặng được in bằng loại giấy này.
Lũ trẻ bây giờ đến trường phải mang vác những chiếc cặp nặng trịch. Những phụ huynh có hiểu biết về giấy phát hiện ra hầu hết sách vở của chúng vẫn được in bằng loại giấy rất nặng và độ chói sáng khá cao. Hóa ra thế hệ ông bà chúng khi đi học vẫn được xã hội ưu ái hơn nhiều. Ít ra là về chuyện giấy tờ sách vở.