Những vị thần Atlas hiện đại

Những vị thần Atlas hiện đại

1. Xem cuộc thi cử tạ ở Olympic 2008, cứ thấy tiếc hùi hụi cho Việt Nam. Nguyễn Thịï Thiết về hạng 5 chung cuộc với tổng trọng lượng là 225kg (cử giật 100kg, cử đẩy 125kg). Nhìn bảng xếp hạng cứ thay đổi từng đợt, bụng nghĩ: Ráng chút nữa! Ráng chút nữa đi, Thiết ơi! Nhưng Thiết đâu có ráng nổi. Chị có cử thêm được 3kg nữa thì cũng mới bằng lực sĩ Canada Girard Christine đứng hạng 4, đâu có rớ được huy chương. Muốn bằng vận động viên đoạt huy chương đồng, Nguyễn Thị Thiết phải cần thêm 6kg nữa. Mà trong môn cử tạ, tăng giảm 1kg đã là một vấn đề rất lớn chứ hoàn toàn không đơn giản. Đứng hạng 5 ở Olympic, thế cũng được rồi, hơn nữa 225kg tổng trọng lượng là chỉ tiêu mà Nguyễn Thị Thiết đã đăng ký trước khi đi, và chị đã hoàn thành.

Những vị thần Atlas hiện đại ảnh 1

Tai nạn bất ngờ của Janos Baranyai.

2. Xem Hoàng Anh Tuấn thi đấu mới tiếc đứt ruột. Anh đoạt huy chương bạc, chỉ thua lực sĩ về nhất Long Qingquan của Trung Quốc có 2kg (Nguyễn Thị Thiết thua lực sĩ về nhất Pak Hyon Suk tới... 16kg). Ngay ông trưởng đoàn Hoàng Vĩnh Giang cũng tiếc rẻ “Nếu không hấp tấp, Hoàng Anh Tuấn hoàn toàn có khả năng tranh chấp huy chương vàng”. Tất nhiên, khi tiếc nuối chúng ta có thể mơ mộng đến hàng loạt chữ “nếu”: Nếu Hoàng Anh Tuấn thành công ở lần cử giật thứ hai với mức tạ 130 kg... Hoặc nếu anh thành công ở lần cử đẩy thứ hai với mức tạ 160kg...

Trong cả hai trường hợp, nếu Tuấn thành công thì có hai tình huống có thể xảy ra: ở lần cử tiếp theo, Tuấn mạnh dạn tăng trọng lượng tạ lên 3kg và nếu xuất thần Tuấn sẽ vượt qua Long Qingquan, nếu không ít ra Tuấn cũng gây áp lực tâm lý lên Long Quinquan khiến đối thủ của mình lúng túng và sơ sảy. Và trong cả hai tình huống đẹp như mơ đó, Tuấn đều nắm chắc chiếc huy chương vàng. Mơ mộng thì nghĩ thế thôi, chứ nếu Tuấn tăng trọng lượng tạ thì Long Quinquan dĩ nhiên cũng tăng trọng lượng tạ và nhìn vào thân hình chắc nụi của Long Quinquan thì khó mà tin anh để rơi tạ dù tăng thêm 2, 3 kg nữa. Chỗ này, tôi tin Hoàng Anh Tuấn nói đúng “Nếu mình tăng thêm thì Long Quinquan cũng còn thừa sức để tăng thêm”.

3. Trong môn thi cử tạ ở Olympic kỳ này (ở SEA Games và Asian Games cũng vậy), lực sĩ  của Việt Nam lúc nào trông cũng “mỏng cơm” hơn lực sĩ của các đội bạn, nam cũng như nữ. “Mỏng cơm” hơn các lực sĩ hộ pháp đến từ Nga hay Kazakhstan không nói làm gì, đứng bên cạnh các lực sĩ Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên các lực sĩ của chúng ta trông cũng “ốm yếu” thấy sợ. Thậm chí các lực sĩ của các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Myanmar, Indonesia trông cũng “ngầu” hơn Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thiết rất nhiều.

Cho nên lần nào xem các lực sĩ cử tạ Việt Nam thi đấu, người viết bài này cũng đều thấy hồi hộp. Hồi hộp về chuyện thắng thua đã đành, nhưng hơn thế nữa là hồi hộp vì cứ sợ các lực sĩ của mình bị chấn thương.

4. Hồi nhỏ đọc truyện Tàu, mê chuyện Bá Vương cử đỉnh. Chuyện kể trước cửa miếu của vua Hạ Vũ có cái vạc nặng không ai cất nổi, duy chỉ có Hạng Vũ cử được. Không nghe nói cái vạc này nặng bao nhiêu cân, nhưng nếu không ai trong thiên hạ cử được ngoài Hạng Vũ thì nếu hồi đó có môn thi cử tạ Hạng Vũ đoạt huy chương vàng là cái chắc. Lớn lên chút nữa, coi chuyện bên Tây, rất khoái cái ông thần Titan Atlas. Ông này bị thần Zeus phạt giơ vai ra gánh đỡ cả bầu trời quanh năm suốt tháng. Sử ký Tư Mã Thiên cho biết Hạng Vũ mình cao tám thước, tướng tá khác thường. Còn thần Atlas, xem tranh tượng thì thấy đó là một con người to khoẻ, lực lưỡng đang lom khom chống đỡ cả quả cầu to. Chắc chắn là Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Thị Thiết của Việt Nam không sánh bằng. Cho nên vừa xem vừa lo là vì vậy.

5. Mà cái lo đó là cái lo có thật, chứ hổng phải lo bò trắng răng. Xem thi đấu cử tạ ở hạng cân nào cũng thấy lực sĩ để rơi tạ. Tuấn và Thiết cũng vậy. Mà gánh tạ nặng như quả núi chứ nhẹ nhàng gì cho cam. Cử không nổi, có người quẳng tạ ra phía sau, có người liệng tạ ra phía trước. Nhìn gánh tạ rơi xuống “ình ình”, thấy què giò gãy cẳng như chơi. Xem mà lạnh cả xương sống.

Cứ nghĩ nhìn ghê vậy thôi, chứ chắc không ai bị gì. Nào ngờ hôm 14-8, lực sĩ Janos Baranyai của Hungary bị khối tạ 148kg làm gãy tay thật. Sau khi cử giật thành công mức 140kg và 145kg, Janos Baranyai chọn mức tạ 148 kg. Khi vừa giật tạ chưa kịp đứng lên, khuỷu tay phải của lực sĩ này gãy gập xuống khiến khối tạ rơi xuống lưng. Nhìn Janos Baranyai quằn quại trong đau đớn mà phát rét. Mà Janos Baranyai chỉ nâng thêm có 3kg thôi chứ mấy. Nhưng 3kg trong cử tạ có khi lại nặng bằng cả “bầu trời” trên vai thần Atlas. Cho nên ham thành tích thì có ham thật, muốn Hoàng Anh Tuấn đoạt huy chương vàng Olympic thì có muốn thật, nhưng nếu nhìn thấy hình ảnh Janos Baranyai bị gãy tay, chắc không người hâm mộ Việt Nam nào nỡ trách sao Tuấn không ráng thêm chút nữa, không cố thêm vài ký. Thể thao trước tiên là giúp con người khỏe mạnh chứ không phải khiến con người què quặt.

Đọc báo Tuổi Trẻ, thấy đồng nghiệp Huy Thọ nêu lên những con số của vận động viên môn thể dục dụng cụ của Trung Quốc mà ớn lạnh: Vận động viên lớn tuổi nhất là đội trưởng Cheng Fei, 20 tuổi, nhưng chỉ cao 1,52m và nặng 43kg. Jiang Yuyuan, 17 tuổi, cao 1,4m và chỉ nặng 32kg. Và bốn cô còn lại đều 16 tuổi, xấp xỉ 1,4m và cân nặng chỉ từ 31-36kg! Tất nhiên ở môn đòi hỏi sự khéo léo như thể dục dụng cụ, càng nhỏ con càng có ưu thế, nhưng “ép” con người bình thường trở thành không bình thường để chạy theo thành tích thì dù có gom cả núi huy chương vàng, liệu điều đó có đúng và có đáng không?

Cho nên, với Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Thị Thiết, cả hai đều trở về với tấm huy chương bạc và hạng 5 Olympic (dù sao cũng dưới 4 người mà trên... tỉ người!) ở môn thi đấu khắc nghiệt như vậy mà vẫn lành lặn, vẫn người ra người, là một thắng lợi vô giá rồi, còn đòi hỏi gì hơn nữa!

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục