Hướng đi bền vững
Khởi điểm từ Guatemala, một quốc gia tại Trung Mỹ, gạch sinh thái (ecobrick) dần được ủng hộ tại Philippines, Nam Phi, Ấn Độ, Malaysia… Tại Việt Nam, mô hình này bắt đầu từ năm 2018.
Sau thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài, dự án Eco-brick School Vietnam (được triển khai và phát triển bởi một nhóm người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam) tiếp tục hành trình xây dựng trường học dành cho trẻ em tại tỉnh Trà Vinh.
Dự kiến dự án cần khoảng 8.000 viên gạch sinh thái để hoàn thành các ngôi trường. Hưởng ứng kêu gọi từ fanpage, những viên gạch sinh thái được hoàn thiện và gửi về từ khắp mọi miền đất nước, trong đó nổi bật có nhóm Ecobrick Saigon (thành lập năm 2019), những người trẻ miệt mài với gạch sinh thái từ khi còn là học sinh cấp 3.
“Tụi em giờ là sinh viên đại học, có bạn năm nhất, có bạn năm 2, nhưng vẫn còn một thành viên nhỏ tuổi nhất đang học lớp 11. Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường không là câu chuyện mới mẻ nữa, nó ở ngay trong chính những sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Một số người vẫn chưa thật sự ý thức bảo vệ môi trường, em nghĩ rằng đóng góp nhỏ của nhóm mình có thể sẽ trở thành một thay đổi lớn sau này, khi mọi người bắt đầu nhận ra lợi ích của sống xanh với cuộc sống xã hội và bản thân. Tụi em tìm hiểu gạch sinh thái từ một vlog trên mạng, việc làm những viên gạch nén từ rác thải nhựa như thế này sẽ giúp nâng cao nhận thức của mọi người trong việc tiêu thụ nhựa”, Nguyễn Vũ Bích Ngọc (19 tuổi, thành viên sáng lập nhóm) chia sẻ.
Để làm nên một viên gạch sinh thái không quá khó khăn nhưng cần nhiều thời gian và phải thật kỹ lưỡng, nếu không thì tái chế không thành mà dùng xây dựng cũng chẳng xong. Sau giờ học, nhóm bạn trẻ lại miệt mài…
Một chai nhựa kích cỡ tùy ý, một cây đũa thật cứng, sau đó là những rác thải nhựa đã được rửa sạch và phơi khô. Cắt nhỏ nhựa ra và nén vào chai bằng đũa, khi nén phải chặt tay và kín đến cổ chai thì dừng lại vì phải để một khoảng trống vừa đủ, như vậy khi phải chịu nhiệt cao và áp suất cao, chai sẽ không bị nổ. Khi hoàn thành chai, bóp xung quanh chai, nếu cứng đều và không có chỗ bị lõm vào lúc va đập, như vậy là chai nhựa đã thành một viên gạch sinh thái chất lượng có nhiều công dụng như: xây tường, làm chậu cây, bàn, ghế…
Những viên gạch vì cộng đồng
Ecobrick Saigon hoạt động chủ yếu với mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về rác thải nhựa qua việc làm gạch sinh thái. Nhóm bắt đầu từ những hoạt động nhỏ trong trường học với hoạt động ngoại khóa sau giờ học… Sau đó, nhóm mở rộng dần các hoạt động qua việc kêu gọi từ mạng xã hội, thu hút thành viên tham gia và chia sẻ ý tưởng, hướng dẫn làm gạch sinh thái.
Không dễ dàng để thuyết phục được người khác, một số ý kiến cho rằng việc làm gạch sinh thái khiến nhu cầu sử dụng nhựa tăng lên, vì để làm nhiều gạch đòi hỏi mọi người sử dụng nhựa nhiều hơn. Nguyễn Minh Anh (18 tuổi, thành viên nhóm Ecobrick Saigon) giải thích: “Điều này hoàn toàn không đúng với mục đích của gạch sinh thái, vì nhựa để làm gạch là rác thải nhựa mà mình không thể tránh trong cuộc sống. Giống như khi mua đồ ăn sáng ở ngoài, người bán hàng sẽ thường cho chúng ta nhiều túi ni lông hơn cần thiết, nên giải pháp là chúng ta tự mang hộp đựng theo. Nhưng một số trường hợp dù chúng ta mang hộp đựng theo, người bán vẫn bỏ vào túi ni lông rồi mới bỏ vào hộp đựng. Với giá thành quá rẻ và sản xuất tràn lan, việc sử dụng nhựa đối với các tiểu thương khi bán hàng là điều không thể tránh khỏi. Khi mới bắt đầu làm gạch, ai cũng nghĩ rằng làm gạch sinh thái rất dễ, chỉ cần làm theo quy trình bỏ nhựa vào chai rồi nén xuống là xong. Nhưng khi làm rồi mới biết, để có một chai hoàn thiện, chất lượng tốt đủ để xây nhà rất tốn sức và thời gian, vì phải dùng rất nhiều lực và kỹ thuật mới có thể lấp hết được các chỗ trống bên trong chai”.
“Về mặt tinh thần, chúng em tin rằng những viên gạch sinh thái này góp phần trong việc cải thiện môi trường xung quanh chúng ta, bằng cách thu gom và tái chế những rác thải nhựa mà chúng ta tưởng chừng sẽ vứt đi vì không còn giá trị sử dụng. Viên gạch sinh thái này hoàn toàn có thể tái sử dụng, đặc biệt là sau khi công trình được xây bằng gạch sinh thái bị phá vỡ. Việc bảo vệ môi trường là một điều tất yếu, bởi nó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng và đời sống của chúng ta. Tụi em mong rằng trong tương lai, gạch sinh thái sẽ được phát triển rộng rãi, cũng như sẽ có thêm nhiều tổ chức phi lợi nhuận làm về môi trường”, Bích Ngọc bày tỏ.
Không chỉ là giải pháp “sống xanh” bền vững, những viên gạch sinh thái cũng được nhóm bạn trẻ hướng đến giá trị cộng đồng. Tháng 7-2020, ngôi nhà tình thương được xây dựng từ hơn 1.000 viên gạch sinh thái do nhóm Ecobrick Saigon làm ra, trao tặng bà Tô Thị Nguyệt (60 tuổi, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). |