Niềm hạnh phúc được an cư

Niềm hạnh phúc được an cư

Với người dân nghèo và những viên chức hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vùng sâu vùng xa, ngoài nỗi lo gánh nặng cơm áo, gạo tiền còn thêm sự trăn trở trĩu nặng khi chưa có được một mái ấm ổn định. Do vậy, khi được hỗ trợ xây dựng nhà ở dù chỉ là căn nhà đơn sơ, bình dị trị giá vài chục triệu đồng, đối với họ là cả một niềm hạnh phúc lớn lao trong đời…

Ông Nguyễn Văn Vải (đứng bên trái) nhận quyết định trao nhà từ đại diện UBND xã Phú Cường huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Ảnh: ĐẠI HỶ

Ông Nguyễn Văn Vải (đứng bên trái) nhận quyết định trao nhà từ đại diện UBND xã Phú Cường huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Ảnh: ĐẠI HỶ

Khung cảnh huyện Tam Nông (Đồng Tháp) vào buổi xế chiều sau cơn mưa thật trong lành và dịu mát. Vừa đến đầu ngõ vào nhà ông Nguyễn Văn Vải (57 tuổi) ngụ tại ấp A xã Phú Cường, một trong hai trường hợp được trao tặng nhà ngày hôm ấy, chúng tôi đã thấy có rất đông người dân tụ tập cười nói rôm rả trước nhà. 

Các cán bộ đại diện chính quyền địa phương cũng đã có mặt đón đoàn. Những cái bắt tay siết chặt, lời chào hỏi nồng nhiệt kèm nụ cười thân thiện làm các vị khách phương xa có cảm giác được trở về với người thân sau thời gian dài xa cách. Đôi phút trước khi làm lễ nhận quyết định trao nhà, bên ly trà sen nóng bốc khói thơm lừng, ông Vải chậm rãi tâm sự về “thâm niên” nghèo khó của mình.

Sinh ra trong một gia đình bần nông, không có điều kiện học hành, từ lúc còn là thiếu niên ông đã phải nếm trải nỗi nhọc nhằn của công việc đồng áng. Hơn chục năm sau khi lập gia đình, cái nghèo vẫn không buông tha. Tiền công cày thuê, gặt mướn của vợ chồng ông có ngày cũng không mua đủ gạo nuôi 6 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Đã vậy, căn nhà lá lợp tôn cũ kỹ oằn mình che chắn cho cả gia đình gần 10 người theo năm tháng cũng xuống cấp nặng. Mùa mưa nào cả nhà cũng cắn răng chịu cảnh ẩm ướt vì dột.

Bước vào tuổi 50, sức lực không còn kham nổi nghề nông, trong lòng ấp ủ mỗi một mong ước có được ít tiền sửa lại căn nhà đã quá mục nát, ông Vải đón xe đò lên tận Bình Dương xin làm bảo vệ cho một công ty. Khốn nỗi, vì mức sống quá cao nơi xứ người cộng với giá cả leo thang làm tắt ngấm mọi hy vọng nơi ông. Không sống nổi với đồng lương của công việc gác cổng, ông Vải lủi thủi trở về quê. “Tôi tưởng đâu quãng đời còn lại không thể nào có được mái nhà lành lặn trú thân, ai dè nghe tin được chính quyền xét duyệt hoàn cảnh đưa lên các nhà báo và quý ân nhân cho tiền cất lại nhà, thiệt mừng quá đỗi” - giọng ông Vải như reo lên.

Câu chuyện lập tức bị cắt ngang khi cán bộ đại diện xã mời ông đứng lên nghe đọc quyết định trao nhà tình thương do Báo SGGP và Công ty TNHH MTV Dược phẩm Vimedimex hỗ trợ xây tặng. Không được gọi tên nhưng người thân của ông Vải cũng tiến đến đứng cạnh bên ông, nét mặt ai cũng lộ rõ sự mừng vui. “Cả nhà tôi xin gởi lời biết ơn đến Báo SGGP và các nhà hảo tâm đã giúp đỡ” - ông Vải lắp bắp nói trong sự xúc động cao độ.

Chia tay gia đình ông Vải, theo sự hướng dẫn của các đồng chí cán bộ huyện, xã chúng tôi tiếp tục hành trình đến thăm gia đình chị Phạm Thị Bích Thủy (30 tuổi) một viên chức ngành dược đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông. Đến nơi thì trời cũng đã chạng vạng. Căn nhà nơi hai vợ chồng chị Thủy cùng đứa con nhỏ đang trú ngụ nằm lọt thỏm trong khuôn viên trung tâm y tế. Trên đường vào, bác sĩ Trần Hữu Trí, Giám đốc Trung tâm y tế huyện, cho biết hoàn cảnh của vợ chồng chị Thủy quá khó khăn, chưa tìm được chỗ ở nên cơ quan tạm thời sắp xếp cho gia đình chị ở tạm trên đất của đơn vị. Để tranh thủ thời gian trước khi trời chuyển sang tối hẳn, việc trao tiền đã diễn ra tương đối ngắn gọn nhưng cũng không kém phần xúc động.

Cầm trên tay phong bì tiền 25 triệu đồng do Báo SGGP và Công ty TNHH MTV Dược phẩm Vimedimex trao tặng, chị Thủy nghẹn ngào: “Tôi xin chân thành gởi lời cảm ơn sâu sắc đến các nhà tài trợ đã giúp vợ chồng tôi có điều kiện an cư”. Chị Thủy cũng cho biết chị và chồng đều đang công tác tại trung tâm y tế huyện, tuy nhiên do thu nhập của hai vợ chồng cộng lại chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, lại có thêm con nhỏ nên hơn 5 năm qua phải sống nhờ sự bảo bọc giúp đỡ của người quen và đồng nghiệp. Năm vừa rồi, chị và chồng đánh liều vay tiền trả góp mua một mảnh đất nhỏ trị giá 40 triệu đồng, nhưng chỉ để đó không có tiền xây nhà. “Chị Thủy là một cán bộ trẻ có năng lực và có tâm. Mặc dù công việc vất vả, thu nhập thấp, thay vì đi tìm cơ hội ở nơi khác thì hai vợ chồng đã tình nguyện ở lại cùng anh em dốc sức cho sự nghiệp y tế tại địa phương. Đó là điều chúng tôi rất trân trọng” - bác sĩ Trí nói.

Chia tay đoàn, ông Phùng Công Thanh, Chủ tịch UBND xã Phú Cường, bày tỏ: “Hiện tại địa phương đang tập trung mọi nỗ lực để xây dựng xã nông thôn mới. Toàn xã hiện còn 17% hộ nghèo là tỷ lệ khá cao. Chúng tôi đã đặt ra chỉ tiêu là phải cố gắng từ nay đến năm 2015 hạ tỷ lệ này xuống dưới 7%. Được sự quan tâm và hỗ trợ của Báo SGGP và Công ty TNHH MTV Dược phẩm Vimedimex trao tặng nhà tình thương cho các hộ nghèo tại xã, chúng tôi vô cùng cảm kích. Mong rằng sắp tới sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn nữa của cộng đồng và các nhà hảo tâm, để người dân nghèo địa phương vơi đi phần nào nỗi nhọc nhằn”.

MAI NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục