Niềm tin hòa hợp

“Sau ngày 30-4-1975, trên toàn miền Nam, ta đã làm thủ tục đăng ký trình diện cho gần 2 triệu sĩ quan, binh lính và nhân viên chính quyền cũ, trong đó có trên 70.000 sĩ quan từ cấp thiếu úy đến trung tướng”, Thiếu tướng Phạm Đình Thức, nguyên Phó Cục trưởng Cục Địch vận (Tổng cục Chính trị), kể lại. Theo ông, những người ra trình diện ngày ấy đã nộp một số lượng lớn vũ khí, chỉ cho ta những kho tàng cất giấu phương tiện chiến tranh và nơi bọn ác ôn lẩn trốn… Hơn 40 năm đã trôi qua, song kỷ niệm về những ngày làm nhiệm vụ “gieo” niềm tin hòa hợp ngay sau ngày Sài Gòn giải phóng thì vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức ông và đồng đội.
Niềm tin hòa hợp

“Sau ngày 30-4-1975, trên toàn miền Nam, ta đã làm thủ tục đăng ký trình diện cho gần 2 triệu sĩ quan, binh lính và nhân viên chính quyền cũ, trong đó có trên 70.000 sĩ quan từ cấp thiếu úy đến trung tướng”, Thiếu tướng Phạm Đình Thức, nguyên Phó Cục trưởng Cục Địch vận (Tổng cục Chính trị), kể lại. Theo ông, những người ra trình diện ngày ấy đã nộp một số lượng lớn vũ khí, chỉ cho ta những kho tàng cất giấu phương tiện chiến tranh và nơi bọn ác ôn lẩn trốn… Hơn 40 năm đã trôi qua, song kỷ niệm về những ngày làm nhiệm vụ “gieo” niềm tin hòa hợp ngay sau ngày Sài Gòn giải phóng thì vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức ông và đồng đội.

Thiếu tướng Phạm Đình Thức kể rằng, sau chiến thắng 30-4 đúng một ngày, ông cùng đồng đội Lê Phương (sau này là trung tá, cán bộ Cục Địch vận) được cấp trên phân công cùng đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đáp chuyến bay quân sự từ Hà Nội vào Sài Gòn. Với những cán bộ làm công tác địch vận, chuyến vào Nam lần này của ông Thức và đồng đội thật nhiều cảm xúc, bởi trong lúc cả nước đang dồn dập tin chiến thắng, họ càng thấu hiểu sự gian khổ, hy sinh của các đồng đội làm công tác địch vận cách đó 20 năm, khi họ lặng lẽ từ biệt người thân, âm thầm “tập kết ngược” vào Nam để làm công tác binh vận giữa vùng địch kiểm soát. Giờ đây, sau giờ phút chiến thắng, nhiệm vụ của những cán bộ địch vận là góp phần giải tỏa mặc cảm của tàn quân ngụy và gia đình, làm sáng tỏ chính sách khoan hồng, nhân đạo của ta khi kết thúc chiến tranh.

Thiếu tướng Phạm Đình Thức, nguyên Phó Cục trưởng Cục Địch vận, Tổng cục Chính trị.

Trung tá Lê Phương, người đồng hành với Thiếu tướng Phạm Đình Thức trong chuyến đi năm ấy, nhớ lại: “Sáng 2-5-1975, máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi tới ở tạm trong nhà hàng Thiên Thanh gần sân bay trong khi chờ Ban quân quản bố trí chỗ ở. Tôi vẫn nhớ lúc đó trong nhà hàng các loại thực phẩm đều bốc mùi ôi thiu do sự cố mất điện, còn sân bay thì ngổn ngang, lộn xộn với những ô tô, xe máy, đồ đạc, của cải… do quan chức và binh lính chính quyền Sài Gòn vứt lại trên đường di tản. Khi máy bay của đoàn công tác vừa hạ cánh, rất nhiều người dân hiếu kỳ đã vây quanh, có lẽ họ tò mò tới xem máy bay của “Việt cộng” và cũng muốn đến gần để “xem mặt” các anh “Bộ đội Bắc Việt”. Chúng tôi nhận định: Trong đám đông ấy, chắc chắn có không ít những sĩ quan ngụy trong các bộ trang phục dân sự”.

Khi ổn định nơi ăn ở, ông Phương và ông Thức được Ban Binh vận Trung ương Cục phân công cùng Ủy ban Quân quản thành phố làm nhiệm vụ tiếp nhận đăng ký trình diện của sĩ quan, binh lính và nhân viên chính quyền cũ. Ông Thức được phân công cùng bộ phận làm nhiệm vụ đăng ký trình diện sĩ quan cấp tướng, ông Phương về bộ phận tiếp nhận đăng ký sĩ quan cấp tá. Sài Gòn là trung tâm đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, đồng thời trong quá trình tấn công và nổi dậy của quân dân ta, nhiều tướng, tá, nhân viên cao cấp của chính quyền cũ ở các vùng cũng chạy về ẩn náu, do đó đối tượng phải đăng ký trình diện ở đây khá đông và phức tạp. Ủy ban Quân quản thành phố đã sử dụng các trường từ bậc tiểu học, trung học đến đại học làm điểm đăng ký trình diện. Phường, xã nào đăng ký địa bàn ấy; cấp quận đăng ký cấp úy; cấp thành phố đăng ký sĩ quan cấp tướng, tá và nhân viên cao cấp.

Ngoài số cán bộ của các ban, ngành, Ủy ban quân quản còn huy động cả sinh viên các trường đại học để sử dụng vào một số công việc thích hợp. Khi thành phố công bố việc đăng ký trình diện trên hệ thống loa truyền thanh, sĩ quan, binh sĩ ngụy có nhiều thái độ hưởng ứng tích cực. Thân nhân của các binh sĩ, nhân viên chính quyền cũ cũng có thái độ hợp tác khá tốt, nhiều gia đình bố mẹ, vợ con, bạn bè cũng cùng đi đến nơi trình diện, để động viên con em.

Ngày đó, ông Phương làm nhiệm vụ đăng ký trình diện cho sĩ quan cấp tá tại một trường đại học trên địa bàn quận 5. Tại giảng đường, ông Phương và đồng đội bố trí kê 7 bộ bàn ghế cho 7 người ngồi tiếp nhận đăng ký.

Ông Phương kể: “7 bàn đăng ký gồm tôi và 6 cán bộ địa phương, trong đó có một đồng chí là Thành ủy viên. Tôi được bố trí ngồi chính giữa, các cán bộ Cục Bảo vệ làm nhiệm vụ vòng ngoài. Sĩ quan chính quyền cũ sau khi được phát tờ khai đều có thể gặp bất kỳ ai trong số chúng tôi để đăng ký trình diện. Trước hết họ xuất trình chứng minh thư, sau đó khai báo đơn vị, ngày rời đơn vị, nơi ở hiện nay... Thường mỗi người đều cầm theo một tờ kêu gọi trình diện của chính quyền cách mạng. Việc khai báo không có gì căng thẳng, nhưng các sĩ quan ngụy rất “ngại” các bàn đăng ký của cán bộ địa phương, bởi các cán bộ cách mạng nằm vùng là những người không xa lạ về lai lịch và “chiến tích” của sĩ quan đối phương. Vì thế chỉ lác đác một số người lên trình diện ở các bàn bên. Thấy tôi mặc quân phục, lại là bộ đội miền Bắc nên chiếc bàn của tôi dần trở thành “mũi nhọn” để các sĩ quan chế độ cũ xếp hàng chờ tới lượt, và tôi trở thành người tiếp nhận đăng ký nhiều nhất, lâu nhất”.

Một điểm đăng ký trình diện của sĩ quan Quân đội Việt Nam Cộng hòa sau ngày 30-4-1975. (Ảnh tư liệu của Cục Địch vận)

Có một kỷ niệm đáng nhớ với ông Phương. Một hôm, đã quá trưa, khi đang chuẩn bị xuống nhà ăn của nhà trường để dùng bữa, ông thấy cán bộ của Cục Bảo vệ đến thông báo có một viên trung tá của chính quyền cũ khẩn khoản xin gặp “ông cán bộ miền Bắc” để trình diện. Ông Phương cho phép viên sĩ quan nọ vào gặp. Sau đó, viên sĩ quan tự giới thiệu là trung tá, lữ đoàn trưởng thủy quân lục chiến rồi tâm sự: “Từ hôm các ông kêu gọi đến trình diện, sáng nào tôi cũng đến, nhưng tôi chỉ đứng ngoài để nghe ngóng…”. Tôi vui vẻ bảo: “Ông đã nghe và thấy những gì trong mấy ngày qua?”. Lúc này, viên trung tá đã bớt căng thẳng, trả lời: “Tôi để ý xem nếu trong này có tiếng kêu thét do bị bắt, bị tra tấn của các đồng nghiệp, tôi sẽ bỏ trốn. Nếu không trốn được, tôi sẽ tự sát. Nhưng bây giờ thì tôi đã yên tâm ra trình diện”.

Từ 11 giờ 30 tới 13 giờ 30 hôm ấy, tuy vừa mệt, vừa đói bụng, nhưng ông Phương và hai sĩ quan cảnh vệ vẫn vui vẻ tiếp chuyện viên trung tá lữ đoàn trưởng. Câu chuyện của ông Phương và họ xoay quanh chính sách nhân đạo, khoan hồng của chính quyền cách mạng, ông Phương còn vạch rõ cả những đòn tâm lý chiến mà kẻ địch từng xuyên tạc về người chiến sĩ giải phóng khi chúng tung tin “bộ đội Việt cộng bám cành đu đủ không rớt”…

Nhận thấy cách giao thiệp của “ông cán bộ miền Bắc” đã trở nên gần gũi, tin tưởng, viên trung tá nọ tâm sự khá cởi mở, song anh ta vẫn tiếp tục thăm dò: “Khi nào các ông sẽ tiến hành thẩm vấn chúng tôi?”. Biết rằng viên sĩ quan này cũng giống như số đông binh lính khác vẫn còn không ít hoài nghi, lo lắng với biết bao câu hỏi trong đầu, ông Phương trả lời viên trung tá rằng, anh hãy trở về chuẩn bị cho cuộc sống bình thường của một người dân trong một đất nước thống nhất.

Khi ấy, viên trung tá mới thú thật: “Vợ con tôi đang chờ  ngoài ô tô, tôi dặn hôm nay nếu tôi có mệnh hệ gì thì gia đình sẽ coi ngày tôi ra trình diện là ngày giỗ…”. Ông Phương bật cười vì suy nghĩ ấy, và ông khá bất ngờ khi trước lúc đứng dậy ra về, viên trung tá mang ra hai chiếc hộp sắt vuông vắn giống như hai hộp bánh. Thì ra, một hộp xếp toàn vàng lá, một hộp toàn kim cương, đây là những tài sản do viên trung tá tự nguyện nộp cho cách mạng.

“Tôi bảo anh ta để xuống bàn rồi cử hai sĩ quan bảo vệ làm biên bản chi tiết để nhận bàn giao cho Ủy ban quân quản. Thực tế, tôi không thạo lắm về món hàng xa xỉ này nên không biết số lượng vàng, kim cương kia được cân đong ra sao, thế là đành cử người đi tìm một thợ kim hoàn vào thống kê giúp để ghi biên bản…”, ông Phương cho biết.

Sau hơn 10 ngày làm công tác đăng ký trình diện cùng Ủy ban quân quản, hai cán bộ biệt phái của Cục Địch vận đã cùng ngồi lại với nhau để trao đổi về kết quả thu được và cả những kinh nghiệm rút ra từ thực tế.

Thiếu tướng Phạm Đình Thức cho biết: “Với đối tượng cấp tướng và nhân viên cao cấp mà tôi từng tiếp xúc, có những người phân vân, hoài nghi và ra vào các điểm trình diện tới hai, ba lần rồi mới dám xin giấy kê khai. Có sĩ quan cấp tướng sau khi đăng ký xong đã vui vẻ thổ lộ: Lúc đầu chưa tin chính sách của cách mạng nên gần hết hạn đăng ký mới dám ra khai báo, một số  khác thì rủ thêm cả bạn bè đi cùng để… đề phòng bất trắc. Song, hầu hết trong số họ đều vui mừng, phấn khởi ra đăng ký trình diện. Chính số sĩ quan chế độ cũ và thân nhân của họ đã góp phần vạch trần những luận điệu tuyên truyền mà địch từng hù dọa là sẽ có trả thù, “tắm máu” sau giải phóng, đồng thời làm rõ thêm thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của toàn dân tộc, của mọi người Việt Nam, cả với những người trước đây vì lý do này hay lý do khác phải đứng trong hàng ngũ đối phương…”.

BÙI MINH TUỆ

Tin cùng chuyên mục