Niềm vui đầu năm

Nỗ lực đáng trân trọng
Niềm vui đầu năm

Những ngày đầu năm mới 2013, chúng tôi có dịp gặp những bạn thanh niên khuyết tật đã có việc làm ổn định thông qua kênh thông tin của Báo SGGP. Nhìn nụ cười hạnh phúc, ánh mắt ngời sáng niềm tin vào cuộc sống của họ, chúng tôi rất vui bởi lẽ, trong nỗi bất hạnh luôn có lối đi để tìm giá trị tốt đẹp nếu ta đủ dũng khí và nghị lực...

Niềm vui đầu năm ảnh 1

Anh Nguyễn Văn Phương tại văn phòng đại lý bán vé máy bay.

Nỗ lực đáng trân trọng

Người đầu tiên chúng tôi gặp là anh Nguyễn Văn Phương, nhân viên một đại lý bán vé máy bay trên đường Lê Văn Sỹ (Q3, TPHCM). Bước vào tháng cao điểm chuẩn bị đón tết âm lịch sắp tới, anh khá bận rộn trong việc tiếp nhận khách hàng đặt vé qua điện thoại, qua mạng. “Em đang cố gắng làm tốt công việc của mình như mọi người tại đây” - Phương mở đầu câu chuyện với chúng tôi trong giờ nghỉ trưa.

Nhớ lại quãng thời gian đấu tranh bản thân để vươn lên, tâm trạng chàng thanh niên 29 tuổi này không khỏi bùi ngùi. Phương là con một gia đình nông dân nghèo ở Tiền Giang. Năm 1984, lúc vừa tròn 1 tuổi, trận sốt bại liệt đã vĩnh viễn cướp đi đôi chân lành lặn của cậu. Nhưng Phương đã vượt qua số phận, bước vào đời với nỗ lực rất đáng trân trọng. Thời học phổ thông, mặc dù học chắp, học nối nhưng Phương đều là học sinh khá giỏi. Đến khi tốt nghiệp THPT cậu cũng đạt loại giỏi.

Năm 2009, Phương thi đậu vào ngành kế toán - kiểm toán của Trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Vui nhiều nhưng Phương cũng “choáng” khi nghĩ tới nguồn kinh phí ăn học. Hai năm đầu được người thân hỗ trợ, Phương gắng gượng vượt qua. Đến năm thứ 3 khi học phần càng cao, chi phí càng nhiều thì anh bắt đầu đuối sức. Trong lúc bế tắc thì lối ra cho tương lai lại hé mở. Được bạn bè mách bảo, qua thông tin trên internet, anh tìm đến Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM.

Nhờ sự hướng dẫn của Phòng Tư vấn giới thiệu việc làm, thông tin của Phương đã được đăng tải trên mục “Người khuyết tật tìm việc” trang “Nhịp cầu nhân ái” Báo SGGP. Ngập ngừng vài giây, Phương nói: “Em còn nhớ như in đó là vào ngày 12-10. Chỉ 3 ngày sau đó, đại diện cửa hàng bán vé máy bay đã gọi và em đã có việc làm ổn định hơn hai tháng nay. Có chi phí trang trải việc ăn học em mừng khôn tả. Cảm ơn Báo SGGP và trung tâm”. Theo Phương, với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng chưa phải là nhiều nhưng đối với một người khuyết tật sống trong thời buổi khó khăn hiện nay là rất có ý nghĩa.

Tương tự như Nguyễn Văn Phương, bạn Võ Thị Thanh Thủy (22 tuổi) nhân viên kế toán cho một công ty phân phối hàng điện máy tại quận 5 TPHCM, cũng đã tìm được việc sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật thành phố và Báo SGGP. Nói về hành trình vượt khó vươn lên, Thủy nhỏ nhẹ trải lòng: “Suốt thời thơ ấu cho đến khi tốt nghiệp phổ thông, em đã trải qua thời gian dài đấu tranh với bản thân để vượt qua sự mặc cảm, tự ti; cố bỏ ngoài tai những điều không muốn nghe, cố gắng học giỏi hơn, làm tốt hơn để chứng minh với xã hội rằng, mình là người không thừa”.

Mồ côi cha năm lên 9 tuổi, một mình mẹ Thủy tảo tần nuôi 4 anh chị em. Học chưa hết cấp 1 thì bất hạnh giáng xuống số phận cô gái nhỏ bằng chứng bệnh teo cơ đùi quái ác giày vò cơ thể. Đôi chân cô bé cứ teo dần không thể đi đứng như người bình thường. Gia đình đưa Thủy đi chạy chữa khắp nơi nhưng không kết quả. Rồi bằng nghị lực, ý chí phấn đấu không ngừng nghỉ, Thủy lần lượt vượt qua mọi rào cản, định kiến. Tốt nghiệp phổ thông, cô gái trẻ thi vào hệ cao đẳng chuyên ngành tài chính ngân hàng. Rời ghế nhà trường, nhiều tháng liền, lòng cô lại nặng trĩu với nỗi lo mưu sinh. Nộp hồ sơ xin việc một số nơi nhưng không thành.

Rồi cũng nhờ chịu khó truy tìm thông tin việc làm cho người khuyết tật, cô đã đến Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật thành phố. Và niềm vui bất ngờ đến với Thủy khi cô được các doanh nghiệp gọi tuyển dụng ngay ngày được Báo SGGP đăng thông tin, đó là ngày 4-10-2012. Cô chia sẻ: “Với mức lương hiện tại hơn 3 triệu đồng/tháng em đã phần nào tự lo cho bản thân và không để trở thành gánh nặng cho gia đình”.

Hàng ngàn việc làm ổn định

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật thành phố, sau hơn 10 năm phối hợp với Báo SGGP đăng thông tin hỗ trợ người khuyết tật tìm việc, đến nay đã có hơn gần 3.000 trường hợp được tuyển dụng và có việc làm ổn định. Riêng trong năm 2012 đã có 367 lượt doanh nghiệp tuyển dụng hơn 1.400 người, trong đó, có 1.018 lao động khuyết tật. Các học viên theo học các ngành nghề: May, tin học văn phòng, kế toán, thiết kế đồ họa, điện tử có khả năng tìm được việc làm cao hơn các nhóm ngành nghề khác.

Một thống kê cơ cấu các nhóm ngành nghề cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông vẫn rất lớn và cần nhiều lao động khuyết tật. Đây cũng là nhóm ngành thu hút nhiều người khuyết tật (đặc biệt là người khuyết tật từ các tỉnh khác) vì doanh nghiệp thường tạo điều kiện về nhu cầu ăn ở cho họ.

Trong năm 2013, Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM sẽ tiếp tục duy trì việc phối hợp đăng tải thông tin tìm việc làm cho người khuyết tật trên Báo SGGP để đạt mục tiêu đề ra là giới thiệu việc làm ổn định cho 360 người khuyết tật, nâng cao tỷ lệ học viên trung tâm sau khi mãn các khóa học có việc làm ổn định.

Mai Nguyễn

Tin cùng chuyên mục