Sau nhiều năm long đong vì tình trạng xả thải khiến thủy sản nuôi lồng bè chết hàng loạt, từ đầu năm 2018 cho tới nay, giá thủy sản nuôi lồng bè tăng mạnh khiến ngư dân làng bè Long Sơn (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vô cùng phấn khởi. Hiện nơi đây đang dồn sức chăm sóc cho lứa thủy sản để xuất bán trong dịp 30-4 tới, với kỳ vọng sẽ có một mùa được giá.
Giá cả tăng cao
Làng bè Long Sơn hôm nay không còn đìu hiu vì cá chết trắng như hai năm trước, thay vào đó là hàng chục tàu đầy ắp tôm, cá, hàu tấp nập cập bến, giao hàng cho những chiếc xe đông lạnh của thương lái đang chờ sẵn trên bờ. Khung cảnh nhộn nhịp khiến nơi đây giống như một chợ nổi dưới chân cầu Chà Và.
Ông Nguyễn Công Biên - đại gia thủy sản lớn nhất làng bè Long Sơn với 200 lồng nuôi cá và tôm hùm, chia sẻ: “Năm vừa qua tôi mạnh dạn thả 20.000 con cá bớp, 10.000 con cá chim và đặc biệt là bắt tay vào nuôi cá cam với số lượng 60.000 con”. Vừa qua, nhờ giá cá lên cao, ông xuất bán một phần cá chim và cá cam với khối lượng khoảng 21 tấn, thu về gần 3 tỷ đồng. Trong lồng hiện còn 10.000 con tôm hùm trọng lượng từ 200-250g hiện có giá trên 1,1 triệu đồng/kg, cùng hàng chục ngàn con cá bớp loại 3-7kg/con, dự kiến xuất bán trong 1 tháng nữa. Theo ngư dân này nhận định, dịp 30-4 tới đây giá sẽ còn tiếp tục tăng bởi gần đây nhiều lồng bè bắt tôm cá giống về nuôi, đến thời gian đó chưa thể xuất bán nên sản lượng cung cấp ra thị trường sẽ không nhiều.
Nhiều ngư dân của xã đảo cho biết, từ đầu năm đến nay, giá hàu và cá nuôi lồng bè tăng khá cao, có loài tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/kg khiến ngư dân rất phấn khởi. Hiện cá bớp được thương lái thu mua với giá từ 175.000 - 185.000 đồng/kg, tăng bình quân 50.000 đồng/kg; cá chim trắng vây vàng dao động từ 120.000 - 135.000 đồng/kg; cá chẽm loại 1,5-2kg trên dưới 110.000/kg, cá mú lai khoảng 300.000 đồng/kg (tăng 30.000 -40.000 đồng/kg), hàu Thái Bình Dương khoảng 30.000 đồng/kg và đặc biệt tôm hùm cỡ lớn được bán với giá khá cao từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/kg. Với mức trên, giá thủy sản nuôi trồng đã tăng 30% - 50% so với mức trung bình của năm ngoái. Nguyên nhân chính là do trong năm 2017, thủy sản nuôi lồng bị chết do thời tiết thất thường, dịch bệnh, khiến nguồn cung giảm, trong khi nguồn cung này tại các tỉnh thành khác, nhất là miền Trung bị ảnh hưởng của nhiều cơn bão lớn.
Hỗ trợ tạo dựng thương hiệu riêng
Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản lồng bè với diện tích mặt nước gần 200ha/6.000 lồng, mỗi năm cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 1.400 tấn cá có giá trị kinh tế cao và hơn 13.000 tấn hàu cửa sông và hàu Thái Bình Dương. Năm 2017, nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nuôi trồng, cơ bản được kiểm soát nên nhiều bà con ngư dân mong muốn năm 2018 tình hình tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ để người dân mạnh dạn đầu tư phát triển, bù lại những thiệt hại của những năm trước đó.
Theo ngư dân Lê Văn Thuận, chủ của 42 lồng bè tại Long Sơn tâm sự, ngoài vấn đề môi trường, hiện nay ngư dân vẫn còn thiếu kỹ thuật chăm sóc, người dân mong muốn được hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra chất lượng con giống, cách phòng tránh dịch bệnh cho tôm, cá để người dân để giảm thiểu hao hụt và nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, người dân mong được hỗ trợ kênh phân phối chính thức để đưa thủy sản nuôi lồng vào các chợ đầu mối, siêu thị, tạo dựng thương hiệu riêng nhằm phát triển mạnh thủy sản nuôi lồng của tỉnh.
Ông Lê Xuân Tú, Chủ tịch UBND xã Long Sơn, vui vẻ nói: “Năm vừa qua, sau khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo xử lý quyết liệt tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở chế biến hải sản xã Tân Hải, môi trường nuôi trồng trên khu vực sông Chà Và đã được cải thiện rất rõ rệt. Bà con ngư dân an tâm vay vốn đầu tư nhiều hơn để phát triển kinh tế. Song song đó, xã cũng phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng của hải sản, giúp nâng cao thu nhập cho bà con”.
Tuy vậy, để phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và, việc cần làm là mạnh dạn sắp xếp các lồng bè theo hướng cắt giảm số lượng lồng trên mỗi bè hiện tại và di dời đến các sông Dinh, sông Mỏ Nhát đã được quy hoạch, đồng thời thành lập các tổ tự quản để cùng cơ quan chức năng giám sát, kịp thời góp ý, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất.