Ninh Thuận quay cuồng trong nắng hạn

Hồ chứa cạn đáy
Ninh Thuận quay cuồng trong nắng hạn

Tỉnh Ninh Thuận đang đối mặt cơn đại hạn lịch sử. Dù mới bắt đầu mùa khô nhưng địa phương này lại thiếu nước trầm trọng. Nhiều vùng dân không có đủ nước uống, hoa màu, cây cối, gia súc, gia cầm… cũng đang ngắc ngoải từng ngày.

Người thiếu nước, gia súc chết khát

Nếu như Ninh Thuận là “chảo lửa” của miền Trung thì huyện Bác Ái là “chảo lửa” của Ninh Thuận. Chánh văn phòng UBND huyện Bác Ái Nguyễn Văn Cảnh cho biết, hiện ở Bác Ái, xã nào cũng khô hạn. So với mọi năm thì năm nay hạn đến sớm và khốc liệt hơn. Nhiều đợt nắng nóng kéo dài từ trong Tết Nguyên đán đến nay, đã khiến nhiều xã của huyện thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất, cá biệt có một số xã còn khan hiếm cả nước uống, nấu ăn.

Người dân xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận lấy nước từ bể nước công cộng.

Bấy lâu nay, xã Phước Trung được xem là nơi chịu hạn nặng nề nhất tại huyện Bác Ái. Đa số dân đồng bào Raglai sinh sống tại đây kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất chủ yếu là chăn nuôi gia súc và trồng rẫy, làm lúa. Thế nhưng, ở Phước Trung không chỉ người thiếu nước sinh hoạt, mà cả đàn gia súc của dân có nguy cơ chết khát. Hiện đã có 40 con gia súc chết do nắng nóng. Trên đường về Phước Trung, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh cây cối chết khô, hàng chục hécta lúa chết cháy đang bỏ thí cho trâu, bò ăn. Nhiều con suối chảy qua các vùng dân cư của Phước Trung nay đã trơ đáy. Thậm chí, hồ chứa nước chính của xã cũng đã cạn khi mùa khô mới bắt đầu. Theo thống kê sơ bộ, Phước Trung hiện có hơn 100ha lúa đã khô nước, chết cháy theo nắng nóng. Anh Chamaléa Phước, ngụ thôn Đồng Dây cho biết, anh có hơn 2 sào lúa đã gieo được 2 tháng, nhưng nay phải cho bò ăn vì lúa đang chết dần do không có nước tưới. “Cả lương thực gia đình trông chờ vào mảnh ruộng, mai mốt không biết lấy gì để sinh sống”, anh Phước buồn rầu.

Không chỉ thiếu nước phục vụ cho sản xuất, người dân Phước Trung đang đối mặt với nạn thiếu nước uống, nước sinh hoạt trầm trọng. Hơn một tháng nay, nhiều nguồn nước sông hồ, giếng đào tại địa phương đã khô. Để khắc phục tình trạng thiếu nước uống cho dân, xã Phước Trung đã đi gom nước từ nơi khác, dồn về các bể chứa nước công cộng. Tuy nhiên, chỉ với vài chục khối nước mỗi ngày cho hơn 1.200 nhân khẩu của xã thì quá thiếu. Cảnh người dân chen chúc lấy nước sinh hoạt vẫn diễn ra từng giờ, từng ngày. Theo ông Phạm Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Phước Trung, toàn xã có 284 hộ đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Nguyên nhân chính là do năm nay nguồn nước từ hồ chứa Phước Nhơn đã cạn kiệt sớm hơn mọi năm. Xã đã đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí để đào thêm ao dọc suối, nạo vét giếng để lấy nước. Trước mắt, tỉnh cũng đã cấp kinh phí, tổ chức chở nước sinh hoạt từ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm lên cho bà con dùng. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế, Phước Trung rất cần một giải pháp căn cơ hơn. “Trong trường hợp khẩn cấp, xã sẽ kiến nghị tỉnh hỗ trợ đưa toàn bộ đàn gia súc về xuôi để tránh hạn, giảm thấp nhất thiệt hại cho dân”, ông Phạm Quý Dương lo lắng.

Hồ chứa cạn đáy

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ cuối tháng 3 đến tháng 8-2015, các tỉnh ven biển Trung bộ từ Nghệ An đến Ninh Thuận nhiều khả năng xảy ra tình trạng khô hạn sớm trên diện rộng và nguy cơ khô hạn, xâm nhập mặn sẽ lớn hơn hai năm trước. Dự báo cũng cho biết các địa phương này sẽ chịu một năm hạn lịch sử. Thế nhưng, ghi nhận thực tế tại các tỉnh Nam Trung bộ, dù chưa đến cao điểm hạn hán như dự báo, nhưng đa số hồ chứa tại khu vực đã trong tình trạng “báo động đỏ”.

Hồ chứa nước Sông Sắt tại Ninh Thuận có dung tích gần 70 triệu m3, một trong những hồ chứa có dung tích lớn nhất tại Nam Trung bộ, được đầu tư gần 400 tỷ đồng từ năm 2007, nhằm mục đích tưới tiêu cho hàng ngàn hécta đất nông nghiệp. Thế nhưng, hiện hồ chứa nước này đã cạn đáy cách đây nhiều tuần; các trạm bơm, đường xả nước từ hồ về đồng bằng đã “đắp chiếu”. Theo ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, tính đến cuối tháng 2-2015, tổng dung tích 20 hồ chứa nước toàn tỉnh hiện chỉ còn 30,37 triệu/192,21 triệu m3, chiếm khoảng 15% dung tích thiết kế. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này nhiều hồ chứa đã cạn đáy, như ông Sông Sắt, Phước Nhơn…, các hồ chứa còn lại, nếu thời gian tới không có mưa Tiểu mãn thì cùng chung cảnh ngộ với các hồ chứa nói trên. Sắp tới, nếu trời không mưa, thì 10.000ha hè thu nằm ngoài hệ thống cung cấp nước tưới từ Nhà máy Đa Nhim sẽ không gieo trồng được.

Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, dung tích các hồ chứa trên địa bàn chỉ còn 20% - 35%, nhiều hồ đã quá mực nước chết chỉ còn 3% - 10% dung tích thiết kế. Nếu như mực nước tại các hồ chứa không được cải thiện, thì 13.648ha lúa hè thu trên địa bàn tỉnh không sản xuất được. Hiện Khánh Hòa có 3 huyện đã ngưng 100% diện tích lúa hè thu để dành nước cho nhu cầu sinh hoạt và nước uống cho gia súc, gia cầm. Để khắc phục hạn hán, Khánh Hòa tạm chi trước mắt 25 tỷ đồng để chống hạn.

 Ngày 25-3, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên ở khu vực các tỉnh ven biển Bắc và Trung Trung bộ đã có mưa vừa đến rất to. Một số nơi đã có mưa lớn như Quỳnh Lưu (Nghệ An) 49mm, Đô Lương (Nghệ An) 74mm, Trà My (Quảng Nam) 153.7mm, Quảng Ngãi 87mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 149mm…

Mưa lớn duy trì hết ngày 25-3 và sẽ giảm dần từ ngày 26-3. Đây là cơn mưa có lợi cho việc hóa giải tình trạng khô hạn nặng, kéo dài liên tục nhiều tháng nay tại Trung bộ.

PHÚC HẬU


VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục