Nỗ lực R&D của doanh nghiệp Việt

Trong quá trình xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), có một khoảng thời gian khá dài là để hoàn thiện các chính sách, xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư… 
Nhà máy Samsung tại SHTP. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhà máy Samsung tại SHTP. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Sự xuất hiện của các doanh nghiệp Việt trong SHTP là khá muộn, nên hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D) của doanh nghiệp Việt càng trở nên đáng quan tâm. 
Tính đến thời điểm hiện nay, trong 115 dự án đang triển khai tại SHTP, có hơn 60% dự án của các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 15% tổng vốn đầu tư tại SHTP; giá trị sản xuất mang lại cũng thấp - tương đương 10% tổng giá trị. Điều đó cho thấy, vốn đầu tư không phải là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam.
Không chỉ thế, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp thách thức về công nghệ và thiếu nhân lực có chuyên môn, trình độ cao… Cho nên, tập trung vào R&D và thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao là điều hết sức cần thiết để tiếp tục nâng cao giá trị doanh nghiệp và sản phẩm Việt. 
Trước thực tế này, từ năm 2016, Ban Quản lý SHTP đã trình UBND TPHCM Dự án KH-CN thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao trong hoạt động nghiên cứu triển khai tại SHTP (giai đoạn 2017-2018). Ở chương trình này, mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 2 dự án, mỗi dự án không quá 3 tỷ đồng.
Tổng ngân sách TPHCM chi ra sẽ không quá 50 tỷ đồng/năm. Các doanh nghiệp dùng số tiền hỗ trợ này để đầu tư xây dựng ý tưởng, hoàn thiện thiết kế, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ khâu phân phối, tiếp thị sản phẩm.
Song song đó, Ban Quản lý SHTP còn có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như tiếp cận vốn vay, có quỹ kích cầu, tìm kiếm, hỗ trợ trang thiết bị, phòng thí nghiệm…
Các lĩnh vực dự án được tham gia chương trình thương mại hóa gồm: Công nghệ sinh học; công nghệ Nano; công nghệ bán dẫn (MEMs) và công nghệ cơ điện tử, tự động hóa (Robot). Từ đây đã có 7 sản phẩm ra đời.
Trước đó, hoạt động R&D và chuyển giao công nghệ ở các doanh nghiệp Việt Nam tại SHTP cũng đã sôi động. Có thể kể đến Công ty Công nghệ sinh học dược Nanogen (vốn 100% trong nước) đã chi cho hoạt động R&D trong năm 2015 đến 38% doanh số (theo quy định là ít nhất 1% doanh số), tỷ lệ nhân lực R&D chiếm 25% tổng số lao động.
Bên cạnh đó, công ty còn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thu hút và đào tạo nhân lực cho nghiên cứu, triển khai công nghệ mới. Hàng năm, Công ty Nanogen đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm thuốc đặc trị các bệnh như viêm gan siêu vi, cúm, thiếu máu do suy thận…
Hay năm 2012, Công ty cổ phần USM Healthcare đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị y tế và không lâu sau đó, năm 2015, công ty đã xây dựng trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cao USM, với mong muốn thúc đẩy hoạt động R&D, nhằm nghiên cứu ra nhiều công nghệ mới hướng đến thương mại hóa các ứng dụng trong lĩnh vực y tế.
Đây là công ty có 100% vốn đầu tư trong nước và công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài. Tháng 8-2015, Công ty United Healthcare đã khánh thành nhà máy sản xuất dụng cụ y sinh (ống stent phủ Nano), mở ra triển vọng Việt Nam tự cung cấp các thiết bị, sản phẩm y sinh cao cấp cho cộng đồng.
Trong năm 2016, sản phẩm bóng nong mạch vành của công ty đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam…
Cần kể thêm, Công ty VN Robotics là một trong 4 công ty tham gia chương trình phát triển công nghệ cao quốc gia đã nghiệm thu, đạt kết quả xuất sắc vào tháng 8-2016.
Tính đến tháng 2-2017, công ty đã chuyển giao và bán hơn 10 bộ robot phục vụ đào tạo, thu về hơn 2 tỷ đồng. Công ty UVP đã tăng quy mô sản phẩm chip FRED, diode Schottky trong năm 2016. Đây là lần đầu tiên một công ty Việt Nam đã xuất khẩu linh kiện bán dẫn cao cấp ra thị trường nước ngoài. 
Như thế, với chuyển động của doanh nghiệp Việt trong SHTP thời gian qua, cần ghi nhận những nỗ lực trong R&D. Đây là tín hiệu đáng mừng của doanh nghiệp Việt  
Các doanh nghiệp trong SHTP đã hướng đến làm chủ công nghệ thông qua việc đăng ký thành công các patent (giấy chứng nhận về sáng chế được pháp luật công nhận và cấp cho chủ sở hữu sáng chế.
Patent được cấp khi sáng chế đăng ký bảo hộ có tính mới, tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp), như: Công ty Nanogen (5 patent); Công ty D.G.S (1 patent); Công ty Bảo Sơn (1 patent); Công ty cổ phần Công nghệ bán dẫn toàn cầu Việt Nam (1 patent).
Song song đó là hoạt động chuyển giao công nghệ, với 2 doanh nghiệp đã chuyển giao thành công: Công ty TNHH Giải pháp điện tử T.C Việt Nam, với hợp đồng chuyển giao công nghệ Chipset và hợp đồng chuyển giao giải pháp OTT Chipset; Công ty TNHH MTV Nhà máy United Healthcare chuyển giao công nghệ và cung cấp dây chuyền sản xuất bóng nong mạch vành, stent mạch vành phủ thuốc bằng công nghệ Nano.

Tin cùng chuyên mục