
Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong đại dịch cúm gia cầm sắp đến sẽ có hàng triệu người mắc bệnh và 1% trong số đó tử vong. Tại Việt Nam, trong hai tuần qua đã có một số bệnh nhân ở các tỉnh phía Bắc tử vong do nhiễm cúm A virus H5N1 và H3N0.

Riêng tại TP.HCM, một địa bàn trọng điểm với hơn 8 triệu dân, các ngành chức năng đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp đối phó với dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, nguy cơ về một trận đại dịch bùng phát vẫn khiến cho nhiều người lo lắng. Trong thời gian qua, chung tôi cũng nhận được khá nhiều thư bạn đọc bày tỏ những thắc mắc, suy nghĩ về vấn đề này.
SGGP Online đã tổ chức giao lưu trực tuyến với TS-BS Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM để giải đáp thêm thông tin về bệnh cúm gia cầm trên người, cơ chế lây lan bệnh, thuốc đặc trị, hóa chất tẩy trùng, công tác cách ly và điều trị bệnh nhân cúm...
Tran Diep [diep.tran@hcm.fpt.vn] - Nam -
- Xin cho hỏi những gia cầm đã tiêm phòng dịch có khả năng bị nhiễm nữa không? Và có thể ăn những gia cầm đó không? Gia đình tôi ở Thái Bình, nghe nói tỉnh Thái Bình đã cho tiêm phòng cúm gia cầm 2 đợt và người dân rất tin tưởng vào những gia cầm mà nhà mình đang nuôi, liệu sự tự tin đó đúng không?
- Các gia cầm được tiêm ngừa đúng quy định (2 mũi) có khả năng cao phòng ngừa bị nhiễm, nhưng không có nghĩa tất cả gia cầm đã được tiêm ngừa là không lây nhiễm. Do vậy chúng ta vẫn phải cảnh giác cao khi chăn nuôi và sử dụng nguồn thịt.
Đối với người chăn nuôi phải thực hiện tốt vệ sinh chuồng trại, môi trường. Đối với người tiêu dùng chỉ ăn những thị gà vịt đảm bảo không bị bệnh. Nếu ăn gà thì gà phải ở trong bao bì, có nhãn mác, đủ vệ sinh an toàn thực phẩm; không ăn gà vịt không rõ nguồn gốc hoặc gà vịt bị chết. Thực hiện ăn chín, nấu chín.
Thu Thuy - Nữ - quận Tân Phu TPHCM
- Tại TPHCM, Viện Pasteur TPHCM và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đủ khả năng xét nghiệm phát hiện cúm A H5N1. Vậy Sở Y tế và Viện Pasteur TPHCM có công bố ngay kết quả dương tính cúm A cho đội y tế dự phòng cơ sở tại TPHCM hoặc các tỉnh chủ động triển khai ngay các biện pháp phòng chống hay phải đợi nhiều ngày chờ phát ngôn chính thức của Bộ Y tế ?
- Chúng ta phân biệt hai công việc khác nhau: Một là công bố các trường hợp bị nhiễm H5N1 và việc thực hiện các biện pháp phòng chống.
Việc công bố phải do Bộ Y tế công bố, có thể mất 1 tuần hoặc 10 ngày. Để xác định cho rõ, chính xác đôi khi còn phải gửi ra nước ngoài để kiểm chứng. Công việc này hoàn toàn khác với việc chống dịch. Chỉ cần có một yếu tố nghi ngờ là triển khai ngay các biện pháp phòng chống mà không chờ việc xét nghiệm hoặc công bố.
Đối với TPHCM, khi một người có chút nghi ngờ sau khi lấy bệnh phẩm hoặc lấy máu xét nghiệm thì điều trị ngay bằng Tamiflu, vì thuốc này chỉ có hiệu quả trong vòng 48 tiếng đầu.
Các công việc này sẽ diễn ra trước khi có kết quả xét nghiệm hoặc được công bố.
Minh Tâm - Nam - Quận 3 TPHCM
- Từ đầu năm 2005 đến nay, trên địa bàn TPHCM có bao nhiêu người mắc bệnh cúm gia cầm H5N1? Ông đánh giá tình hình cúm gia cầm hiện nay và thời gian tới như thế nào?

- Từ đầu năm đến nay, TPHCM có 1 trường hợp bị mắc bệnh cúm gia cầm H5N1. Hiện nay trên toàn thế giới đang báo động, dịch cúm xảy ra trên người hầu như không tránh khỏi, đặc biệt ở Việt Nam. Ở Việt Nam, virus H5N1 có mặt ở trên cả nước và tồn tại lâu dài, do cách chăn nuôi ở Việt Nam là nhỏ lẻ. Việc tiếp xúc giữa gà và vịt rất gần gũi và thường xuyên. Việc tiếp xúc thường xuyên giữa người và gia cầm tạo cơ hội tốt cho con vi trùng mới phát triển. Con vi trùng này sẽ gây bệnh cho người và làm người chết.
Mặt khác, ở VN vẫn tồn tại thường xuyên những con virus cúm thông thường khác gây bệnh cho người nhưng người không chết. Tuy nhiên, khi 2 loại virus này gắn kết với nhau sẽ tạo ra 1 con virus nguy hiểm hơn dễ lây truyền hơn làm cho con người mắc bệnh và tử vong. Như vậy dịch cúm sẽ xảy ra trong 1 tương lai gần. Việc chúng ta cần phải làm là phải khống chế không cho dịch cúm bùng phát lớn hơn bởi vì dịch cúm xảy ra do virus mới chứ không phải H5N1. Nhiệm vụ cụ thể là khống chế sự tiếp xúc giữa 2 con virus này.
So với dịch đợt trước, đợt dịch này chúng ta đã biết cách khống chế nó.
Trần Dũng - Nam - quận 7 TPHCM
- Ông có ý kiến gì khi người dân đang đổ xô đi tiêm ngừa bệnh cúm, kể cả nhiều đơn vị y tế làm công tác hành chánh? Hiệu quả của loại vaccine này đến đâu?
- Thứ nhất, vaccin ngừa cúm hiện nay là vaccine ngừa cúm tuýp A chứ không phải H5N1, càng không phải là vaccine ngừa cúm virus gây đại dịch trong tương lai (vì chúng ta vẫn chưa biết được con virus gây đại dịch này).

Việc tiêm ngừa vaccine như vậy chỉ ngừa các virus cúm thông thường trên người chứ không có khả năng chống virus H5N1. Nó chỉ có lợi cho những người thường xuyên tiếp xúc với gia cầm. Người chăn nuôi hoặc giết mổ gia cầm có khả năng bị nhiễm virus H5N1 rất cao và khi virus cúm gia cầm này vào trong người sẽ có điều kiện kết hợp với virus cúm trên người, tạo nên một loại virus mới.
Như vậy việc tiêm ngừa vaccine sẽ giúp người đó khống chế, kiểm soát loại virus cúm trên người và hạn chế không cho hai loại virus cúm gà và virus cúm ở người kết hợp với nhau để tạo ra loại virus mới.
Ngành y tế khuyến cáo những người trực tiếp nuôi, giết mổ gia cầm nên tiêm ngừa bệnh cúm. Còn các đối tượng khác là không cần thiết.
Nguyễn Chánh - Nam - quận 4 TPHCM
- Được biết, ngành y tế TPHCM thiết lập điểm tiếp nhận-cách ly-chẩn đoán-điều trị ca nghi nhiễm cúm A tại các cơ sở y tế, tránh đổ dồn bệnh về tuyến trên dễ lây lan bệnh và quá tải. Liệu các tuyến y tế cơ sở quận huyện có đủ sức đảm trách nhiệm vụ lớn như thế này? Tính mạng bệnh nhân có được đảm bảo?
- Việc người bệnh bị nhiễm cúm H5N1 được chữa trị tại đâu tùy thuộc tình hình của bệnh. Khi trên địa bàn TPHCM 1 năm chỉ có vài trường hợp có bệnh thì chuyển về chuyên khoa của TP để cách ly tốt. TPHCM có 4 cơ sở tiếp nhận bệnh: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, BV Phạm Ngọc Thạch, BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2. Trong tình huống đó các quận, huyện phải chuẩn bị sẵn khu vực cách ly, khi gặp ca nghi ngờ phải chuyển ngay vào phòng cách ly và tiếp tục điều trị ở đó.

Khi nhiều người bị nhiễm cúm thì sẽ được điều trị tại quận, huyện. Đối với tuyến cơ sở tính mạng bệnh nhân sẽ được Sở Y tế bảo đảm. Hiện nay các quận, huyện chưa đủ điều kiện vật chất nên Sở Y tế đang xây dựng, có kế hoạch huấn luyện đào tạo để đảm bảo chất lượng điều trị tốt nhất. TP còn lập các đội cơ động điều trị từ 4 bệnh viện sẵn sàng chạy về quận, huyện phối hợp với cơ sở để thực hiện điều trị. Vì vậy tính mạng người dân được đảm bảo. Khi bệnh nhân nghi ngờ có bệnh sẽ có thuốc đặc trị để tránh lây lan.
Thiện Huơng - Nữ - quận 3 TPHCM
- Hiện tại thành phố chỉ có đủ thuốc Tamiflu cho khoảng trên 1.000 người, trong khi 14 kg Tamiflu bột đến đầu năm 2006 mới về. Với thành phố gần 8 triệu dân, chưa tính bệnh nhân ở các tỉnh chuyển đến, liệu ngành y tế có đủ thuốc cho cùng lúc nhiều bệnh nhân trong vài tháng tới?
- Tôi khẳng định là đủ. Chúng ta đã có cơ sở khoa học để dự báo về việc này. Với những diễn biến của dịch trong năm qua và năm nay cho thấy cuối năm 2005 và đầu năm 2006 là chưa có khả năng để xuất hiện một con virus mới để gây nên dịch cúm ở người. Nếu có thì con virus đó cũng chưa đủ thời gian để thật sự quen thuộc với cơ thể con người. Trong thời gian đó loại virus này có khả năng lây nhiễm nhưng ở mức độ hạn chế nên số người bị nhiễm cúm từ virus H5N1 và con virus mới là không nhiều.
Số thuốc hiện nay đủ đảm bảo để điều trị từ nay đến cuối năm 2005. Sau đó sẽ bổ sung thêm 14 ngàn liều mới, như vậy chúng ta có 15 ngàn liều đủ để đối phó với cơn dịch có quy mô vừa.
Mặc khác TPHCM không chỉ đối phó với trận dịch một mình mà còn có sự hỗ trợ của Bộ Y tế và Chính phủ. Lúc đó Chính phủ sẽ mở kho dự trữ để đưa các thuốc về nơi có dịch. Ngoài ra các tổ chức y tế thế giới cũng sẽ có sự giúp đỡ, nên chúng ta hoàn toàn yên tâm.
Trần Khoa - Nam - quận 2 TPHCM
- Bộ Y tế chỉ đạo sở y tế các tỉnh thành kiểm tra, xử lý việc đầu cơ, nâng giá thuốc Tamiflu bán ra thị trường. Trên thực tế, một số nhà thuốc vẫn bán thuốc Tamiflu cho dân. Đến nay, ngành y tế thành phố đã làm đến đâu?

- Bộ Y tế có chỉ đạo phải kiểm tra xử lý việc đầu cơ nâng giá thuốc Tamiflu ra thị trường nhằm hạn chế việc kinh doanh trục lợi, từ đó khống chế việc bán Tamiflu không có chỉ định gây nên kháng thuốc. Chúng ta không thể cấm bán Tamiflu nếu bệnh nhân có đơn của bác sĩ có chỉ định sử dụng và sử dụng đúng. Biện pháp cơ bản nhất hiện nay là bên cạnh việc Sở Y tế tăng cường kiểm tra nhà thuốc, quan trọng nhất là giúp cho người dân hiểu rõ giá trị, lợi ích, bất lợi khi sử dụng Tamiflu để người dân quyết định được việc mua Tamiflu.
- TP chúng ta không thiếu Tamiflu.
- Khi người dân có yêu cầu do bác sĩ chỉ định cần điều trị, dự phòng thì TP đủ thuốc để cung cấp miễn phí cho người dân. Người dân không nên mua thuốc giá cao cất trong nhà.
Hiện nay Tamiflu đã được phân phối xuống tận huyện, khi cần sẽ phân phối xuống từng xã và trở thành 1 loại thuốc cấp cứu, khi cần sẽ đưa ra xử dụng ngay theo chỉ định.
Nguyễn Tâm - Nam - Thủ Đức TPHCM
- Ông nghĩ sao khi hiện nay vẫn còn nhiều người dân rất thờ ơ với bệnh cúm A, bởi họ còn vô tư giết mổ và ăn sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc?
- Theo tôi hiện nay việc nhận thức về nguy cơ đại dịch cúm giữa nhà nước và các nhà khoa học với người dân còn khoảng cách. Nhiều người dân đã nhận thức được và có biện pháp phòng chống. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người thờ ơ. Sự thờ ơ này sẽ là nguy cơ rất lớn để dịch cúm trên người xảy ra nhanh hơn và khi xảy ra thì hậu quả sẽ lớn hơn.
Ví dụ những người chăn nuôi gà vịt thờ ơ thì chính những người này sẽ bị nhiễm H5N1 và trên cơ thể họ sẽ xuất hiện con virus mới. Còn với người buôn bán gia cầm thờ ơ cũng sẽ tạo điều kiện cho virus từ gia cầm lây lang ra cộng đồng dân cư.
Chỉ khi nào mà mọi người dân đều quan tâm sẽ không còn hiện tượng một người ôm 1, 2 con gà để mua bán để khi có lực lượng công an hoặc thú y đến thì bỏ chạy. Khi không còn những người thờ ơ như trên thì việc phòng chống dịch của chúng ta mới đạt kết quả tốt hơn.
Lệ Thảo - Nữ - quận Tân Phú TPHCM
- Một bệnh nhân 43 tuổi ở Hải Phòng vừa tử vong do nhiễm cúm gia cầm H3N0. Có phải loại virus này vừa xuất hiện ở nước ta trong năm nay? So với H5N1 thì loại nào nguy hiểm hơn?
- Virus cúm có nhiều chủng loại khác nhau gây bệnh trên người cũng như trên gia cầm nhưng con virus nguy hiểm nhất hiện nay là H5N1.
Nguyễn Thu Huờng - Nữ - Quận Bình Chánh TPHCM
- Được biết virus H5N1 rất nguy hiểm, thời gian gây tử vong tính bằng giờ. Vậy người dân như chúng tôi làm thế nào để phân biệt triệu chứng sốt, ho của cúm A so với những bệnh viêm nhiễm thông thường?

- Trước tiên, triệu chứng giống nhau là sốt, bệnh cúm thông thường: ho, sổ mũi, nhức mỏi nên chúng ta không phân biệt được. Chúng ta có thể phân biệt qua yếu tố dịch tễ: Người bị sốt trước đó có tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hay không? Có giết mổ, ăn gia cầm - sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là gia cầm bị bệnh. Người bình thường không hề có hành vi liên quan mà bị sốt ta nghĩ là cảm cúm thường nên đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán.
Ngoc Dung - Nữ - Quận Tân Phú TPHCM
- Cúm A H5N1 đã xảy ra trong thời gian khá dài, ngành y tế đã tính đến việc chủng H5N1 kết hợp với một loại khác hoặc qua trung gian của một con vật nào đó để tạo thành chủng mới nguy hiểm hơn?
- Như đã trả lời, mối quan tâm hàng đầu của chúng ta hiện nay là việc này và chúng ta quan tâm bằng hai hành động. Một là theo dõi xem chừng nào việc này xảy ra và khi xảy ra thì chúng ta có điều kiện biết sớm để phòng chống. Hai là ngăn ngừa cho nó đừng xảy ra.
TP đang có kế hoạch theo dõi và đang thực hiện công việc này. Trong những trường hợp bị nhiễm H5N1 thì sẽ được phân lập để xem cấu trúc gien thay đổi như thế nào. Các đối tượng được đặc biệt theo dõi là:
- Những người thường xuyên tiếp xúc với gia cầm
- Loài heo vì loại gia súc này có cấu trúc gien rất gần với người.
Hiện nay Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Viện Pasteur có đủ điều kiện để giám sát theo dõi và phát hiện loại virus hoặc tổ hợp virus mới.
Kim Phuong - Nữ - Quận 5 TPHCM
- Máy giúp thở rất quan trọng đối với một bệnh nghi nhiễm và nhiễm cúm. Hiện tại, nhiều bệnh viện của thành phố đang thiếu máy giúp thở, khoảng 1.000 máy của Chính phủ hỗ trợ cho các tỉnh thì chưa biết khi nào có. Trong thời gian ngắn sắp tới, nếu như cùng lúc có nhiều người bệnh cần máy, ngành xoay sở ra sao?
- Hiện nay, 4 bệnh viện của TPHCM đều đã trang bị khá đầy đủ phương tiện điều trị kể cả máy giúp thở. Đủ sức điều trị hàng trăm bệnh nhân, trong đó có hàng chục bệnh nhân cần máy giúp thở. Khi dịch càng lớn thì chúng ta cần nhiều máy giúp thở hơn. Hiện nay TP có kế hoạch trang bị thêm máy. Nhưng quan điểm của TP là không chờ đợi bởi vì khi bệnh nhân xài máy thì có nguy cơ tử vong cao. Nhiệm vụ của chúng ta là phát hiện sớm, điều trị sớm chăm sóc theo dõi sớm để bệnh nhân không cần phải dùng máy giúp thở.
Đỗ Hồng Loan - Nữ - Quận 8 TPHCM
- Tại TPHCM đã có tình trạng nhiều người trong khu phố vì lo sợ bị lây bệnh nên tự cách ly, không lui tới nhà và tiếp xúc với cả gia đình có người bị nhiễm cúm A H5N1. Theo ông như thế có nên không?
- cho đến nay, H5N1 chưa trực tiếp lây từ người qua người cho nên việc tiếp xúc giữa người bị bệnh chưa phải là bị nguy cơ lây nhiễm lớn, nhưng khi nào nó sẽ lây từ người qua người thì chúng ta vẫn chưa biết. Cho nên biện pháp tốt nhất là hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, điều này là rất cần thiết và đáng khuyến khích.

Khi dịch đến giai đoạn lây từ người qua người thì việc hạn chế tiếp xúc này trở nên là biện pháp cưỡng chế hành chánh cộng với sự tự nguyện của người dân.
Cụ thể hơn là người bệnh cho dù mới nghi ngờ phải được cách ly để điều trị. Những người chưa bị bệnh nhưng đã tiếp xúc với người bệnh vẫn phải được cách ly. Đây là biện pháp cực kỳ quan trọng trong việc khống chế dịch. Tuy nhiên việc thực hiện biện pháp này không phải đơn giản.
Cách ly người chưa bệnh để không lây cho người khác gọi là cách ly kiểm dịch là biện pháp cưỡng chế hành chánh được thực hiện trên nền tảng có ý thức hiểu biết và phải tự giác chấp hành của người dân.
TPHCM dự kiến thành lập những điểm cách ly, trong đó có những điểm cách ly tập trung. Các quận, huyện đều phải chuẩn bị điểm cách ly, thậm chí ở phường xã cũng phải có kế hoạch để lập cơ sở cách ly. Đây là biện pháp hiệu quả và rẻ tiền nhất để ngăn chặn dịch.
Thanh Xuân - Nam - Quận 10 TPHCM
- Vừa qua, một số bệnh nhân đã tử vong do nhiễm cúm A H5N1 đều có ăn thịt gia cầm. Vậy thịt gia cầm được nấu chín ở nhiệt độ cao cũng không tiêu diệt được virus H5N1?
- Cơ chế lây bệnh cúm H5N1 hiện nay chưa được xác định rõ ràng. Nhưng chúng ta biết chắc rằng người bị bệnh có tiếp xúc với gia cầm kể cả gia cầm được nấu chín. Vì vậy, nếu có ăn gia cầm thì phải đảm bảo không có H5N1. Nghĩa là phải mua ở nơi được xác định có kiểm duyệt.
Đầu tuần tới, Sở Y tế TPHCM sẽ công bố những cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để tham gia chuỗi thực phẩm gia cầm của TPHCM giúp người dân đến chọn mua được đảm bảo an toàn cao.
Nguyễn Văn Lâm - Nam - huyện Bình Chánh TPHCM
- Nhà tôi có hố chôn hủy gia cầm từ hơn một năm trước. Gia đình tôi vẫn lo sợ virus phát tán (do hố chôn không sâu) trong không khí và nguồn nước gây bệnh cho người. Như thế có đúng không?
- Điều này tùy lúc chúng ta chôn gia cầm có đúng với điều kiện tiêu chuẩn quy định, như khi chôn không để thấm nước, cần rắc đủ vôi bột và thuốc sát trùng.
Con virus khi còn nằm trong tế bào sống thì còn khả năng lây nhiễm. Vì vậy lo lắng trên là có cơ sở. Cách tốt nhất là phải phòng thủ bằng cách giữ vệ sinh môi trường đó, vệ sinh thân thể trước khi ăn. Nên làm điều này để thay thế cho nỗi lo.
Nguyen Xuan Hung - Nam 45 tuổi - Danang
- Thưa Tiến sĩ Lê Trường Giang, tại sao để phòng chống dịch cúm H5N1 thật hiệu quả, chúng ta không cho tiêu hủy toàn bộ gia cầm hiện có của cả nước?
- Tất nhiên, nếu chúng ta tiêu hủy toàn bộ gia cầm trên cả nước, ngay lập tức chúng ta sẽ giảm được nguy cơ lây nhiễm qua người, nhưng thực tế không đơn giản. Vì tiêu hủy đồng loạt thì người dân sẽ tổn thất lớn. Tiêu hủy bằng cách nào? Đào hố chôn con virus vẫn còn vì nó phát tán theo nguồn nước. Nếu đốt thì không đủ chi phí (đốt 1 con gà tốn 5.000 đồng).

Năm 1997, cúm H5N1 xảy ra đầu tiên ở Hồng Công, họ đốt và làm sạch toàn bộ, nhưng khi nuôi lại vẫn xảy ra cúm trên gà do mầm mống từ chim cư trú nội địa. Con người bất lực. TPHCM chúng ta không có chủ trương tiêu diệt toàn bộ, chỉ tiêu hủy những nơi có dịch. TPHCM dân cư quá đông, nên phải đẩy cúm ra ngoại thành đảm bảo nội thành không có H5N1. Trong 2 năm qua, chúng ta đã làm triệt để và thành công, số bị nhiễm virus H5N1 rất ít.
namha - Nam -
- Chúng tôi thấy nhân viên y tế chỉ kiểm tra bằnng mắt thường khi kiểm dịch và thường chỉ kiểm tra đại diện, sau đó dán giấy kiểm dịch vào lồng nhốt gia cầm. Việc làm này vừa không khoa học mà chỉ tốn tiền dân. Chả lẽ không có cách làm nào triệt để hơn và khoa học hơn hay sao bác sĩ?
- Không có một biện pháp nào mà tự nó hoàn hảo, vì vậy nên việc nhân viên thú y chỉ kiểm tra bằng mắt thường hàng hóa trên con đường vận chuyển hoặc kiểm tra tại cơ sở chăn nuôi mua bán gia cầm chỉ có ý nghĩa một phần, không có giá trị tuyệt đối. Ngành thú y còn có biện pháp khác để phòng ngừa như phòng ngừa ở trại chăn nuôi tập trung. Tất cả các lứa gà, vịt khi nhập và xuất chuồng đều được xét nghiệm virus H5N1.
Những biện pháp trên cũng chưa an toàn tuyệt đối. Bên cạnh đó ngành y tế kết hợp ngành thú y và thương mại tạo thành một chuỗi phân phối cung cấp thịt gia cầm với sự kiểm soát chặt chẽ, khắt khe. Nguồn thịt chỉ được cung cấp từ một trại chăn nuôi đã được đăng ký và được xác định của ngành y tế. Cuối cùng biện pháp phòng ngừa an toàn từ người tiêu dùng là ăn chín, nấu sôi.
Lê Trung Nguyên - Nam - Q. 11
- Hiện nay, công cụ bảo hộ cho nhân viên y tế, thú y vào vùng dịch chỉ có khẩu trang, găng tay sơ sài, liệu có đủ ngăn chặn sự xâm nhập của virus cúm gia cầm?
- Tùy theo mức độ nguy cơ mà phương tiện trang bị bảo hộ lao động sẽ được tương xứng. Trong trường hợp bình thường, người chăn nuôi tiếp xúc gia cầm thường xuyên có khẩu trang, quần áo bảo hộ là đủ. Nếu trường hợp xảy ra dịch trên gia cầm thì những người chăn nuôi và nhân viên y tế đi vào nơi này phải được trang bị tốt hơn như mặc quần áo giấy, bịt kín, môi trường nơi đó cũng phải được phun thuốc khử trùng. Khi ra khỏi nơi này họ cũng phải được phun thuốc khử trùng và huỷ bỏ quần áo bảo hộ.
Còn cán bộ y tế chăm sóc cho bệnh nhân được trang bị kỹ hơn.
Huỳnh Công - Nam - quận 9 TPHCM
- Theo chúng tôi, ngành y tế nên công khai nhiều số điện thoại đường dây nóng, khi có triệu trứng bất thường hay thắc mắc liên quan đến bệnh cúm gia cầm, người dân sẽ hỏi.
- Người dân có những thắc mắc gì thì giao tiếp với ngành y tế qua:
- Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe (59 Nguyễn Thị Minh Khai, Q1)
- Giao tiếp trên mạng qua trang website: www.medinet.hochiminhcity.gov.vn
Khi có trường hợp bệnh xảy ra trên địa bàn TPHCM thì ngành y tế sẽ công bố ngay đường dây điện thoại nóng.
Duong Minh Tuan - Nam 33 tuổi - Quan toan- Hai phong
- Tôi xin hỏi: Gia đình tôi ở nội thành, nếu có dịch cúm gà trong nhà, cần phải chuẩn bị những gì ? Dùng loại thuốc gì để khử trùng quanh nhà ở?
- Nếu như trong gia đình bất cứ người nào bị nhiễm bệnh thì báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất, cơ quan y tế sẽ giúp cho bạn khử trùng trong nhà, quanh nhà hoàn toàn miễn phí. Sẽ hướng dẫn cụ thể cho gia đình nên làm điều gì ngoài những điều hướng dẫn chung.
Lê Ngọc Thành - Nam 45 tuổi - Tiên Cát, Việt Trì, Phú Thọ
- Đuợc biết virus cúm gia cầm chỉ lây nhiểm với những ai tiếp xúc với gia cầm. Tuy nhiên với môi truờng xung quanh khu vực dân cư sinh sống liệu có nguy cơ lây nhiểm không? Cụ thể gia đình chúng tôi ở ven ao hồ nơi có các loại xác, lông của gia cầm (không rõ nguồn gốc) bị giết thịt vứt xuống. Vậy xin hỏi chúng tôi nên làm gì để góp phần phòng chống không bị lây nhiễm?
- Chúng ta có thể nhiễm bệnh không phải do nuôi, mà khi ăn hoặc sống trong môi trường có bệnh. Chúng ta luôn luôn phải có ý thức bảo vệ mình, ví dụ: nước sinh hoạt sử dụng từ sông thì phải khử trùng. Khi uống nước bắt buộc phải nấu sôi.
Đức Cuờng - Nam - Quận 12 TPHCM
- Trong khu cách ly điều trị bệnh cúm A, cùng lúc có nhiều bệnh nhân, trong khi nhân viên y tế lại thiếu. Ông đã tính đến việc bảo vệ sức khỏe cho thân nhân vào nuôi bệnh-chăm sóc-lo ăn uống hàng ngày?
- Trong điều kiện hiện nay số ca bệnh xảy ra rất ít cho đến khi xảy ra ở thành phố này vài chục trường hợp mắc bệnh thì lực lượng y tế vẫn đủ để lo cho người bệnh. Vì vậy không cần thiết để cho người nhà vào thay cho cán bộ y tế để chăm sóc. Vì việc phòng thủ bảo vệ cho người đi chăm sóc phải được huấn luyện. Nguyên tắc của việc phòng bệnh lây lan là càng ít người tiếp xúc với người bệnh càng tốt.
Tuy nhiên nếu đại dịch xảy ra, số lượng bệnh rất lớn thì có khả năng ngành y tế cũng phải nhờ người dân, người tình nguyện hoặc thân nhân có kiến thức hoặc điều kiện giúp ngành y tế để chăm sóc cho bệnh nhân. Những người này vẫn phải được huấn luyện trước đó.
Mai Thảo - Nữ - quận Phú Phuận
- Thưa ông, cúm gia cầm có nguy hiểm như SARS không? Công tác kiểm dịch khách đến từ những quốc gia đang có báo động về cúm gia cầm như thế nào?

- Hai loại bệnh này đều rất nguy hiểm nhưng hiện nay tính chất của nó có khác nhau. Con Virus SARS lây trực tiếp từ người qua người rất dễ dàng trong khi H5N1 chưa lây từ người qua người. Xét về sự lây truyền thì SARS nguy hiểm hơn cúm gia cầm nhưng virus SARS hiện nay ở Việt Nam không còn. Chúng ta chỉ tập trung phòng ngừa ngăn chặn virus SARS mang từ nước ngoài vào.
Trong khi đó virus H5N1 thì nơi nào cũng có ở Việt Nam. Theo thống kê tỷ lệ bệnh nhân chết của H5N1 thì chết nhiều hơn của SARS. Nói chung hai bệnh này đều rất nguy hiểm. Tại các cửa khẩu đều có máy đo thân nhiệt để phát hiện và cách ly kịp thời những người có triệu chứng nghi ngờ SARS lẫn cúm gia cầm đến từ các nước.
SGGP Online đã nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc. Tuy nhiên, trong thời gian có hạn, Bác sĩ Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM không thể giải đáp hết những thắc mắc của các bạn. Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển những câu hỏi của bạn đọc đến cơ quan chức năng và có thông tin về xung quanh phòng chống dịch cúm gia cầm trên SGGP Online và trên Báo SGGP trong thời gian ngắn nhất.
Xin chào và hẹn gặp lại