Nỗ lực từ nhiều phía

Vừa qua, Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm kiềm chế lạm  phát, ổn định giá cả để tăng trưởng kinh tế đúng kế hoạch  bằng cách ra một nghị quyết và hàng loạt nhóm giải pháp. Tuy nhiên, thực tế của sản xuất và diễn biến thị trường có nhiều khuynh hướng rất khác nhau.

Nhiều doanh nghiệp (DN) đã hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, thực hiện tiết kiệm, giảm chi phí, tăng năng suất và hiệu quả để giảm giá thành, góp phần chung vào bình ổn giá trên bình diện khu vực và cả nước. Nhiều nhà phân phối lớn ở TPHCM – chiếm tỷ trọng lớn lưu thông hàng hóa bán buôn và bán lẻ - cũng đã cố gắng giảm lợi nhuận để không tăng giá bán… Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận và biểu dương vì họ còn “gồng mình” giúp xã hội ổn định – cũng là một trong những mục tiêu mà Chính phủ mong muốn.

Tuy nhiên, các DN cũng đang đứng trước thách thức không nhỏ. Chi phí nhiên liệu, nguyên liệu, lãi suất vay vốn tăng lên – ngoài mong muốn của DN (cả DN sản xuất và lưu thông phân phối) – làm cho chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm đội lên và đương nhiên giá bán cũng tăng lên, manh nha phá vỡ sự bình ổn mà Chính phủ yêu cầu.

Ở đây không đề cập đến những DN “té nước theo mưa” hoặc đầu cơ trục lợi, bởi những DN này cần phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật, mà chúng tôi muốn đề cập những DN bị đội giá một cách bất khả kháng. Liệu họ có thể “gồng” mãi để bị lỗ lã, phá sản? Và liệu nhà nước có “nghiêm trị” những DN cố tình nâng giá? Chắc chắn là không, bởi họ cũng là nạn nhân, cũng bị chi phối trực tiếp của những yếu tố khách quan, nhất là của hệ thống các quy luật kinh tế thị trường như quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật lưu thông tiền tệ... Các DN này đang xoay xở để thoát ra, nhưng càng vẫy vùng càng sa lầy và rơi vào vòng luẩn quẩn. Khó thay.

Chính lúc này cần đến sự tác động hỗ trợ, nỗ lực từ nhiều phía. Trước hết, nhà nước - bằng các công cụ và chính sách của mình – khơi thông nguồn vốn cho DN, “giải khát” cho sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, các “nhà băng” hãy giảm bớt “lòng ham muốn lợi nhuận” xuống mức vừa phải để hai bên cùng có lợi, tiến đến một lãi suất ổn định tương đối, lâu bền.

Dĩ nhiên, chính các DN vẫn phải tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”, điều chỉnh cơ cấu sản xuất và phân phối, giảm tối đa chi phí để chung sống hòa bình với “bão giá”.

Và cuối cùng, xã hội cũng phải chấp nhận một sự điều chỉnh tương đối mặt bằng giá để sản xuất có thể phát triển trong điều kiện rất khó khăn và nhạy cảm này.

PHAN LỘC

Tin cùng chuyên mục