Nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu

Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chủ trương, chiến lược, chính sách nhằm ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã chủ động và tích cực tham gia các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Thời gian qua, các bộ ngành trung ương cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này nhằm giảm thiểu tác hại của BĐKH ở Việt Nam nói riêng và chung tay ứng phó BĐKH toàn cầu nói chung.
Nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu

Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chủ trương, chiến lược, chính sách nhằm ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã chủ động và tích cực tham gia các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Thời gian qua, các bộ ngành trung ương cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này nhằm giảm thiểu tác hại của BĐKH ở Việt Nam nói riêng và chung tay ứng phó BĐKH toàn cầu nói chung.

Nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu ảnh 1

Quản lý bền vững tài nguyên rừng nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Trong ảnh: Một cánh rừng tự nhiên tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: HUY ANH

Tiên phong giảm phát thải nhà kính

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt danh mục chương trình hợp tác của Liên hiệp quốc về “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng carbon rừng tại Việt Nam (UN-REDD) - giai đoạn 2”. Theo đó, chương trình này sẽ hỗ trợ ngành lâm nghiệp góp phần đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tới năm 2020 trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, thực hiện thành công các chiến lược, chính sách quốc gia về BĐKH, lâm nghiệp, tăng trưởng xanh và hướng tới phát triển bền vững. Để thực hiện chương trình, Bộ NN-PTNT và Liên hiệp quốc cũng đã thực hiện ký chính thức văn kiện đánh dấu sự khởi đầu giai đoạn 2 của Chương trình UN-REDD, triển khai rộng rãi các hoạt động nhằm giảm chặt phá rừng, nâng cao chất lượng rừng và tăng diện tích bao phủ rừng ở Việt Nam. UN-REDD là chương trình hợp tác Liên hiệp quốc về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) ở các nước đang phát triển. Một lần nữa đi đầu trong các nỗ lực toàn cầu chống BĐKH, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong 47 nước đối tác UN-REDD chuyển sang giai đoạn 2 với khoản tài trợ không hoàn lại khoảng 30 triệu USD (tương đương 600 tỷ đồng) cho công tác quản lý rừng và sử dụng đất đai nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Chương trình UN-REDD được Chính phủ Na Uy tài trợ sẽ trở thành trụ cột chính trong kế hoạch giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính từ ngành NN-PTNT của Việt Nam vào năm 2020. Mục tiêu của chương trình là tăng diện tích bao phủ rừng ở Việt Nam lên 45% vào năm 2020 thông qua xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm giải quyết các nguyên nhân của việc chặt phá rừng và suy thoái rừng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, trong 4 năm qua, Việt Nam là nước đi tiên phong trong hoạt động giảm phát thải khí nhà kính thông qua cải thiện quản lý rừng và sử dụng đất của Chương trình REDD+ toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam đã thí điểm thành công xây dựng khuôn khổ cho công tác đo lường, báo cáo, kiểm chứng cũng như thử nghiệm các cách tiếp cận nhằm cung cấp đầy đủ thông tin và đạt được sự đồng thuận của các nhóm dân tộc ít người và các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng. Giai đoạn 2 sẽ phát huy kết quả từ giai đoạn 1 trong công tác sẵn sàng thực hiện REDD+ và bắt đầu thực hiện kế hoạch hành động quốc gia REDD+ ở 6 tỉnh: Lào Cai, Bắc Cạn, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Lâm Đồng và Cà Mau. Tiếp đó, trong 3 năm tới, chương trình sẽ giúp xác định, thương lượng, lên kế hoạch và thực hiện những phương thức sử dụng đất bền vững, phù hợp với khí hậu và nhu cầu địa phương. Theo đại diện Liên hiệp quốc tại Việt Nam, thông qua sáng kiến thống nhất hành động, Liên hiệp quốc sẽ giúp tối ưu hóa tác động của những nỗ lực giảm thiểu tác hại của BĐKH ở Việt Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hành động

Tại hội nghị quán triệt Nghị quyết 24 về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” vừa qua, các đại biểu nhất trí xác định nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đẩy mạnh các giải pháp về xây dựng năng lực, kỹ năng phòng tránh thiên tai và thích ứng với BĐKH cho mọi người dân, DN và toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2020, về cơ bản chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính. Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cho biết sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH, trong đó có thỏa thuận đối tác chiến lược Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với BĐKH. Theo Bộ TN-MT, 6 tháng cuối năm, Bộ TN-MT tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 về chủ động ứng phó với BĐKH; tổ chức các hội đồng tuyển chọn các đề tài mở mới năm 2014 thuộc chương trình khoa học và công nghệ quốc gia về BĐKH; tiếp tục thực hiện thỏa thuận đối tác chiến lược Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với BĐKH; thực hiện đánh giá tác động của BĐKH và nước biển dâng đối với tài nguyên nước trên lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm thích ứng với những hậu quả do tác động của BĐKH gây ra đối với tài nguyên nước.

HÀ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục