Những mảnh đời kém may mắn
Ngoại hình cao lớn với giọng nói rắn rỏi, Nguyễn Ngọc Thiên Ân, học sinh lớp 10A5, Trường THPT Nguyễn Văn Tăng (TP Thủ Đức) gây ấn tượng với người đối diện bằng sự điềm tĩnh, chững chạc hơn tuổi 16 của mình.
Chia sẻ với PV Báo SGGP, Thiên Ân cho biết đây không phải lần đầu tiên em được nhận học bổng, nhưng là lần đầu tiên bà ngoại đi cùng em đến một buổi lễ trao học bổng. Khi Thiên Ân mới 2 tuổi, người mẹ đơn thân của em cũng ra đi vĩnh viễn. Từ đó, Ân được bà ngoại nuôi dưỡng, đùm bọc. Đến tuổi Ân đi học, mọi gánh nặng chất chồng lên vai người bà đã gần 70 tuổi. Ngoài khoản trợ cấp hơn 1,4 triệu đồng/tháng địa phương hỗ trợ cho trẻ mồ côi, hai bà cháu sống nhờ vào thu nhập có được từ công việc giặt đồ thuê cho người dân trong xóm. Thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng vào năm 2021, nguồn sống của hai bà cháu là nhu yếu phẩm trợ cấp từ địa phương. Bà Lê Thị Bạch Tuyết (bà ngoại của Thiên Ân) tâm sự, nguồn động viên duy nhất đối với bà lúc này là sự khỏe mạnh và chăm chỉ học hành của đứa cháu nhỏ.
Với Nguyễn Thành Nam, học sinh lớp 9A14, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Thủ Đức), chính nghị lực của bản thân và sự yêu thương của cả gia đình đã giúp em vượt qua những ngày tháng rất khó khăn. Sức khỏe Nam yếu do mắc bệnh bại não bẩm sinh, liệt tứ chi, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ người thân trợ giúp; nhưng khi dịch Covid-19 lan đến gia đình, em đã mạnh mẽ động viên mẹ và ông bà đang mắc Covid-19 bằng câu nói: “Cả nhà cố lên, con sẽ là trụ cột cho mọi người”. Từ trên giường bệnh, chị Nguyễn Thị Kiều (mẹ của Thành Nam) dù phải thở oxy vẫn cố gắng hết sức để không gục ngã vì không thể bỏ lại đứa con hiếu thảo của mình. Năm học 2021-2022 kết thúc, danh hiệu học sinh giỏi của Nam chính là phần thưởng vô giá đối với người mẹ đơn thân, tảo tần nuôi con ăn học.
Chia sẻ về dự định nghề nghiệp trong tương lai, Thành Nam cho biết, do cả hai tay bị yếu, chữ viết nguệch ngoạc, mọi di chuyển đều trên xe lăn nên em vượt qua nghịch cảnh bằng cách tự mày mò học nghề sửa chữa máy tính trên mạng. Ý thức được hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông bà ngoại già yếu, bệnh tật, mọi chi phí trông cậy vào lương công nhân may của mẹ nên em luôn nỗ lực học hành, mong sớm có việc làm thêm để đỡ gánh nặng cho mẹ.
May mắn hơn, Nguyễn Ngọc Bảo Thy, học sinh lớp 8, Trường THCS Linh Trung (TP Thủ Đức) có đầy đủ cha mẹ, tuy nhiên hoàn cảnh gia đình khó khăn do cha làm nghề sửa xe, mẹ giúp việc nhà nên em luôn ý thức phải nỗ lực vươn lên trong học tập. Ông Nguyễn Thành Hưng (cha của Bảo Thy) kể, với nghị lực vượt khó, Thy giữ vững danh hiệu học sinh xuất sắc trong suốt 8 năm học. Người cha với tấm áo lam lũ, chân đi dép tổ ong, bàn tay gân guốc, lấm lem vết dầu nhớt tự hào khoe với chúng tôi giấy khen của con gái. “Thời điểm khó khăn nhất đã qua, thu nhập của gia đình giờ cũng đỡ hơn. Các con có thêm điều kiện học hành…”, ông Hưng nói.
Cần sự chung tay của xã hội
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết, năm học vừa qua, dù rất khó khăn nhưng các em đã nỗ lực vươn lên trong học tập, hoàn thành năm học với kết quả tốt. Ngoài học bổng “Cùng em vượt khó đến trường” do Đảng ủy khối cơ sở, Bộ VH-TT-DL phối hợp Sở GD-ĐT TPHCM hỗ trợ 150 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, sở còn phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức trao tặng các suất học bổng - gồm chi phí học tập, trang thiết bị cá nhân (máy tính bảng, dụng cụ học tập) - cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngoài ra, hiện nay ở các trường phổ thông, quỹ khuyến học từ nguồn đóng góp của các mạnh thường quân hàng năm luôn dành sự quan tâm, trao tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Đó là sự chung tay của các cá nhân, tổ chức trong xã hội tiếp sức để các em vươn lên.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của đại diện các trường học, song song với việc hỗ trợ về vật chất, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cần được hỗ trợ nhiều hơn về tinh thần để tiếp tục vươn lên trong học tập. Hiện nay, ngoài sự đồng hành của giáo viên chủ nhiệm, nhân viên tư vấn tâm lý trong trường học, ngành giáo dục cần tổ chức thêm nhiều sân chơi ngoại khóa, câu lạc bộ kỹ năng sống dành cho các học sinh này để bù đắp thiếu hụt về tinh thần, giúp các em hòa nhập với các bạn đồng trang lứa.