Trải mình len lỏi qua nhiều địa bàn khu dân cư, dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé đã trở thành nét đặc trưng của TPHCM, một thành phố công nghiệp năng động nhưng rất đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ. Những dòng kênh này còn có vai trò rất quan trọng trong việc tô điểm cảnh quan thành phố thêm xanh, sạch và thân thiện với môi trường.
Hồi sinh dòng kênh đen
Trở lại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong những ngày tháng 5 nóng bức oi ả, đoàn công tác chúng tôi mới thấu hiểu hết vai trò hết sức quan trọng của dòng kênh trong việc điều tiết khí hậu cho khu dân cư sống dọc hai bên bờ kênh. Bất chấp cái nóng như thiêu đốt, nhất là trong bối cảnh khô hạn đang diễn ra trên diện rộng cả nước, thì tại khu vực dọc bờ kênh vẫn luôn duy trì những làn hơi nước mát lạnh. Nhìn sâu vào dòng nước trong xanh đang chảy hiền hòa từ khu vực quận Tân Bình dọc sang các quận Phú Nhuận, quận 3, Bình Thạnh và hòa vào dòng nước cảng Sài Gòn quận 1, chúng tôi khó có thể hình dung trước đây, dòng kênh này đã từng là biểu tượng cho cái giá môi trường mà TPHCM phải trả khi phát triển kinh tế và đô thị hóa nhưng thiếu quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, cho biết trở về thời điểm trước năm 2003, nước kênh luôn đặc quánh màu đen. Lẫn vào đó là hàng trăm ngàn tấn rác từ khu vực dân cư sống dọc hai bên bờ kênh thải bỏ trực tiếp vào. Tàu thuyền luôn từ chối qua lại hệ thống kênh này vì để tránh những rủi ro đáng tiếc luôn xảy ra. Còn những người dân khi lưu thông dọc hai bên bờ kênh phải bịt mũi, chạy nhanh để thoát khỏi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên.
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm sau khi chỉnh trang. Ảnh: CAO THĂNG
Xa hơn về phía khu vực quận 1, nơi dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hòa vào cảng Sài Gòn và nối liền với kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Trong quá khứ, dòng kênh này được xem là khu vực lý tưởng để tiếp nhận những dòng nước thải ô nhiễm của hàng ngàn nhà máy sản xuất xen cài trong khu dân cư. Thế nhưng, diện mạo hiện tại của dòng kênh này đã được thay da đổi thịt. Bờ kè dọc tuyến kênh trải dài từ khu vực quận 1 đến quận 8 đã được xây dựng. Kế đó, hai bên bờ kênh cũng đã được phủ xanh bằng những hàng cây rợp bóng mát. Trong 3 năm trở lại đây, dọc hai bên bờ kênh đã trở thành những khu vườn, công viên xanh, là địa điểm lý tưởng nghỉ ngơi, dã ngoại của người dân trên địa bàn thành phố. Ông Phan Học Hải, đội trưởng đội công nhân vệ sinh phụ trách vớt rác hai tuyến kênh trên, cho biết chất lượng môi trường nguồn nước đã được cải thiện đến hơn 80% so với trước khi triển khai dự án cải thiện chất lượng nguồn nước kênh. Lượng rác thải trung bình vớt tại mỗi tuyến kênh chỉ còn khoảng từ 5.000 - 7.000 tấn/ngày. Lượng rác này phát sinh chủ yếu từ những hệ thống nhánh nối tiếp vào hai tuyến kênh. Đặc biệt, nguồn nước được cải thiện đã tạo điều kiện cho số lượng cá sinh sôi phát triển, tập trung nhiều hơn ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Thêm hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho màu xanh thành phố
Điều đáng nói, để có thể cải thiện kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TPHCM đã phải đầu tư khoản kinh phí khổng lồ cho các hạng mục công trình liên quan. Đơn cử, với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, từ năm 1993-2000, thành phố đã phải chi 200 triệu USD từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới để đầu tư xây dựng bờ bao và đền bù giải tỏa 6.200 hộ dân, nạo vét khoảng 260.000m3 bùn đất. Tương tự, với kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và một phần kênh Đôi - kênh Tẻ, thành phố đã chi hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng với công suất 141.000m3/ngày - đêm, thực hiện nạo vét bùn đất, xây dựng tuyến cống thu gom nước thải ở các hộ dân quận 1 và quận 5.
Tuy nhiên, nhìn để có thể chuyển hóa bền vững dòng kênh đen thành xanh, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, cần ít nhất 20 năm cho công cuộc hồi sinh trên. Thực tế đúng như thế, cuối năm 2015, UBND TP đã quyết định tiếp tục triển khai thực hiện những hạng mục liên quan cần thiết để ngăn ngừa tình trạng tái ô nhiễm tại những dòng kênh trên. Theo đó, với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thành phố đầu tư thêm 450 triệu USD để thực hiện các hạng mục như xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 480.000m3/ngày - đêm; hoàn thiện hệ thống cống thu gom nước thải đảm bảo toàn bộ nước thải sinh hoạt của khu dân cư dọc hai bên tuyến kênh và một phần lượng nước thải ở các phường Thảo Điền, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây (quận 2) đưa về nhà máy xử lý nước thải.
Riêng với kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và kênh Đôi - kênh Tẻ, mức tổng kinh phí đầu tư ước khoảng 11.282 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, cống thu gom nước thải… trên địa bàn các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh. Ngoài ra, để xử lý triệt để nước thải sinh hoạt không còn đổ ra kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, thành phố sẽ đầu tư nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng lên 470.000m3/ngày. Một tuyến kênh khác cũng đã được thành phố đưa vào diện phải cải tạo từ nay đến năm 2020 là kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Đây là một trong những kênh ô nhiễm nặng nhất ở phía Tây thành phố với khoảng 1 triệu dân chịu ảnh hưởng trực tiếp. Đặc biệt, từ khu vực cầu Lò Gốm thuộc quận 6 lên hướng thượng nguồn về phía quận Tân Phú, Tân Bình, nước đen bốc mùi hôi thối và dòng kênh bị nhỏ lại do tình trạng lấn chiếm tràn lan của nhà dân.
Có thể thấy, sau nhiều năm tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế nhưng chưa có sự quan tâm đầy đủ và đúng mức cho môi trường đã khiến chất lượng môi trường thành phố suy giảm nghiêm trọng. Cái giá phải trả cho môi trường cũng được xem là khá đắt khi chi phí cải tạo môi trường đang tiêu tốn của thành phố hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, với những nỗ lực mà thành phố đã và đang làm nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, đưa chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường thành một trong 7 chương trình trọng tâm, cũng đủ cho thấy sự quyết tâm hồi sinh môi trường xanh của thành phố. Và cho dù hành động này bị đánh giá là khá muộn, nhưng muộn vẫn còn hơn không.
ÁI VÂN