Noel ở Mỹ

Noel ở Mỹ

1. Cuối năm, nghe nói tôi sang Mỹ đón Giáng sinh và năm mới, bạn bè ai cũng xuýt xoa: Chậc, ăn Noel và Tết Tây ở Mỹ, “hoành tráng” quá!

Bạn bè bảo “hoành tráng” là phải rồi! Việt Nam là nước nghèo, lại không phải là quốc gia Thiên Chúa giáo hay Tin lành mà đón Noel rầm rộ như thế (khu vực trung tâm Sài Gòn mùa nào cũng chen chân không lọt), huống gì một nước giàu có bậc nhất thế giới và số người theo đạo Kitô chiếm khoảng 80% dân số như nước Mỹ! Nghe nói học trò của Mỹ nghỉ lễ một lèo từ Giáng sinh đến hết Tết Tây, đủ thấy đây là dịp lễ lớn như thế nào đối với họ.

Gian hàng bán đồ Noel cho... chó và mèo ở Orlando, Mỹ.

Gian hàng bán đồ Noel cho... chó và mèo ở Orlando, Mỹ.

2. Qua tới Mỹ rồi, mới hay mọi sự hình dung lúc còn ở nhà hóa ra… trật lất. Trừ trẻ em được nghỉ học thời gian khá dài (từ 22-12 đến 3-1), người lớn nghỉ lễ tùy theo quy định của từng sở làm (thông thường nghỉ lễ Noel 2 ngày 24 và 25-12 và nghỉ Tết 2 ngày 31-12 và 1-1), những ngày còn lại vẫn đi làm bình thường. Chưa kể người Mỹ nghỉ lễ thường có thói quen tụ họp gia đình. Họ rút hết vào trong nhà chứ không đổ ra đường như dân Việt Nam. Cho nên ở Mỹ trong những ngày này, trừ các khu giải trí dành cho khách du lịch, hổng thấy dấu hiệu gì của lễ hội vui chơi. Ở các khu phố của Mỹ không khí vẫn bình lặng như ngày thường: xe không nhấn còi, người không nói lớn, chó không sủa to (hoặc không buồn sủa)… 8 giờ sáng tôi mở cửa ra ngồi uống cà phê trước hiên, ngoảnh tới ngoảnh lui chỉ có mấy con sóc làm bạn.

3. Chỉ có ba dấu hiệu cho biết nước Mỹ đang vào mùa Noel: Thứ nhất, cửa hàng nào của Mỹ cũng có một gian bán quà Giáng sinh để người ta mua tặng nhau và bán đồ trang trí như cây thông, đèn chùm để người dân mua về trang hoàng nhà cửa. Thứ hai, hầu như nhà nào cũng kết đèn trước nhà, đèn chạy quanh hàng rào, cây cối, ban đêm chạy xe ngang như thấy cả dải ngân hà. Thứ ba là câu chào đầu môi trong những ngày đó. Chuông điện thoại reo, nhấc ống nghe lên, vọng vào tai câu đầu tiên từ đầu dây bên kia là “Merry Christmas” - Noel vui vẻ nhé, biết là mùa Giáng sinh đã về!

4. Nếu không có các dấu hiệu đó, tôi thực khó biết tôi đang ở Mỹ vào một trong những mùa lễ lớn nhất của họ. Mọi sinh hoạt ngoài xã hội đều bình thường. Người lao động nghỉ Noel và nghỉ tết cũng giống như nghỉ cuối tuần. Guồng quay công việc vẫn bình thản, đều đặn, không có cái không khí nhộn nhạo, tấp nập như ở Việt Nam. Noel và tết tuy là những ngày lễ lớn của người Mỹ (cùng với Ngày Độc lập, Lễ Tạ ơn…) vẫn không làm xáo trộn nhịp sống của dân Mỹ. Lễ chỉ là dịp để họ quần tụ gia đình và thăm viếng, tặng quà, chúc tụng cho nhau những lời may mắn chứ không phải là dịp để “ăn chơi thả giàn” như dân Việt. Cách tết chừng nửa tháng, gặp chuyện gì người Việt cũng tặc lưỡi: “Thôi, để qua tết rồi làm”. Rồi qua tết “chừng nửa tháng nữa” cũng chưa chắc đã động tay động chân. Cái ý niệm “tháng giêng là tháng ăn chơi” khi đã ngấm vào máu, đã hóa thành tâm trạng thì thực khó phai đi trong một sớm một chiều.

5. Người Mỹ lại khác. Người Mỹ coi Noel và tết là những ngày khác hơn bình thường chút xíu nên xã hội của họ chẳng có gì gọi là bất thường. Ở nước ta, cứ sắp đến những ngày lễ hội là thứ gì cũng rục rịch lên giá. Gạo lên, đường lên, thịt cá lên, rau lên… Ở Mỹ, các mặt hàng không những không tăng giá, mà còn giảm giá để thu hút người mua. Thậm chí trong những dịp này chính phủ còn đứng ra phát động “tháng sale-off” (tháng giảm giá) như một chiến dịch kích thích tiêu dùng. Cho nên người Mỹ không có thói quen mua sắm ồ ạt, tích trữ thực phẩm trong các dịp đặc biệt như người Việt. Muốn mua thứ gì, họ chạy ra cửa hàng là có ngay. Họ không sợ hàng hóa đội giá bất ngờ, không sợ bị “chặt chém” lung tung, tích trữ làm gì cho chật nhà chật cửa! Nếu họ có xếp hàng đi mua sắm thì cũng không phải vì sợ hàng hóa tăng giá như chúng ta mà vì họ “canh” những ngày các cửa hàng treo biển “sale” để mua hàng giảm giá trong dịp lễ lạt.

6. Tôi đi Mỹ đã nhiều lần nhưng thú thật chưa có dịp đến thăm một khu công nghiệp nào. Đó là một thiếu sót lớn khi Mỹ là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới: tổng sản phẩm nội địa của họ chiếm 1/4 tổng sản lượng toàn cầu. Hôm rồi, tôi có ghé trụ sở hãng Coca-Cola ở Atlanta cũng giống như đi… du hí: Tới nơi, xem phim về lịch sử của hãng, uống nước ngọt của hãng sản xuất từ khắp các quốc gia trên thế giới (tất nhiên là mỗi thứ uống một ngụm), mua vài thứ đồ lưu niệm, chụp vài tấm hình rồi lơn tơn ra về. Họ có giới thiệu quy trình công nghệ chế biến và sản xuất nước ngọt của họ nhưng nghiêng ngó láo liên trong khung cảnh đó cũng giống như xem mô hình đồ chơi của trẻ con, chẳng hình dung được gì nhiều. Tôi chỉ một lần mường tượng được phần nào kích thước của nền kinh tế Mỹ, đó là lúc tôi ngồi ô tô đi từ thành phố Las Vegas qua thành phố Los Angeles. Suốt gần 6 tiếng đồng hồ băng qua sa mạc mênh mông, tôi thấy các xe container chở hàng chạy nối đuôi nhau không dứt trên hai con đường xuôi – ngược dằng dặc, ngó từ xa trông như những đàn cừu bò lổm ngổm. Chưa nhìn thấy nhà máy, chỉ cần quan sát khối lượng sản phẩm khổng lồ làm ra từ các “nhà máy vô hình” kia đang lưu thông trên đường, không cần giỏi tưởng tượng bất cứ du khách nào cũng đánh giá được sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.

Sức mạnh đó và thói quen đón Noel và đón tết của người Mỹ có vẻ như chẳng liên quan gì với nhau nhưng ở một đất nước mà những ngày lễ lạt dường như chẳng ảnh hưởng gì, nhất là chẳng làm đình trệ nhịp sinh hoạt và lao động bình thường của họ thì cái này rất có thể là nền tảng của cái kia lắm chứ!

NGUYỄN NHẬT ÁNH

Tin cùng chuyên mục