
(SGGP 12G).- Hiện tại ở TPHCM có đến gần 12.000 cơ sở kinh doanh các lĩnh vực nhạy cảm. Nếu tính cả cơ sở nhà hàng, quán ăn, hớt tóc thanh nữ, cà phê nhạc… thì con số lên đến khoảng 25.000 cơ sở. Có thể nhẩm tính, trung bình mỗi cơ sở dịch vụ có 2 lao động nữ ở tỉnh lên, thì tổng số đã là 50.000 cô. Hầu hết các chủ cơ sở đều không ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho các cô.
“Bơi” giữa chốn thị thành

Đặc sản quán bia ôm . Ảnh: Q.L.
Những nghịch cảnh ốm đau, mất mùa, nợ nần… ở các gia đình nông thôn nghèo, đã nhen nhóm nơi các cô gái quê ý nghĩ phải ly hương tìm cách… đổi đời. Trong khi đó, một số cô gái đi “làm ăn xa” trở về với quần là áo lượt, vòng vàng đeo đỏ tay, xây sửa nhà cho cha mẹ, tặng tiền anh chị em, đã thúc đẩy các cô khác lần lượt “lên đường”.
Hiện tượng này lan từ ấp này sang ấp nọ, từ xã này qua xã khác. Cô nào đang có chuyện buồn gia đình, gặp trắc trở tình cảm đôi lứa thì bước chân ly hương cũng nhanh hơn.
Tại một nhà hàng trên đường Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM chúng tôi hỏi cô phục vụ quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu, tên Vân:
- Em làm ở đây được bao nhiêu một tháng?
- Dạ, mỗi tháng lãnh 1 - 2 triệu đồng, mỗi ngày được bao một bữa cơm.
- Chà, lương vậy sao đủ sống?
- Dạ, ở đây còn có tiền tip của khách nữa.
- Được nhiều không em?
- Dạ, khoảng 100.000đ/ngày. Còn ở khu nhà trọ công nhân trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, cô Mỹ Xuân, có giọng nói ngọt ngào và cách trò chuyện tự tin, cho biết: Từ sự giới thiệu của người chị, Xuân từ An Giang lên làm công nhân may ở Nhà máy Hisonvina, ấp Bình Đường III, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương (giáp ranh với TPHCM). Sau 4 năm làm công nhân may, Xuân đã được “thăng chức” phụ trách kiểm tra sản phẩm của xưởng, thu nhập mỗi tháng được hơn 4 triệu đồng.
- Xuân có người yêu chưa?
- Dạ, có “gồi”, nữa về dưới làm đám cưới. Không phải cô gái nào ở “quê ra tỉnh” cũng may mắn có được chỗ làm khá tốt như Vân và Xuân. Nếu đi làm công nhân nhà máy hoặc làm phục vụ ở những điểm kinh doanh đàng hoàng thì tiền chợ, tiền áo quần, tiền nhà trọ cùng các chi phí khác đã ngốn hết gần 2 triệu đồng thu nhập hàng tháng. Sống còn chật vật, lấy đâu tiền gửi về quê phụ giúp gia đình, lấy đâu tiền sắm sửa? Vì vậy, muốn kiếm nhiều tiền, nhiều cô đã tìm đến các dịch vụ “nhạy cảm”, sa vào những “cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm”…
Mốt tậu… “bà phường”
Đức, chủ cửa hàng bán điện thoại di động, sau khi lãnh gần 2 tỷ đồng tiền đền bù miếng đất ruộng của cha mẹ để lại nằm trong khu quy hoạch Mỹ Phước II, tỉnh Bình Dương bèn tậu ngay chiếc Toyota Camry 3.0 mới cáu và rủ chúng tôi đi Bình Dương thử xe. Khi chúng tôi bước lên xe, Đức hỏi: “Ủa, không dẫn theo người đẹp nào cho vui?”. Thấy chúng tôi nghệch mặt ra, anh ta khẽ nhếch miệng nói với ánh mắt tinh nghịch:
- Chút nữa, tôi sẽ rước “bà phường” của tôi đi chung.
- “Bà xã” với “bà phường” khác nhau chỗ nào? - Chúng tôi hỏi.
Như trúng hệ, Đức tuôn một tràng:
- “Bà xã” là cơm nguội, là phát thanh viên... bởi vậy cho làm thủ quỹ. Còn “bà phường” là phở, là hủ tíu mì, là đặc sản bún nước lèo, là bà chủ đại lý nước ngọt, lúc nào cũng ngọt ngào, dịu dàng. Phân công: Xài tiền.
Xe đến thị xã Thủ Dầu Một, Đức dừng lại trước một tiệm may ven Quốc lộ 13. Bên trong tiệm, một cô gái trạc 20,21 tuổi, vóc dáng thon thả, gương mặt xinh xắn, da trắng như bông bưởi bước ra. Cô nhoẻn miệng cười tươi, nũng nịu trách Đức: “Xí, hẹn 10g mà hơn 11g mới tới”. Đức trả lời gọn lỏn: “Thông cảm, kẹt xe”. Rồi anh ta nhoài người sang mở cửa xe, cô gái nhanh nhẹn bước lên. Đức giới thiệu cô gái với chúng tôi: “Đây là Đào, “bà phường” của tôi”. Nhìn cô gái vóc dáng hiền lành, chúng tôi gợi chuyện:
- Tiệm may đó của em làm chủ?
- “Dạ, không phải. Tiệm may của người ta, em chỉ đến học nghề”. Nói rồi cô liếc Đức tình tứ, nói nũng nịu: “Nhưng có học hành gì được đâu, bị người ta dụ dỗ, bỏ nhà đi hoài”.
Đức quay lại chúng tôi, giải thích: “Trước đây Đào làm ở tiệm massage, bị bà chủ ăn hiếp quá. Tui bốc ra khỏi tiệm, nhận làm “bà phường”, lo chỗ ăn, chỗ ở, chỗ học nghề”. Suốt bữa ăn trưa hôm đó, Đức và Đào cứ âu yếm như cặp vợ chồng son, mặc dù anh ta đã có vợ và 2 con.
Còn chuyện về một “đại gia” tên Năm Tách chơi ngông thì rất nhiều cô phục vụ ở các nhà hàng quận 1, quận 3 biết đến. Nhập vai ông chủ lớn, đi đâu anh Năm cũng xách chiếc cặp Samsonite và túi áo dắt chiếc bút hiệu MontBlanc.
Đến các nhà hàng, gặp “kiều nữ” mặt đẹp, chân dài, mới chân ướt chân ráo lên thành phố là Năm Tách liền mở chiếc cặp lấy ra chiếc điện thoại Nokia 6500 mới cáu tặng, rồi giở bài cũ rích ra là cần thư ký riêng, em nào chịu làm thì sẽ được cho đi học lớp thư ký chuyên nghiệp, trả lương 6 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng.
Nhiều cô phục vụ nghe thấy mê, liền bỏ việc phục vụ, đi làm thư ký cho anh Năm. Thế nhưng thư ký anh Năm chỉ có mỗi việc duy nhất là đi theo sếp ăn nhậu từ nhà hàng này sang nhà hàng khác. Gặp lúc thuận tiện, anh Năm ép thư ký uống thật say, rồi đưa vào khách sạn “xơi” luôn.
Thực ra, “đại gia” Năm chỉ là một tay chuyên cò dự án, chạy giấy phép. Chiếc xe hơi là xe thuê, mấy chiếc điện thoại anh Năm luôn bỏ sẵn trong cặp tặng các em cũng đều là hàng Trung Quốc. “Xơi” thư ký chán rồi, khi gặp “đối tác” anh Năm “gả” luôn, rồi lại chọn “thư ký” mới.
Bây giờ, chuyện “ kiều nữ” ở các hàng quán, dịch vụ nhạy cảm mà cặp bồ với khách đầy như nấm sau mưa, chẳng ai thấy là lạ nữa. Có cô cặp vì có tình cảm thực, có cô vì chuyện “cơm áo gạo tiền”, nhưng hầu hết là do ham vui, ham có nhiều tiền ăn xài, rong chơi, đua tranh với bạn bè, dần dần bị lôi cuốn.
Khắc Văn - Tường Lộc
---------
Bài 3: Lục bình vẫn trôi
Thông tin liên quan |
- Bài 1: Rơm rạ khó giữ được người quê! |