Nỗi buồn người trẻ - người già

Thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động rất lớn khi hàng triệu người sinh sau Thế chiến thứ hai sẽ nghỉ hưu trong nay mai. Theo the Economist, từ đầu năm 2011, thế hệ “baby-boomer” (tạm dịch: bùng nổ trẻ em) đầu tiên được sinh ra trong những năm 1946-1964 sẽ lần lượt bước vào tuổi 65. Trong vòng 20 năm tới, những người đàn ông và phụ nữ của thế hệ đông dân nhất, thịnh vượng nhất và được hưởng nhiều ưu đãi nhất sẽ đồng loạt rời bỏ thị trường lao động.

Quay ngược lại thời hậu Thế chiến 2, khi những người lính trở về muốn bắt kịp thời gian đã mất. Chỉ riêng ở Mỹ, gần 80 triệu trẻ em ra đời trong vòng 2 thập kỷ sau đó. Cùng thời gian đó, các nước giàu cũng ghi nhận hiện tượng bùng nổ dân số.
Với lợi thế đông như vậy, thế hệ “baby-boomer” đã xoay chuyển xã hội và rất thành công. Họ biết cách tận dụng sự phục hồi kinh tế thời hậu chiến để làm giàu. Họ đấu tranh đòi các quyền công dân và biết tận hưởng triệt để khoảng thời gian đẹp đẽ đó. Thành công khiến họ trở nên tự tin, thậm chí kiêu ngạo vì họ có chung suy nghĩ: thế giới thuộc về họ. Họ có công việc mang lại thu nhập cao đi kèm với chế độ hưu trí ưu đãi. Họ đầu tư vào đất đai, nhà cửa và sinh lời trong nhiều năm.

Trong khi đó, thế hệ baby-boomer lại không muốn vướng bận việc con cái nên tỷ lệ sinh giảm mạnh ở nhiều nước phát triển, kéo theo hệ số người cao tuổi tăng nhanh chóng. Số người đến tuổi nghỉ hưu gần ngang với người ở độ tuổi lao động. Theo dự báo của LHQ, tỷ lệ này sẽ vượt quá 24%-45% tại các nước phát triển từ nay đến năm 2050. Sẽ chỉ còn 2 người lao động/1 người nghỉ hưu thay vì tỷ lệ 4/1 như hiện nay.

Vậy mà tuổi thọ trung bình thì cứ mỗi 10 năm lại tiếp tục tăng lên thêm 1-2 tuổi. Năm 1935, khi Mỹ bắt đầu trả trợ cấp tuổi già cho người cao tuổi để giảm nghèo, tuổi về hưu chính thức là 65 tuổi và tuổi thọ trung bình lúc đó là 62. Ngày nay, ngay cả nếu tuổi về hưu trung bình là 66, phần lớn người lao động vẫn rời công việc ở tuổi 64.
Tại nhiều nước châu Âu, người lao động còn nghỉ hưu sớm hơn và họ hy vọng vẫn nhận trợ cấp trong vòng gần 25 năm. Nhiều chính phủ đã chọn giải pháp có vẻ khả thi là đẩy lùi tuổi nghỉ hưu nhưng đã khiến dân chúng bất bình. Không may thay, những giải pháp đó cũng không đủ làm giảm thâm hụt ngân sách hưu trí.

Những tác nhân đã làm nên phong trào “Sex, drug and rock’n’roll” đình đám một thời sẽ sống thế nào sau khi nghỉ hưu? Sau cuộc sống sung túc thời trai trẻ, thế hệ “baby-boomer” phải đối mặt với tình cảnh trợ cấp lương hưu bị cắt giảm, nhà cửa (mà họ từng có được 1 cách dễ dàng) có thể cũng bị chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính và sự xuống dốc của thị trường bất động sản, trong khi họ vẫn muốn tiếp tục sống cuộc sống xưa kia.
Thực chất, những lợi ích mà thế hệ “baby-boomer” đầu tiên được hưởng lại không phải thứ mà con cháu họ đang có. Giới trẻ thời nay không dám tự cho phép mình mua nhà cửa đất đai, những thứ giúp cha mẹ họ làm giàu, mà không cần nỗ lực.
Trong khi đó, họ còn phải chi trả cho các khoản trợ cấp hưu trí cho cha mẹ, ông bà mình thông qua các khoản bắt buộc đóng góp cho quỹ phúc lợi xã hội. Nếu nói thế hệ “baby-boomer” lấy cắp tiền của con cháu mình thì hơi quá nhưng thực sự những vấn đề đang phải đối đầu là có thật. Khi các hóa đơn trở nên quá sức, người ta e ngại tình đoàn kết giữa các thế hệ sẽ không còn là vô hạn.
 
HÀ TRANG

Tin cùng chuyên mục