Nỗi buồn thư viện quận, huyện

Phát triển văn hóa đọc là chủ trương mang tầm phát triển cấp quốc gia, trong đó, phát triển hệ thống thư viện được xem như một trong những nhân tố quan trọng. Tại TPHCM, ở 24 quận huyện đều có thư viện hoạt động phục vụ người dân. Tuy nhiên, không phải thư viện nào cũng làm đúng vai trò của mình.
Nỗi buồn thư viện quận, huyện

Phát triển văn hóa đọc là chủ trương mang tầm phát triển cấp quốc gia, trong đó, phát triển hệ thống thư viện được xem như một trong những nhân tố quan trọng. Tại TPHCM, ở 24 quận huyện đều có thư viện hoạt động phục vụ người dân. Tuy nhiên, không phải thư viện nào cũng làm đúng vai trò của mình.

Chưa đáp ứng kỳ vọng

9 giờ sáng, giờ được xem “đẹp nhất” trong một thư viện phục vụ cộng đồng, thế nhưng ở Thư viện quận 1 lại vắng lặng, chỉ có cán bộ thư viện ngồi đọc báo. Tuy ở vị trí khá đẹp, tầng 1 Trung tâm Văn hóa quận 1 (số 6 Mạc Đĩnh Chi, quận 1), thế nhưng chẳng mấy ai để ý đến thư viện.

Trong Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận, nằm ngay mặt tiền trục đường Nguyễn Văn Trỗi, thư viện quận cũng chịu cảnh đìu hiu không kém dù có diện tích rộng hơn hẳn Thư viện quận 1. Một nhân viên ở đây cho biết, dịp hè thư viện đông hơn do học sinh nghỉ hè nên đến đây kết hợp vui chơi và đọc sách. Khi vào năm học mới, không khí thư viện lại quay lại cảnh vắng vẻ.

Thư viện quận 3 cũng ở Trung tâm Văn hóa quận và xung quanh có nhiều lớp học hát, múa… Tất cả đều là những hoạt động ồn ào, không thích hợp với môi trường của thư viện. Chính vì thế không có gì lạ khi thư viện này lại chịu cảnh vắng vẻ thường xuyên.

Hiện đang có nghịch lý thừa thiếu về mặt vị trí thư viện. Đơn cử như Thư viện quận 1 chỉ cách Thư viện Khoa học tổng hợp (đường Lý Tự Trọng), thư viện công cộng lớn nhất nhì cả nước, khoảng 2km. Rõ ràng bạn đọc có nhu cầu đến thư viện sẽ khó lòng chọn lựa một thư viện quận nhỏ bé khi đã có sẵn thư viện quy mô gần ngay đó.

Thư viện quận 5 rộng rãi, thoáng mát, sách bố trí tốt, thủ thư được đánh giá có nghề… nhưng ngay cổng vào Trung tâm Văn hóa quận 5 đã án ngự một nhà sách thuộc dạng lớn của TP. Nhà sách đa dạng, rộng rãi thoải mái hơn, chưa kể có cả cà phê sách tầng thượng ngắm nhìn phố xá sôi động.

Dạo qua một số thư viện quận, huyện để có thể thấy hệ thống thư viện công cộng của TPHCM đang có nhiều vấn đề. Dĩ nhiên không phải tất cả đều như thế. Vẫn còn một số thư viện hoạt động tốt thu hút được bạn đọc như thư viện huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, các quận: 5, 6, 11… Thế nhưng, những điểm sáng như vậy còn quá ít, chưa đáp ứng được kỳ vọng của tất cả mọi người.

Tổ chức triển lãm sách để thu hút bạn đọc đến với Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM.

Đi tìm nguyên nhân

Trong khi các thư viện quận nội đô vắng vẻ vì dư thừa thì thư viện các huyện ngoại thành, nơi bạn đọc còn ít có điều kiện tiếp xúc với sách, lại vắng vì “xa cách”. Như Thư viện huyện Cần Giờ nằm ngay trung tâm hành chính huyện, trong khi nhiều xã của huyện lại ở quá xa, rất khó để bạn đọc nhất là bạn đọc thiếu nhi đến với thư viện. Thư viện quận 9 được bố trí tại Nhà truyền thống của Khu di tích lịch sử Vùng bưng 6 xã (đường Lã Xuân Oai, phường Long Trường), đây là nơi biệt lập với các khu dân cư nên chẳng mấy ai nhớ có thư viện ở đây.

Theo cơ cấu tổ chức, thư viện quận huyện nằm trong sự quản lý của trung tâm văn hóa và đặc thù của thư viện là gần như không có nguồn thu như các hoạt động khác (dạy nghệ thuật, biểu diễn, cho thuê mặt bằng…) nên ít được quản lý các trung tâm quan tâm đến.

Chính vì thế, tình trạng khá phổ biến là nhiều thư viện quận huyện hoạt động theo kiểu cho có. Sách báo không được bổ sung, nhân sự kiêm nhiệm, chủ yếu làm các công việc khác, vai trò thủ thư chỉ làm cho đủ ban bệ. Một số nơi thủ thư nhiệt tình đề xuất các hoạt động thì bị đặt vào thế khó theo kiểu “làm cho tốt, có hiệu quả rồi sẽ cấp kinh phí”. Thế nhưng, nếu không có kinh phí thì làm sao thư viện có thể hoạt động tốt?

Cách nay vài năm, Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM đã đề xuất với lãnh đạo TP phương án thay đổi cơ chế hoạt động của thư viện quận, huyện theo hướng khu vực hóa. Theo đó, thay vì mỗi quận một thư viện thì nay gom lại 2 - 3 quận một thư viện riêng biệt có quy mô lớn. Việc này sẽ giúp giảm bớt dàn trải các thư viện, góp phần tập trung nguồn lực thư viện cho những nơi có nhu cầu cấp bách như các huyện, xã vùng sâu, vùng xa.

Vừa qua, một mô hình mới được thí điểm đó là “Thư viện Bưu điện văn hóa xã” do Bưu điện Việt Nam phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp TP thực hiện. Thư viện đầu tiên dạng này được khánh thành tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Ưu điểm của hệ thống thư viện kết hợp bưu điện này là có nguồn báo chí cập nhật nhanh, do báo được chuyển phát qua bưu điện, nguồn thông tin dồi dào nhờ gắn với hệ thống Internet (do bưu điện cung cấp). Tuy nhiên, theo đánh giá đây chỉ là dạng phòng thông tin chứ không thể thay thế hoạt động của thư viện thật sự.

Bà Nguyễn Thị Như Trang, Phó phòng Mạng lưới Thư viện Khoa học tổng hợp, đơn vị phụ trách về mặt nghiệp vụ các thư viện quận, huyện đề xuất TP sẽ chọn lựa một số thư viện hoạt động tốt, có bạn đọc để đầu tư kinh phí, huấn luyện nhân sự… tạo nên những điểm sáng, những hình mẫu tiêu biểu. Các thư viện quận, huyện khác có thể dựa vào đó để định hướng phát triển.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục