Tay ngang đóng tàu vượt biển
Một ngày đầu năm, xưởng đóng tàu của ông Hào ở phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa tấp nập hơn mọi ngày. Tấp nập hơn bởi công nhân và kỹ sư đang hối hả hoàn thiện con tàu cho một ngư dân Bình Định vào trước tết để họ kịp đi chuyến biển đầu năm lấy hên. Bên con tàu đang dần hoàn thiện, ông Hào với nước da đen sạm, già hơn so với tuổi 53 của mình.
Sinh ra trong gia đình 10 anh chị em nên mới 13 tuổi ông đã phải nghỉ học để phụ cha mẹ nuôi 6 người em. Khi mới 15 tuổi, ông chính thức theo các tàu giã cào đi lộng, đánh bắt tôm cá trên nhiều vùng biển tại Khánh Hòa và vùng lân cận. Năm 17 tuổi, lần đầu tiên ông theo tàu đi bạn ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau lần đi này, ông trở thành tài cải (phụ trách máy chính) của tàu. Theo nhiều ngư dân, chỉ mới 2 năm đi biển và độ tuổi còn rất trẻ nhưng được phân công phụ trách máy chính của tàu là điều khá đặc biệt. Bởi ngư dân nào cũng hiểu, người phụ trách máy chính của tàu cá có vai trò rất quan trọng trong mỗi chuyến vượt sóng dữ.
Sau 13 năm đi biển, ông Hào lập gia đình và cũng có chút tiền để dành nên vay mượn thêm để đóng tàu lớn cho riêng mình. Thế nhưng, sau nhiều chuyến biển thất bát, tàu cá của ông nằm bờ liên tục. Nhưng đã trót yêu nghề biển, ông quyết tâm làm lại từ đầu với nhiều dự định. Năm 33 tuổi, một lần nữa ông Hào lại chạy vạy khắp nơi để vay tiền mua một chiếc ghe nhỏ, chuyên đi thu mua hải sản của ngư dân ở vùng biển gần bờ và các cảng cá nhỏ trong tỉnh. Nhờ cần cù, 6 năm sau, ông đã đủ tiền tự thuê người cùng mình đóng mới một tàu vỏ gỗ công suất 400CV. Nhưng rồi, hoạt động được không lâu, tàu vỏ gỗ bộc lộ nhiều điểm yếu, đặc biệt là nhanh thủng, sửa chữa khó khăn, tiền bảo trì hàng năm rất lớn nên những khoản tiền lời làm được dường như chỉ vừa đủ để nuôi tàu. Trong một lần xem báo đài, ông thấy hiện nay trên thị trường trong và ngoài nước đang thí điểm mô hình đóng tàu bằng chất liệu composite rất hiệu quả, tiện ích. Dù mới tiếp cận thông tin ban đầu, nhưng ông Hào quyết định thử vận may với loại tàu này.
Tàu giá rẻ cho ngư dân
Năm 2006, ông liên hệ với đơn vị đóng tàu composite nhưng nhận được đơn giá cho một tàu cá công suất 400CV, dài 17m là 700 triệu đồng, chưa tính máy móc, thiết bị. Bởi thời điểm này đóng tàu cá bằng chất liệu nhựa composite là quá mới, ít người triển khai. Cho rằng giá thành quá cao, nên ông Hào nghĩ đến việc tự đóng tàu composite.
Không chần chừ, ông bắt tay vào mua vật liệu, đi khắp các tỉnh tìm thợ học nghề làm tàu composite. Khởi nghiệp xưởng đóng tàu composite của ông Hào là một khoảng đất vườn nhỏ tại nhà vợ, thuộc Phước Long, TP Nha Trang. Công không phụ lòng người, sau nhiều tháng nỗ lực vừa làm vừa học, cuối cùng con tàu dài 12m, rộng 3m, bằng chất liệu composite đã ra đời. Theo tính toán, con tàu chỉ tốn khoảng 200 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với đặt hàng đóng ở các hãng chuyên composite.
Tàu tự đóng của ông Hào đi biển chạy êm, ít sửa chữa, giá thành đóng lại rẻ nên ngư dân thích. Từ năm 2014, trước sự bắt buộc của các cơ quan chức năng về quy định trong nghề đóng tàu và đơn đặt hàng tăng, ông Hào đứng ra thành lập xưởng đóng tàu trên quy mô hơn 5.000m2. Xưởng hiện có 130 nhân công, trong đó có 5 kỹ sư, 15 thợ chính còn lại là công nhân lành nghề. Đến nay, xưởng ông Hào đã hạ thủy 16 chiếc tàu composite công suất lớn, với giá trung bình 3-5 tỷ đồng; tàu composite tiện ích hơn hẳn so với tàu gỗ, khi có cả nhà bếp, nhà vệ sinh, 5 hầm cách nhiệt, sức chứa 6.000 lít dầu, 8.000 lít nước ngọt, đảm bảo cho tàu hoạt động liên tục trong 30 ngày.
Theo thạc sĩ Đinh Đức Tiến, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu và chế tạo tàu thủy, Trường Đại học Nha Trang, tàu cá composite của ông Hào đóng đảm bảo chất lượng. Một ngư dân tay ngang, chỉ học hết lớp 5 mà đóng được tàu composite như vậy là rất giỏi. Còn ngư dân Mai Thành Phúc, Ngư đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn (Khánh Hòa), cho rằng hiện nay ngư dân trong tỉnh rất chuộng tàu composite và ngư dân các vùng lân cận đang tiếp cận với loại tàu này. “Bản thân tôi có 4 tàu cá đều làm bằng vỏ composite. Không chỉ có giá thành rẻ, tàu composite bền, dễ vận hành, bảo trì và hơn hết nó có 2 khoang đáy nên rất an toàn lỡ khi tàu có sự cố”, ông Phúc nói.
Sau thành công chiếc tàu đầu tiên, từ năm 2007 đến 2012, ông Hào đã đóng được gần chục chiếc tàu composite cho bà con ngư dân trong tỉnh, với chiều dài và kích cỡ tàu ngày mỗi tăng. “Ngày đó, khi tung việc đóng tàu composite ra làm, vợ và gia đình cản dữ lắm. Ai cũng nói, đang yên thân với tàu gỗ nay đùng cái chuyển qua tàu composite mà chưa biết gì về nó. Nhưng lỡ có cái tính hay mày mò rồi nên dù ai có cản tôi cũng thử cho bằng được”, ông Hào chia sẻ.