Mỗi ngày hòa cùng dòng người từ nơi làm việc tại quận 1 về phố Đông, tôi bồi hồi nhận ra giấc mơ 30 năm trước đã là hiện thực. Đó là khi qua cầu Điện Biên Phủ nhìn dòng Nhiêu Lộc trong xanh lộng gió lành mát mặt, nhìn thấy hai bên bờ kè ven kênh rợp bóng cây xanh đu đưa theo gió, thướt tha những tà áo dài thiếu nữ học trò, những cụ bà cụ ông thong thả tản bộ hóng mát cùng với đàn cháu con tung tăng bên bờ kè dưới phố…
Một góc phố mới khang trang tại quận 9, TPHCM.
20 năm trước
Tháng 9-1984, tôi được cử đi học lớp tiếng Anh do Bộ Nông nghiệp tổ chức tại Đại học Tổng hợp TPHCM (nay là Đại học KHXH-NV TP). Là một trai làng quê cách huyện lỵ (của một tỉnh miền Bắc) 7km đường nông thôn, lại học đại học tại vùng nông thôn Hà Bắc (nay là Bắc Giang), nên cảm nhận đầu tiên khi đứng trên tầng cao một giảng đường nhìn xuống phố, đọng lại mãi trong tôi. Đó là một đô thị ngổn ngang trăm bề sau chiến tranh; như lòng người (từ nhiều phía), dòng người và phương tiện giao thông thô sơ chật kín phố; với hơn 80% là xe đạp, thấp thoáng vài chiếc honda, ba gác máy, xe lam, xe đò, xe tải cuộn chảy suốt ngày đêm; với sự ồn ã ầm ào của đô thị lớn nhất cả nước… Rồi cuộc sống kéo tôi về thực tế, vào cuộc mưu sinh.
Lớp tiếng Anh tôi học có 5 giáo viên. Thầy Vinh chuyên luyện sử dụng từ vựng và kỹ năng nói; cô Huệ chuyên luyện phát âm tiếng Anh, cô nói chuẩn giọng Anh - Mỹ; cô Thu học tiếng Anh ở Liên Xô (cũ) chuyên luyện ngữ pháp; thầy Đạt và cô Nhung (thế hệ giảng viên sau 1975) chuyên luyện bài khóa và bài tập. Các thầy cô giáo đều rất tài năng, hội tụ về đây - mảnh đất lành yên ả - mưu sinh và cùng chung nhiệt huyết truyền thụ gieo hạt tri thức cho đời. Kết quả sau 9 tháng, tôi từ chỗ không biết một từ tiếng Anh, đã có thể đọc nghe nói viết và giao dịch bằng tiếng Anh khá lưu loát.
Đến năm 1987, tôi đủ khả năng đi thực tập 6 tháng tại Ấn Độ và từ đầu năm 1988, có thể làm phiên dịch hỗ trợ hơn 40 chuyên gia (đến từ khắp nơi trên thế giới, như Anh, Mỹ, Sudan, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Indonesia) vào nước ta tư vấn cho Dự án phát triển bông vải mang tên FAO/VIE/84/001 (giai đoạn 1984 - 1990) tại Viện Bông Nha Hố (tỉnh Ninh Thuận).
Quả thật, TPHCM như lòng mẹ bao la che chở bao dung hết thảy những đứa con. Nhân tài, trí thức - bất kể thân phận quá khứ, miễn là có lòng hướng thiện - đều được trọng dụng, hành nghề và cống hiến trong quá trình hòa giải, hòa hợp dân tộc, khép lại quá khứ, cùng chung tay xây dựng cuộc sống mới và hướng tới tương lai.
Bẵng đi 11 năm sau, vợ chồng tôi được Bộ Nông nghiệp điều chuyển công tác từ Ninh Thuận vào TPHCM. Từ đây, tôi được nếm trải hết ngạc nhiên ngọt ngào này đến ngạc nhiên ấm áp khác. Việc “an cư, lạc nghiệp” ở TPHCM, với cảm nhận của tôi, giống như phép màu, mà trước đó, cả trong mơ cũng không gặp.
Khi đưa gia đình đến TPHCM, nỗi lo trước tiên là kiếm chỗ học cho con. Đứa con trai lớn sẽ vào học lớp 7, con gái nhỏ học lớp lá. Đem tâm sự chia sẻ với người bạn ở Báo Nông nghiệp, tôi được khuyên gửi đứa lớn vào Trường Trung học cơ sở Trần Văn Ơn, đứa nhỏ vào Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận 1). Nghe lời khuyên, tôi vẫn chưa nguôi nỗi lo, lòng hồi hộp đến các trường vừa nêu. Và thật bất ngờ được trường hướng dẫn tận tình thủ tục, hồ sơ nhập học cho các cháu. Đúng hẹn, các con tôi tung tăng tựu trường, giống như bạn cùng lứa bình thường khác. Thật là ngọt ngào, ấm áp như về làng vậy. Đến nay, các con tôi đã khôn lớn, đứa lớn là kỹ sư xây dựng, đứa nhỏ là họa sĩ thiết kế mỹ thuật...
Năm 1998, tình cờ tôi đọc được đâu đó trên báo rằng TPHCM có chủ trương tích tụ chất xám, trọng dụng người có học vị tiến sĩ trở lên, được cơ quan cấp bộ điều chuyển/tiếp nhận đến TP làm việc, nhập khẩu nhập tịch tại TPHCM. Tôi nhận ra mình có đủ tiêu chí, nên liền tìm đến Công an quận Bình Thạnh. Đến nơi, tôi được hướng dẫn gặp một nữ sĩ quan.
Với nụ cười điềm đạm, chị chỉ ghế mời tôi ngồi, rồi ân cần hỏi chuyện của tôi. Chị chăm chú lắng nghe, tôi hiểu rằng chị đã thấu hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của người đối diện. Rồi chị trao bộ hồ sơ, hướng dẫn kê khai, bổ túc và hoàn thành nó. Sau khi hoàn tất hồ sơ theo hướng dẫn, tôi trở lại cơ quan Công an quận Bình Thạnh và gặp lại nữ sĩ quan nọ. Sau khi kiểm tra kỹ hồ sơ, chị tươi tỉnh chúc mừng tôi. Khoảng một tuần sau, tôi đến Công an phường 13 nhận sổ hộ khẩu. Mới đó mà đã hơn 20 năm!
Tìm mảnh đất “cắm dùi”
Nhớ cái ngày đầu những năm 90 thế kỷ trước, khi bắt đầu đi tìm mảnh đất “cắm dùi”, nếu muốn đi về hướng Đông của TPHCM, phải đi bộ (2km) từ đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (đầu cầu Điện Biên Phủ) đến ngã tư Hàng Xanh mới có xe lam, xe đò đi huyện Thủ Đức. Khi cuốc bộ qua cầu Điện Biên Phủ (bắc qua kênh Nhiêu Lộc), tôi cũng như mỗi người qua đây, không ai không khỏi khó chịu khi mùi xú uế xông lên từ dòng nước đen ngòm phủ đầy rác thải.
Ngó sang bên, là những khu nhà sàn lều tạm chằng đụp nhếch nhác như “ổ chuột” trên kênh và hai bên bờ kênh. Đây là nơi cư ngụ của những số phận không may mắn, những tồn đọng tất yếu sau chiến tranh ác liệt mấy mươi năm. Đi tiếp trên đường gập ghềnh lởm chởm ổ gà Điện Biên Phủ đến ngã tư Hàng Xanh, nhìn hai bên toàn là nhà tranh tre nứa lá tạm bợ sít sát nhau. Thật là người ta chỉ giấu được sự giàu để giả nghèo, chứ không thể giấu được sự nghèo túng tạm bợ.
Vượt qua cầu Sài Gòn là đến huyện Thủ Đức, một vùng thuần nông. Lội bộ theo con đường nông thôn trải đất đỏ cấp phối đến nhà người anh con bác ruột, tôi được người anh đưa đi tìm nơi “cắm dùi”.
Sau nhiều lần qua những ruộng rẫy sắn khoai, những rặng tre xanh quen thuộc, những ruộng lúa vườn cây, tôi chọn được cho mình nơi hợp phong thủy, hợp túi tiền tích lũy được từ đồng lương của một nhà khoa học. Đó là một mảnh vườn đặc trưng vùng nông thôn Đông Nam bộ. Sau khi hoàn thành một trang giấy viết tay có đủ chữ ký đã nhận tiền của gia chủ đồng ý nhượng quyền sử dụng đất, tôi yên tâm phấn khởi về lại nơi tạm trú tại quận 1, TPHCM.
Sau khi nghe kể chuyện, khuôn mặt vợ tôi thoáng vẻ buồn, nhưng đôi mắt ánh lên niềm tin, làm tôi an lòng. Nhưng mấy ngày sau đó, nhiều bạn bè và anh em đơn vị chê cười tôi khờ dại, sao lại chọn nông thôn hẻo lánh làm nơi an cư. Có người nói: “Nếu đến đó ở, con bạn sẽ thất học”. Nhưng tôi tin, Thủ Đức sẽ là đô thị phồn thịnh trong tương lai gần.
Mỗi ngày một đổi mới
Trải qua 15 năm kể từ ngày mua được đất “cắm dùi” ở xã Phước Long huyện Thủ Đức, tôi được cảm phục nếm trải tình người thủy chung son sắt trách nhiệm của gia chủ đất đã bán cho tôi, của trách nhiệm giải quyết những tồn đọng khó khăn rối bời trên từng thửa đất qua bao thăng trầm lịch sử dân tộc.
Mảnh đất tôi mua trước đây thuộc sở hữu của một trí thức chế độ cũ. Sau ngày 30-4-1975, chủ sở hữu đó đi định cư ở hải ngoại và đã để lại (bằng một mảnh giấy viết tay) cho ông Tô Lâm. Cả miền Nam thực hiện hợp tác hóa, ông Tô Lâm cũng góp đất vào hợp tác xã. Rồi hợp tác xã giải thể. Sự “tình ngay lý gian” trong trường hợp này là, hợp tác xã giải thể, nhưng thủ tục chưa hoàn tất.
Vì vậy trên giấy tờ hồ sơ, mảnh đất tôi mua vẫn thuộc hợp tác xã. Nhưng “thức đêm mới thấy đêm dài, sống lâu mới biết lòng người thẳng ngay”. Những tồn tại khó khăn là thế, phức tạp là thế, cộng với những mò mẫm thử nghiệm lần tìm chính sách quản lý đất đai của Nhà nước giai đoạn từ 2007 trở về mốc 30-4-1975, các ngành các cấp chính quyền TPHCM vẫn vượt qua khó khăn rối rắm ngút ngàn, giải quyết thấu tình đạt lý từng trường hợp cho từng số phận để mỗi người (trong đó có tôi) đều tìm thấy nơi an cư lạc nghiệp, nơi xây tổ ấm hạnh phúc bình an cho mình và gia đình mình...
Quê mình đây rồi! Huyện Thủ Đức ngày nào, nay đã thành ba quận nội thành. Là quận 9, quận 2 và quận Thủ Đức và gọi là phố Đông. Xã Phước Long trước đây, nay thành phường Phước Long A và Phước Long B. Làng (khu phố) tôi, nay là khu phố 4, phường Phước Long A, đã lột xác trỗi dậy như Phù Đổng Thiên Vương, trở thành khu phố toàn nhà cao 3-4 tầng, có kiến trúc và nội thất nhà phố hiện đại.
Cuộc sống của dân cư nơi đây có đủ điện lưới 24/24 giờ, cấp nước sạch, tiêu nước thải hợp vệ sinh, môi trường sống văn minh xanh sạch đẹp, lại có cáp truyền hình, điện thoại, internet, wifi… Mỗi khi đến tiệm cà phê Hải Yến trên khu phố quê mới, chúng tôi lại “điểm danh” những láng giềng thân quen: các giáo sư, tiến sĩ, giảng viên đại học, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp… để cùng chia sẻ chuyện vui thêm tình bằng hữu bên ly cà phê ngát hương đượm tình người…
Trở lại với đại lộ Điện Biên Phủ lộng lẫy thênh thang, đi hết đường, qua cầu Sài Gòn mơi xây thêm, đến phố Đông. Phố Đông gồm quận 2 (đô thị mới Thủ Thiêm, Thảo Điền); quận Thủ Đức và quận 9 của tôi. Tất cả, trên từng con phổ của phố Đông, mỗi ngày một đổi mới, mỗi ngày khang trang hiện đại hơn. Đến đâu cũng vậy, tôi bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp phố phường sầm uất, bởi nơi nào cũng thấy người dân làm việc lao động cần cù tất bật, bởi tốc độ xây dựng và tăng trưởng chóng mặt của từng ngõ phố, của cả TP và của đất nước này.
Đâu đâu tôi cũng gặp những cốt cách bình dị mà cao đẹp; với những nụ cười nồng hậu, những tấm lòng rộng mở, những ngọn gió trong lành mát rượi từ hướng Tây Nam, hướng Đông Nam lộng tới, bình yên. TPHCM - Thật là nơi đáng sống!
LÊ MINH