Đất nước hình chữ S của chúng ta có một địa thế đặc biệt: một bên vòng ôm lấy vùng đất liền Đông Dương bởi dãy Trường Sơn hùng vĩ, một bên dang tay đón lấy biển Đông bao la rộng mở - cửa ngõ bước ra thế giới. Nhìn trên tổng thể, Việt Nam còn có những điểm đặc biệt khác: ba phần biển, một phần đất liền; ba phần núi rừng, một phần đồng bằng.
Chúng ta đều biết, sự cân bằng là nền tảng quan trọng cho sự ổn định và phát triển. Nhìn lại lịch sử dân tộc, nhờ những điều kiện đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng, đất nước tuy nhỏ bé của chúng ta đã tác tạo nên biết bao địa linh, sản sinh ra biết bao nhân kiệt, từ đó chiến thắng mọi kẻ xâm lăng và bước vào thời kỳ dựng xây, phát triển đất nước ngày nay. Nhờ có sự kết hợp hài hòa giữa đất - nước, nắng - gió, rừng núi - đồng bằng, mà dải đất hình chữ S tưởng chừng mỏng manh của Việt Nam lại trở thành một mái nhà vững chãi với dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy dọc Bắc - Nam, hứng lấy bão dông mà chở che, nuôi dưỡng con người.
Nhưng từ nhiều năm qua, sự cân bằng, hài hòa ấy đang bị chính chúng ta xâm phạm. Trong một thế giới nhiều biến động, biến đổi khí hậu diễn ra trên phạm vi toàn cầu gắn liền với sự nóng lên của trái đất, băng tan chảy, nước biển xâm thực… có tác nhân từ con người thì Việt Nam được nhận định là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất.
Nhìn vào thực tế, Việt Nam không chỉ đang đối mặt với ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí do sản xuất công nghiệp, khai thác tài nguyên thiếu bài bản, nước biển ngày càng tiến sâu vào đất liền mà còn phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn của hạn hán, bão lũ… do nạn phá rừng. Nếu đi dọc đất nước, dù bằng đường bộ hay đường không, không ai không khỏi xót xa trước những rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt; những dải rừng che bộ đội, rừng vây quân thù ngày xưa cứ giờ ngày một loang lổ, cạn kiệt, trở thành những đất trống, đồi trọc.
Ngay cả những cánh rừng đặc dụng được xếp vào dạng phải bảo vệ đặc biệt để giữ gìn sự đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái (vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ) cũng ngày một bị tàn phá không thương tiếc. Hậu quả thì ai cũng thấy: thời tiết ngày càng bất thường, bão lũ, hạn hán ngày càng dữ dội. Cứ mỗi mùa qua, lũ lại chồng lên lũ, bởi rừng không còn để giữ nước, gây ra bao thiệt hại, bao cảnh đau thương, tang tóc.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phá rừng mà chúng ta biết: do tập tục du canh du cư, đốt nương làm rẫy của một bộ phận dân cư; do yêu cầu phát triển kinh tế: khai thác rừng lấy gỗ, quá trình chuyển hóa đất từ sản xuất lâm nghiệp sang sản xuất nông nghiệp, xây dựng cơ bản (giao thông, công trình thủy điện...); do thiếu lực lượng quản lý bảo vệ rừng… Tuy nhiên, nguyên nhân của những nguyên nhân lại chính là do khả năng quản lý yếu kém, thiếu kiên quyết và do… tiêu cực. Thời gian gần đây, hầu như ngày nào trên báo chí cũng có thông tin về tình trạng phá rừng, rừng bên ngoài cạn kiệt thì lâm tặc bắt tay cả với lực lượng bảo vệ rừng để tàn phá rừng cấm.
Rừng mất đi, không đơn giản là mất đi một loài cây cổ thụ mà đồng nghĩa với sự mất đi cả thảm thực vật với sự đa dạng sinh học, kéo theo sự mất đi của những chủng loài động vật sinh sống trên đó; đồng thời gây ra vô số những tác hại khác. Trước những hậu quả nặng nề ngày một tăng do thiên tai gây ra, từ cuối năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh đến nhiệm vụ đặc biệt quan trọng - một trong những “giải pháp gốc” - là đầu tư cho việc trồng, tái tạo và bảo vệ rừng. Thế nhưng cho đến nay, nạn phá rừng vẫn cứ diễn ra một cách công khai và nặng nề, bất chấp pháp luật, đặt ra một câu hỏi lớn.
Không còn con đường nào khác, nếu chúng ta muốn tồn tại và phát triển thì nền tảng môi trường phải được cân bằng, tái tạo. Và không còn giải pháp nào khác để cứu lấy nền tảng ấy: đột phá vào khâu yếu kém nhất hiện nay bằng cách đầu tư nâng cao năng lực, nhân sự cho công tác quản lý rừng, đồng thời kiên quyết xử lý tiêu cực liên quan đến nạn phá rừng một cách nghiêm minh, dù đó là ai.
Phạm Phương Đông