(SGGPO).- Ở nước ta, việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em được thể hiện rất rõ trong hiến pháp, luật pháp, chính sách và các chương trình hành động vì trẻ em ở các cấp. Việt Nam cũng là nước châu Á đầu tiên và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế Quyền trẻ em. Thế nhưng trong những ngày qua, các vụ việc bạo hành trẻ em, bạo lực học đường lại xuất hiện nhiều, gây bức xúc trong xã hội.
Trước thực trạng đau lòng này, báo SGGP tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề: “Chống bạo hành trẻ em và bạo lực học đường” với sự tham gia trả lời giao lưu gồm có: bà Phan Thanh Minh, Trưởng Phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội TPHCM, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM, ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD-ĐT TPHCM và Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt.
Sau đây là nội dung của buổi giao lưu:
Minh Quang - minhquang@yahoo.com: Ở góc độ tâm lý, làm thế nào để phát hiện sớm trẻ em bị bạo hành, thưa bà Tâm?
- Ths. Nguyễn Thị Tâm - GĐ. Trung tâm tư vấn tâm lý Hồn Việt:
Chào bạn!. Để phát hiện sớm trẻ em bị bạo hành thật khó, vì thường câu chuyện bạo hành xảy ra có vẻ hơi bất thình lình, tùy thuộc vào tình huống, hoàn cảnh mà câu chuyện có thể xảy ra...
Tuy nhiên về mặt tâm lý phụ huynh có thể quan sát con mình, nếu thấy các cháu có dấu hiệu hoảng sợ thường xuyên, có những hành vi lạ, như hay lo sợ vô cớ, phòng vệ bằng các phản ứng thái quá... khi gặp tình huống bất ngờ, ngủ mớ... cha mẹ có thể trò chuyện cùng con để khai thác thông tin, tìm hiểu nguyên nhân của những hoảng sợ nơi con, để giúp con hóa giải những khó khăn trong tâm lý của con...
Đôi khi bạo hành có nguyên nhân từ trong chính gia đình, việc này thì có quá trình, có thể thời gian ủ bệnh đủ để quan sát con có những dấu hiệu lạ như rối loạn cảm xúc hay hành vi, đó là kết quả tất yếu của một nạn nhân bị bạo hành gia đình...
Nguyễn Bảo Nam - nambao789@yahoo.com: Rất, rất nhiều vụ học sinh đánh nhau trước cổng trường, khi xong rồi, thậm chí khi bể đầu, thủng bụng rồi mới thấy nhà trường, công an có mặt, sự thực như vậy? Ông Huy nghĩ sao về điều này?
- Ông Trần Khắc Huy (Trưởng phòng Công tác HSSV Sở GD&ĐT TP.HCM): Thật sự đối với người làm công tác giáo dục, chúng tôi rất đau lòng trước thực trạng học sinh sử dụng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn với nhau. Nếu nhà trường có những biện pháp thích hợp trong công tác giáo dục, có sự phối hợp tốt với cha mẹ học sinh, đội ngũ giáo viên nắm bắt được những tâm sinh lý, đặc điểm của học sinh và có những biện pháp ngăn chặn kịp thời những mâu thuẫn, xích mích của lứa tuổi học trò thì chắc chắn chúng ta đã ngăn chặn có hiệu quả tình trạng đánh nhau của học sinh.
Nguyễn Thị Lam - lamnguyen5678@yahoo.com: Ở một số trường không có phòng tư vấn học đường nên tổ trưởng giám thị kiêm nhiệm luôn nhiệm vụ này. Thế nhưng rất nhiều học sinh cho rằng: Giám thị ở trường "dữ như bà chằn" - làm sao tụi con dám thổ lộ tâm sự. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến bạo lực học đường chăng?
- Ông Trần Khắc Huy (Trưởng phòng Công tác HSSV Sở GD&ĐT TP.HCM): Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường khi mà những mâu thuẫn, xích mích của các em chưa được tư vấn đúng lúc, kịp thời để giải tỏa những ức chế trong suy nghĩ của các em. Trước tầm quan trọng của công tác tư vấn học đường, vừa qua Sở Giáo dục & Đào tạo TPHCM đã tổ chức hội nghị sơ kết nhằm đánh giá về công tác tư vấn học đường tại các đơn vị và yêu cầu trong thời gian tới tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố phải xây dựng phòng tư vấn học đường và có cán bộ chuyên môn phụ trách nhằm đáp ứng kịp thời những tâm sự, băn khoăn của các em học sinh.
Vũ Minh Hoài Thu - hoaithu82@gmail.com: Làm thế nào để chuyển hóa tâm hồn, lối sống của của những kẻ ác tâm, dã man đánh đập trẻ em, đồng loại, thưa thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm?
- Ths.Nguyễn Thị Tâm - GĐ. Trung tâm tư vấn tâm lý Hồn Việt: Bạn thân mến!
Những người ác tâm, dã man có thể đánh đập trẻ em, đồng loại, là người có bản chất hung hăng, gây hấn. Về mặt tâm lý cá nhân, họ thường là những nạn nhân của bạo hành, nên họ là những tâm hồn bị khuyết tật, thiếu thốn tình yêu thương, bị tắc nghẽn trong đời sống tâm lý cá nhân. Hoặc đó chính là những hiện thân của cái ác...
Để chuyển hóa tâm hồn của những con người này, cần có một điểm tựa quan trọng: điểm tựa tâm linh; hoặc phải có 1 biến cố thật lớn xảy ra trong đời sống của họ, khiến họ phải suy ngẫm về thân phận của họ, sao cho một trạng thái "bừng hiểu" xảy ra, hoặc một "giác ngộ" xảy đến với họ, khi đó mới mong có thể thay đổi rốt ráo bản chất con người của họ.
Trúc Nguyên - trucnguyen@lbm.com.vn: Hiện nay có rất nhiều vụ đánh đập dã man trẻ em đặc biệt là ở các nhà trẻ tự phát của người dân. Không biết Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM có biện pháp và cách giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng giáo dục mầm non, Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM: Ngành Giáo dục chỉ được quản lý những cơ sở trường lớp nhóm mầm non tư thục đã được UBND quận, huyện và phường, xã cấp phép theo tham mưu và thẩm định của các phòng Giáo dục có trách nhiệm hướng dẫn quản lý chỉ đạo thực hiện việc nuôi dạy trẻ theo đúng yêu cầu chuyên môn. Các cơ sở nuôi trẻ tự phát hoạt động "chui" phải do lãnh đạo các phường - xã phát hiện, kiểm tra và xử lý nếu cần, với sự phối hợp của các ban ngành hữu quan .
Biện pháp giải quyết là nếu là cơ sở có đủ điều kiện nuôi dạy trẻ và thiện chí với trẻ em, cần giúp họ hoàn chỉnh các thiếu sót để có thể thẩm định cấp phép cho họ, lúc đó Sở GD-ĐT sẽ có quyền hạn và trách nhiệm giúp đỡ họ về chuyên môn hoặc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định. Nếu ngược lại, không đủ điều kiện nuôi dạy trẻ an toàn, phải giải thể ngay các cơ sở không phép, vì có nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ, không chỉ nguy cơ về bạo hành.
Vũ Nguyễn Hoài Thuơng - hoaithuong8298@yahoo.com: Hệ thống tư vấn học đường ở các trường vừa yếu vừa thiếu giáo viên tâm lý - những người giúp các em xả stress vì học căng thẳng, những vướng mắc từ gia đình, xã hội và mối quan hệ bạn bè. Vậy ai giúp các em giải tỏa những vấn đề bức xúc này?
- Ths. Nguyễn Thị Tâm - GĐ. Trung tâm tư vấn tâm lý Hồn Việt: Thật đúng như vậy, thực trạng về tư vấn tâm lý học đường thiếu thốn, các nhà tư vấn tâm lý chuyên nghiệp chưa đủ cung cấp cho nhà trường, đang là vấn đề "nóng" cần được nhà trường và cả hệ thống giáo dục quan tâm đầu tư. Hiện nay đã có nhiều trung tâm tư vấn tâm lý ngoài nhà trường, được thiết kế chuyên nghiệp, khi phụ huynh thấy con em mình có vấn đề tâm lý, hãy mạnh dạn đưa các em đến tìm sự hỗ trợ từ các nhà tâm lý.
Trong tình hình như vậy, những chia sẻ, lắng nghe và định hướng từ phía cha mẹ trong gia đình là điều vô cùng quan trọng. Những em nào có thể đối thoại được với cha mẹ, và có sự lắng nghe, chia sẻ từ cha mẹ, luôn có cách thức giải quyết vấn đề cá nhân và các mối quan hệ của các em tốt hơn các em khác.
Ngoài ra, người giáo viên chủ nhiệm cũng là một kênh quan trọng, điểm tựa tinh thần giúp các em hóa giải những khó khăn trong mối quan hệ bạn bè, thầy cô... Tuy nhiên, thực tế là giáo viên chủ nhiệm không có nhiều thì giờ để sinh hoạt cùng các em.
Nguyễn Văn Hai - Quận 5- TPHCM: Một vấn đề khiến phụ huynh và các nhà tâm lý học âu lo là áp lực học quá căng nhưng giờ ngoại khóa, vui chơi - học về kỹ năng sống - hòa đồng, giao lưu với bạn bè quá ít. Vì thế mới xảy ra tình trạng bạn bè cùng lớp hoặc khác lớp gặp tí chuyện như: nhìn thấy ghét, nhìn đểu... liền nhảy vào đánh nhau. Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM nghĩ gì về vấn đề này?
- Ông Trần Khắc Huy (Trưởng phòng Công tác HSSV Sở GD&ĐT TP.HCM): Nhằm giảm bớt những áp lực căng thẳng về học tập của học sinh, trong thời gian qua Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cũng đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể thành phố tạo nhiều sân chơi nhằm giúp các em thư giãn và có điều kiện giao lưu, gần gũi, thân thiện với nhau qua các hoạt động phong trào, các chương trình ngoại khóa như: thành lập các câu lạc bộ theo sở thích; tổ chức các ngày hội học sinh phổ thông toàn thành; tổ chức các hội thi, hội thao tìm hiểu về các vấn đề của xã hội, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao...v v. Chính những hoạt động trên đã giảm bớt những căng thẳng trong học tập, gắn kết các em lại với nhau, tạo sự thân thiện, gần gũi.
Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức, đơn vị trong thành phố tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đưa nhiều chương trình giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh ở từng cấp học nhằm tạo nhiều sân chơi lành mạnh, hướng các em đến các hoạt động xã hội nhằm đẩy lùi các tiêu cực trong học sinh thành phố.
Nguyễn Huy - Nguyenhuy@yahoo.com: Con tôi đi học về cứ hễ một tí là dọa đánh người khác. Chắc bé bị ảnh hưởng bởi cách dạy của cô ở trường. Là người phụ trách trực tiếp của bậc học mầm non, bà nghĩ sao về điều này.
- Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT TPHCM: Bé có các biểu hiện trên có thể do bắt chước cô hoặc bạn trong lớp, trẻ nhỏ lứa tuổi mẫu giáo nhà trẻ thường hay bắt chước hành vi của người khác. Là người quản lý ngành học chúng tôi thường sinh hoạt với các phòng giáo dục để có các biện pháp nhắc nhở giáo dục đội ngũ trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ. Điều lệ trường mầm non quy định giáo viên tuyệt đối không được dọa nạt hoặc đánh đập trẻ. Nếu con của bạn có biểu hiện đó cần làm việc ngay với giáo viên phụ trách lớp để tìm hiểu cụ thể nguyên nhân và xử lý nếu biện pháp này không đạt kết quả bạn có thể trao đổi thêm với giáo viên để thay đổi biện pháp khác.
Nguyễn Quang Nghị - quangnghi76@yahoo.com: Làm thế nào để phát hiện sớm trẻ em bị bạo hành, thưa bà Minh?
Bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Sở LĐ, TB & XH TPHCM: Vấn đề bạo hành (đánh đập, hành hạ,ngược đãi về thể chất hoặc tinh thần) đối với trẻ em là một trong những thói quen của nhiều "người lớn" (cha mẹ, người giám hộ, thầy cô, người chăm sóc trẻ...) thường áp dụng những thói quen này khi trẻ em (con cái, học sinh...) có những lỗi lầm để xử phạt, răn dạy các em với mong muốn có thể giúp các em (con cái) sửa chữa những hành vi sai trái, lỗi lầm. Cũng có những trường hợp người lớn đã không kềm chế được cơn nóng giận (rất nhiều nguyên nhân tác động đến) đã trút cơn giận lên chính những đưa trẻ (con cái), đã làm tổn thương đến thân thể, tinh thần của các em. Chính điều này đã bộc lộ sự bất lực của người lớn trong áp dụng các biện pháp giáo dục đối với những người lệ thuộc mình mà còn là 1 hành vi vi phạm pháp luật khi đánh đập ngược đãi trẻ em (con cái).
Để phát hiện sớm trẻ em bị bạo hành phải dựa trên các yếu tố như :
1.Thể chất: thân thể của trẻ em có các dấu vết bầm trên mặt, tay, chân, lưng, mông... vết rách, chảy máu, sưng, thâm tím, tụ máu...
2.Tinh thần: Trẻ có những rối loạn về giấc ngủ (ngủ mớ, khóc đêm, đái dầm, hốt hoảng, sợ bóng đêm...), lo âu, học hành sa sút, không thích đi học, sợ đi học, biếng ăn, nói dối... hoặc có những hành vi gây hấn khi có những biểu hiện va chạm với bạn bè...
Lê Minh Giang - minhgiang56@yahoo.com: Sau từng vụ việc bạo lực học đường dẫn đến bị thương, thậm chí gây tử vong học sinh, có bao giờ Sở Giáo dục - Đào tạo cho điều tra, tìm rõ nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ việc? Học sinh của trường có bao giờ được phát phiếu khảo sát để lấy ý kiến, suy nghĩ và đề ra giải pháp, nguyện vọng từ các em? Xin cám ơn.
- Ông Trần Khắc Huy (Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên Sở GD&ĐT TP.HCM) : Sau từng vụ việc bạo lực xảy ra tại các trường học trên địa bàn thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đều chỉ đạo hiệu trưởng các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra nhằm tìm hiểu rõ những nguyên nhân cụ thể để xử lý đúng người đúng tội, đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn đơn vị về những vụ việc trên. Tuy chưa phát phiếu khảo sát để lấy ý kiến, suy nghĩ, nguyện vọng của từng em nhưng thông qua các tổ chức Đoàn - Đội, các hoạt động phong trào, nhà trường phần nào cũng nắm bắt được những suy nghĩ, tình cảm của các em học sinh trong trường.
Minh Đăng- minhdang_0009@yahoo.com: Bạo lực nhà trường, bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, có tương quan với nhau trong một tổng thể mà nếu cứ để xảy ra mãi ngày càng nhiều, thì e mai này như là vượt đèn đỏ, leo vỉa hè của người đi đường hiện nay, chẳng ai còn quan tâm nữa? Các ông/bà nghĩ sao về điều này?
- Ths. Nguyễn Thị Tâm - GĐ. Trung tâm tư vấn tâm lý Hồn Việt: Khi một xã hội, mà cái ác, cái xấu, bạo lực diễn ra thường xuyên, thì việc ảnh hưởng đến lối sống nhân cách của cả một thế hệ là điều tất yếu.
Tiến trình thành nhân của một cá nhân chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường giáo dục và giao tiếp, do đó những hành vi bạo lực, những cư xử không đẹp, điều xấu, sự dữ tồn tại quá nhiều xung quanh các em sẽ ảnh hưởng lên cách sống, suy nghĩ và hành vi của các em rất nghiêm trọng.
Cho nên, muốn giáo dục tốt cho các em, trước hết phải bắt đấu từ người lớn, từ gia đình cha mẹ luôn sống và kiểm soát lối sống của mình sao cho luôn là tấm gương sáng trong cho con mình soi vào.
Trong nhà trường, thầy cô luôn là người chuẩn mực trong giáo dục nhân cách, luôn yêu thương nâng đỡ các em với tấm lòng của "Quân, Sư, Phụ".
Ngoài xã hội, người lớn sống và tương quan với nhau sao cho các em nhìn thấy mà tự hào và nhận rõ trách nhiệm của giới trẻ, đó là điều mà tất cả chúng ta đều phải phối hợp và quan tâm.
Ngọc Trúc - Quận 3 - TPHCM: Trẻ em trong cùng lớp mầm non cắn nhau chảy máu thì xử lý thế nào? Tại vì con tôi cứ bị đứa bé học cùng lớp Lá cắn hoài, mà báo với cô thì cô cứ "ừ, ừ", rồi tuần sau cháu lại bị cắn tiếp. Xin chân thành cảm ơn!
- Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng giáo dục mầm non Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM: Nếu con bạn học lớp Lá rồi mà còn bị bạn cắn thì chắc chắn cháu bé hay cắn bạn có vấn đề về răng hoặc về tâm lý. Bạn có thể trao đổi với giáo viên phụ trách để xác định rõ đó là bạn nào và tìm hiểu cụ thể về cháu bé, bạn có thể trao đổi trực tiếp với bé và bố mẹ của bé để hai bên có sự thông cảm và giúp các bé thân thiện với nhau hơn. Có thể qua giáo viên tìm hiểu mối quan hệ giữa hai bé và các bé khác trong lớp. Có thể đề nghị cô giáo đổi chỗ hoặc đổi vị trí của các bé trong khi ngồi ăn, trong khi ngủ, và trong các hoạt động để tránh sự tiếp cận gần gũi giữa hai bé. Sau khi thực hiện các biện pháp tích cực mà vẫn không ổn, bạn có thể nhờ sự giúp đỡ của ban giám hiệu.
Biện pháp cuối cùng có thể đổi cho bé hay cắn bạn sang một lớp khác. Ở môi trường mới, hy vọng bé không dám có những biểu hiện bạo lực như trên.
Hà Thu - Quận 3- TPHCM: Ở Việt Nam đã có chương trình tập huấn, hướng dẫn cho phụ huynh để giúp các cháu nhận biết được tình trạng bị bạo hành cũng như những trung tâm để được giúp đỡ?
- Ths. Nguyễn Thị Tâm - GĐ. Trung tâm tư vấn tâm lý Hồn Việt: Ở Việt Nam hiện nay đã có ban hành luật về Quyền Trẻ em, nhưng cụ thể luật như thế nào thì cộng đồng chưa nắm rõ, chưa hiểu sâu và tường tận.
Trong khả năng chuyên môn của mình, tôi đã từng phối hợp với Báo Phụ Nữ TP, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP, tổ chức hội thảo về bạo hành gia đình và trẻ em, có mời các đơn vị của Hội Liên hiệp Phụ nữ 22 quận, huyện, Ban Tư pháp tham dự. Chúng tôi cũng công bố một số đường dây nóng hỗ trợ khi có bạo hành, cho các tổ chức biết để tuyên truyền trong cộng đồng .
Chương trình tập huấn về bạo hành theo tôi biết thì vẫn chưa có, chỉ một số dự án của các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ tham gia giải quyết một số hậu quả cho nạn nhân bị bạo hành như tổ chức mái ấm, nhà mở, nhà tạm lánh cho các chị em và trẻ em...
Vũ Anh - Gò Vấp: Phải chăng ngoài việc trẻ thiếu sân chơi, áp lực học hành, game bạo lực, tính ích kỷ... thì nguyên nhân nhà trường, gia đình ít quan tâm giáo dục đến kỹ năng sống cho trẻ mà chỉ chăm về học vấn đã làm cho việc bạo lực xảy ra. Nhà trường đã, đang và sẽ có những hình thức nào để tạo sân chơi, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.
- Ông Trần Khắc Huy (Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên Sở GD&ĐT TP.HCM): Hiện nay thông qua phong trào thi đua "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" do Bộ và Sở Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo, nhiều trường học đã tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động phong trào, văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian, giáo dục truyền thống, kỹ năng sống cho học sinh...v.v. Bên cạnh vấn đề về truyền đạt kiến thức cần thiết cho học sinh thì những hoạt động trên chính là những sân chơi lành mạnh, bổ ích nhằm hoàn thiện về đạo đức lối sống và nhân cách cho trẻ.
Như Khuê - Quận 5 - TPHCM: Trong hai năm qua tại TPHCM có bao nhiêu vụ bạo hành trẻ em và Sở Lao động – Thương Binh & Xã hội có những biện pháp gì đối với những vụ việc này?
Bà Phan Thanh Minh - Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em (Sở LĐ - TB & XH TPHCM): Trong hai năm qua, tại TPHCM xảy ra 6 trường hợp trẻ em bị bạo hành. Khi tiếp nhận thông tin từ cộng đồng, Phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em - Trung tâm Công tác xã hội thuộc Sở LĐ TB & XH đã cùng với cán bộ Trẻ em phòng LĐTB & XH quận, phường, và cử cán bộ cùng xuống ngay nơi xảy ra vụ việc để nắm bắt thông tin và có các biện pháp can thiệp xử lý.
Đối với trẻ em là nạn nhân bị bạo hành:
- Tiếp cận các em và kiểm tra các dấu vết trên thân thể trẻ (trường hợp mới xảy ra) nếu có mức độ thương tổn thì yêu cầu đưa trẻ đi cấp cứu (trạm y tế phường xã, trung tâm y tế, bệnh viện quận huyện...) để được điều trị phục hồi sức khỏe.
- Nếu các em có những rối loạn về tâm lý (khủng hoảng, lo âu, sợ hãi...) thì được trao đổi, chia sẻ nhằm giúp các em ổn định tâm lý. Nếu những trường hợp bị sang chấn nặng thì chúng tôi tiếp tục hỗ trợ lâu dài cho trẻ.
- Nếu nơi ở của trẻ (gia đình, nơi chăm sóc) không an toàn cho trẻ (có những hành vi bạo hành bị lập lại) thì chúng tôi sẽ cùng với địa phương tạm thời tách trẻ ra khỏi nơi ở (gia đình, nơi chăm sóc), nhưng phải có sự đồng ý của trẻ để gửi trẻ vào các cơ sở bảo trợ xã hội (công lập và dân lập). Đồng thời tiếp tục giúp trẻ ổn định về sức khỏe, tâm lý và các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với độ tuổi của các em.
Đối với người bạo hành trẻ em (gia đình, người chăm sóc trẻ), tùy theo hành vi và mức độ xảy ra đối với trẻ, chúng tôi có những biện pháp xử lý khác nhau như: đưa ra Tổ dân phố họp góp ý nhắc nhở, công an phường mời lên nhắc nhở cảnh cáo và bắt làm cam kết. Nếu tiếp tục tái phạm thì đề nghị Chủ tịch UBND phường xã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (theo Nghị định 114/2006/NĐ-CP ngày 3 tháng 10 năm 2006). Những trường hợp nghiêm trọng hơn, chúng tôi yêu cầu ngành công an phải xử lý hình sự.
Ngoài ra, Sở LĐ TB & XH TPHCM cùng phối hợp với ban ngành đoàn thể Thành phố tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về Luật Bảo vệ Chăm sóc Giáo dục Trẻ em năm 2004, NĐ 114/2006/NĐ-CP ngày 3 tháng 10 năm 2006 về Quy định Xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em, các tác hại về bạo hành đối với trẻ em, kỹ năng làm cha mẹ... cho cán bộ các cấp, các ngành và đặc biệt là gia đình (cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ em). Đồng thời phối hợp với ngành giáo dục để đưa các nội dung về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em đến với học sinh trong nhà trường để giúp cho các em hiểu về các quyền của mình, trang bị cho các em các kỹ năng sống giúp cho các em biết cách tự bảo vệ mình trước các nguy cơ có thể xảy ra cho các em.
Chúng tôi cung cấp cho cộng đồng và trẻ em các địa chỉ dịch vụ miễn phí để hổ trợ cho các em và gia đình các số điện thoại cần thiết như: 113 - 38202965 - 38225842 - 38215878 - 38218507 - 18001567.
Thủy Tiên - thuytien80@hotmail.com.vn: Như tôi thấy hiện nay có rất nhiều bà mẹ dạy học con nhưng lại đánh con rất tàn nhẫn. Như vậy hành vi này có phải là bạo hành gia đình không? Và những hành vi như thế này có bị pháp luật trừng trị không?
- Ths. Nguyễn Thị Tâm - GĐ. Trung tâm tư vấn tâm lý Hồn Việt: Các bà mẹ này không ý thức đó là hành vi bạo lực, họ chỉ đơn giản nghĩ rằng con họ không ngoan thì họ đánh, đánh là cách giải quyết vấn đề với con nhanh và hiệu quả nhất theo họ nghĩ.
Những hành vi này hiện nay chưa bị pháp luật trừng trị, mặc dù họ đã vi phạm quyền trẻ em,nhưng vì vẫn còn quan niệm: con mình sinh ra thì mình có quyền đánh đập để dạy dổ con,
Cha mẹ cần có ý thức hơn trong việc dạy con, vì thứ "văn hóa roi vọt" không giải quyết được bài toán dạy con nên người, nó chỉ là mầm mống tạo ra bạo hành tiếp nối mà thôi.
Hoàng Hoa - Hoanghoa122@gmail.com: - Hiện nay việc đánh trẻ, dọa nạt trẻ xuất hiện ở không ít trường, kể cả trường công lập. Con tôi đi học về mách rằng cô tát con, tôi rất xót xa vì điều này. Ngành giáo dục chẳng lẽ không có biện pháp cứng rắn để ngăn cấm những hành vi đánh hay dọa trẻ, thưa bà.
- Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng giáo dục mầm non Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM: Khi có hiện tượng trên, bạn cần gặp ngay cô giáo đã có hành vi bạo lực đó để tìm hiểu cụ thể sự chính xác của sự việc và yêu cầu giáo viên giải thích. Nếu thấy không thỏa đáng, bạn có thể tìm sự giúp đỡ của ban giám hiệu.
Tuy nhiên, cần bình tĩnh, thông cảm và thiện chí với nhà trường, tránh các xung đột chưa cần thiết gây không khí căng thẳng không có lợi cho trẻ trong lớp. Một số giáo viên còn trẻ chưa có kinh nghiệm làm việc với trẻ em hoặc có tính nóng nảy thiếu kiềm chế, nên thỉnh thoảng có những hành vi bạo lực tùy mức độ căng thẳng của hoàn cảnh.
Trong ngành giáo dục, chúng tôi hàng năm đều có cho giáo viên học tập sinh hoạt về đạo đức nhà giáo và các quy định của luật pháp về nghĩa vụ và trách nhiệm của giáo viên vào mỗi đầu năm học và có đề ra rất nhiều biện pháp để chống căng thẳng, giảm áp lực và giảm tải cường độ lao động cho giáo viên, giúp giáo viên có điều kiện làm việc dễ dàng đỡ căng thẳng, tuy nhiên ở một số trường do sĩ số đông, điều kiện làm việc chưa được cải thiện tốt hoặc thiếu giáo viên có thể là những áp lực khách quan dẫn tới các hành vi bạo lực thiếu kiềm chế ở một số giáo viên.
Ngoài ra, có một số trẻ em do chưa có kỹ năng tự phục vụ, rất khó ăn khó ngủ hoặc hơi cá biệt về mặt tính tình cũng là những áp lực đối với các giáo viên còn trẻ chưa có kinh nghiệm tiếp xúc với trẻ em. Các phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giúp đỡ giáo viên để cho việc nuôi dạy trẻ trong lớp trở lại bình thường. Chỉ có sự giám sát, trao đổi trực tiếp của phụ huynh hàng ngày đối với giáo viên và nhà trường mới là những biện pháp tốt nhất và kịp thời nhất để bảo vệ trẻ. tuy nhiên, Nếu sau tất cả những biện pháp đó mà vẫn không đạt hiệu quả, ông, bà cũng có thể thông báo cho phòng giáo dục hoặc sở giáo dục địa phương can thiệp xử lý.
Như Hồng - nhuhong@gmail.com: - Tôi đã từng chứng kiến cháu tôi bị cô giáo cầm tay bé kéo vào nhà tắm, may mà cháu không bị gãy hay trật tay nhưng lúc đó cháu khóc rất nhiều. Với tình huống đó tôi phải làm sao bởi nếu làm dữ với cô giáo thì cô sẽ ghét cháu. Theo bà tôi nên xử lý thế nào với cô khi gặp tình huống này?
- Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng giáo dục mầm non Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM: Khi nhìn thấy vụ việc đó, anh/chị có thể giữ ngay cô giáo lại để hỏi rõ nguyên nhân lý do việc đó. Nếu thấy không thỏa đáng, có thể yêu cầu ban giám hiệu giải quyết xử lý. Trường hợp giáo viên có nhiều hành vi bạo lực gây nguy hiểm cho trẻ không sửa chữa sau các nhắc nhở, phải được thay đổi chỗ làm việc và không cho tiếp xúc với trẻ. Ban giám hiệu của trường đó sẽ tùy mức độ để xử lý theo đúng quy định của ngành.
Văn Học- Quận 4 - TPHCM: Chuyện đánh nhau của học sinh bây giờ đã trở nên phổ biến, ngay cạnh nhà tôi có trung tâm giáo dục thường xuyên, học sinh của trung tâm thường xuyên tụ tập trong hẻm để đánh nhau. Ông nghĩ sao về những chuyện này thưa ông?
- Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HSSV Sở GD&ĐT TP.HCM: Nhìn chung đa số học sinh của chúng ta đều ngoan và tốt cả, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp các em chưa ngoan cần phải được nhà trường và gia đình phối hợp chặt chẽ để giáo dục tốt hơn. Nếu thấy các em học sinh của trung tâm GDTX quận 9 thường xuyên tụ tập trong hẻm ở cạnh nhà ông để đánh nhau thì ông có thể gọi điện thoại liên hệ với nhà trường cùng chính quyền địa phương để ngăn chặn kịp thời và nhà trường sẽ có biện pháp thích hợp phối hợp cùng gia đình giáo dục các em tốt hơn.
Nhật Minh - nhatminh@gmail.com: - Con tôi 20 tháng tuổi, tôi tính gửi con đi nhà trẻ nhưng gần đây thấy các vụ bạo hành ở các trường tôi rất lo lắng. Làm sao có thể tránh được tình trạng này, thưa bà?
- Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng giáo dục mầm non Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM: Nếu có điều kiện nuôi con tại gia đình, tốt nhất anh/chị nên giữ bé ở nhà tới 36 tháng hãy gửi trẻ tới trường vì một số lý do sau đây:
1. Trẻ dưới 36 tháng chỉ thật sự phát triển tốt trong hoàn cảnh được tiếp xúc trực tiếp với bố mẹ hoặc ông bà theo tỷ lệ 1:1 vì ở lứa tuổi này trẻ chưa có nhu cầu giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa, hay lây nhiễm bệnh tật khi sống trong lớp học quá đông và chưa biết tự phục vụ bản thân nên dễ bị tổn thương khi phải sống xa người thân. Chỉ nên gửi con cho người khác khi bạn không còn cách nào khác.
2. Các trường mầm non hiện nay đều quá tải, đặc biệt là các trường tốt. Với áp lực quá tải như vậy, rất khó để có thể tránh được nguy hiểm một cách tuyệt đối cho trẻ.
3. Do có nhiều giáo viên được đào tạo cấp tốc hoặc đào tạo theo kiểu không chính quy để đáp ứng nhu cầu phát triển trường lớp quá nhanh tại thành phố nên nhiều giáo viên thiếu các kỹ năng xử lý tình huống và các đức tính kiên nhẫn đối với trẻ trong các tình huống căng thẳng và áp lực.
Minh Hằng - minhhang78@yahoo.com: - Con tôi 3 tuổi, tôi muốn cho con đi học ở trường mầm non nhưng thấy các trường mầm non công lập sĩ số bé đông quá tôi thấy rất lo lắng. Theo bà, tôi có nên cho con học ở trường mầm non tư thục hay không? Cũng có một số trường tư tuy sĩ số ít nhưng lại từng xảy ra tình trạng bạo hành trẻ vậy tôi phải quyết định sao đây?. Xin cám ơn! .
- Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng giáo dục mầm non Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM: Có nhiều trường tư cũng rất tốt. Các cơ sở xảy ra bạo hành với trẻ thời gian qua phần lớn thuộc các nhóm trẻ tự phát, chưa được cấp phép hoặc các cơ sở nhóm lớp mầm non tư thục đã có phép, có mức thu học phí rất thấp. Những nơi này do không tuyển được giáo viên hoặc bảo mẫu được đào tạo chính quy bài bản nên đã sử dụng người tay ngang. Bạn có thể tìm hiểu ở các phòng giáo dục thuộc quận huyện nơi bạn sống về các trường tư thục tốt trên địa bàn để gửi con. Chúc bạn như ý!
Quang Thanh - Quận 5- TPHCM: - Con bé nhà tôi hơn 2 tuổi đi học thường xuyên bị bạn cào cấu, thậm chí bị cắn tím bầm, trách nhiệm này là của ai thưa bà?
- Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng giáo dục mầm non Sở giáo dục Đào tạo TPHCM: Trẻ 2 tuổi còn đang tiếp tục mọc răng và hay tranh nhau đồ chơi, chưa biết cách nhường nhịn và giao tiếp nên hay xảy ra cắn nhau hoặc cào sướt tay chân của bạn, bạn có thể trao đổi với giáo viên phụ trách lớp để tìm cách giải quyết. Ngành giáo dục đã yêu cầu các trường phải xây dựng môi trường thân thiện và an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, với các bé nhà trẻ, việc này lại tùy thuộc vào khả năng xử lý của giáo viên, cách sắp xếp chỗ ngồi chỗ chơi, chỗ ngủ cho trẻ. Với một số trẻ thường xuyên có thói quen cắn bạn, có thể đề nghị chuyển bé đó lên lớp lớn hơn (3 tuổi hoặc 4 tuổi) một thời gian. Ở lớp các anh chị lớn, có thể bé không dám hành xử bạo lực như thế. Trong nhiều trường hợp, giáo viên cũng không kịp can thiệp, nhất là ở những lớp quá đông trẻ.
Minh Chuyên - Quận Bình Thạnh - TPHCM: - Chuyện cào cấu, cắn đến chảy máu là có thật. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ trở nên nguy hiểm vì lỡ trẻ bị viêm nhiễm, lây lan các mầm bệnh qua đường này thì sao? Ngành giáo dục có biện pháp gì để giải quyết các tình huống này hay chưa?
- Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng giáo dục mầm non Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM: Theo ngành y tế, việc lây nhiễm bệnh tật qua đường miệng do trẻ cắn nhau là không có. Chúng tôi đề nghị phụ huynh yên tâm và có những bàn bạc cụ thể với giao viên phụ trách lớp hoặc ban giám hiệu tùy mức độ của những vụ việc để giải quyết thỏa đáng và triệt để. Tuy nhiên, trong bất kỳ tình huống nào cũng nên có thiện chí, bình tĩnh và sự cảm thông thì mọi sự sẽ được giải quyết tốt đẹp.
Ngọc Nga - Quận 5 - TPHCM: - HIện nay, nạn bạo hành trong nhà trẻ, trường mầm non xảy ra ngày càng nhiều phải chăng do sĩ số học sinh quá đông nên các cô bị áp lực về tâm lý. Hiện các trường phổ thông đã có phòng tâm lý học đuờng, còn các truờng mầm non thì chưa trong khi các cô giáo mầm non cũng rất cần được giải tỏa những căng thẳng do công việc đem laị. Bà nghĩ sao về điều này ?
- Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng giáo dục mầm non Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM: Ý kiến của bạn rất hay, chúng tôi cũng đã suy nghĩ tới các vấn đề này. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý hiện chưa đủ để cung cấp cho tất cả các trường cùng một lúc. Có thể chúng tôi sẽ gợi ý cho các trường lớn có sĩ số trẻ đông có thể hợp đồng theo giờ với các nhà tâm lý để tới trường tư vấn cho phụ huynh và giáo viên trong những thời gian nhất định của tuần hoặc tháng. Chúng tôi cũng sẽ thông báo một số địa chỉ tư vấn của các trung tâm tư vấn tâm lý cho các giáo viên và phụ huynh trong ngành. Ngoài ra, đài 1080 có dịch vụ tâm lý trực tuyến 24/24, các giáo viên và phụ huynh có nhu cầu có thể gọi điện xin tư vấn qua điện thoại. Đây cũng là một biện pháp rất tốt để giải tỏa áp lực tâm lý cho giáo viên, học sinh, phụ huynh. Xin cảm ơn rất nhiều!
Nguyễn Đắc Nghĩa - nghianguyendac@yahoo.com - Cần Thạnh, Cần Giờ: - Học đuờng vốn là nơi dạy và học làm nguời tốt cả về trí và đức. Thế nhưng hiện nay bạo hành và bạo lực học đuờng lại liên tục xảy ra! Xin ngành giáo dục đào tạo cho biết vì sao lại có sự "ngang trái" này?.
- Ông Trần Khắc Huy (Trưởng phòng công tác HSSV Sở GD&ĐT TP.HCM): Từ xưa đến nay nhà trường vốn là nơi giáo dục, đào tạo con người về đức, trí, thể, mỹ, sức khỏe, về lối sống, về lý tưởng.v.v.. để phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc. Hiện tượng bạo lực học đừơng xảy ra trong thời gian gần đây chỉ là hiện tượng cá biệt của một bộ phận nhỏ học sinh chưa ngoan chứ không phải là hành động thường xuyên của số đông học sinh.
Hà Nhiên -Bình Chánh - TPHCM: - Rất nhiều trường hợp học sinh lớp nhỏ bị học sinh lớp lớn hoặc một nhóm học sinh cùng trường chặn đường bắt nạt buộc phải nộp tiền để yên thân. Hầu hết đến khi sự việc trầm trọng người lớn mới phát hiện. Làm sao để phát hiện sớm trẻ bị trấn lột?
- Ông Trần Khắc Huy (Trưởng phòng Công tác HSSV Sở GD&ĐT TP.HCM): Để phát hiện sớm trẻ bị trấn lột thì phải có sự phối hợp tốt giữa gia đình và nhà trường nhằm quản lý chặt chẽ việc học tập, sinh hoạt nhất là việc sử dụng tiền bạc chi tiêu của trẻ. Thầy cô giáo, cha mẹ phải thường xuyên gần gũi, thân thiện và tạo điều kiện cho trẻ tâm sự, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong học tập, sinh hoạt hàng ngày để nắm bắt và ngăn chặn kịp thời những trường hợp trẻ bị bắt nạt.
Buổi giao lưu đến đây kết thúc, chân thành cảm ơn sự quan tâm theo dõi và tham gia giao lưu của quý độc giả.
SGGP Online; Ảnh: Cao Thăng