Trong khuôn khổ chương trình “Những hoạt động chào mừng 54 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam: 15-3-1953 – 15-3-2007” tại Nhà văn hóa Điện ảnh TPHCM, cuộc tọa đàm với chủ đề: “Đội ngũ và kỹ thuật làm phim hoạt hình” (Việt Nam) do Viện phim VN Trung tâm Nghiên cứu nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh tại TPHCM tổ chức vào sáng 14-3 đã thu hút sự tham gia của nhiều người trong nghề, các cơ quan truyền thông và những người quan tâm.
Trong 54 năm hình thành và phát triển, điện ảnh Việt Nam đã có khoảng 400 phim hoạt hình ra đời với các thể loại khác nhau: vẽ, búp bê, cắt giấy... và gần đây là phim 3D. Song cũng trong ngần ấy năm, liệu có bao nhiêu phim thực sự đi vào lòng công chúng?
Từ thuở khai sinh (1960) cho tới khoảng năm 1989, phim hoạt hình VN (HHVN) vẫn được sản xuất hàng năm bởi nhiều nghệ sĩ được đào tạo bài bản ở nước ngoài (chủ yếu là Liên Xô cũ). Nhưng hơn mười năm sau đó, chỉ Hãng phim HHVN (Hà Nội) là duy trì hoạt động thường xuyên, còn xưởng phim hoạt hình ở phía Nam thuộc Hãng phim Giải Phóng đã trải qua một giai đoạn khó khăn, bị thu hẹp cả về quy mô tổ chức và nhân sự, thậm chí có nhiều năm gián đoạn, không có tác phẩm. Hãng chỉ thực sự được gầy dựng lại, được đầu tư sản xuất trong mấy năm gần đây.
Vào thời điểm này, cánh cửa WTO đã rộng mở như một cơ hội và cả những thách thức đối với đất nước và con người VN. Điện ảnh dân tộc, trong đó có thể loại hoạt hình, đang đứng trước áp lực phải chuyển mình, phải đổi thay để sống và phát triển.
Giờ đây, không chỉ các đài TH trung ương, Đài TH TP Hồ Chí Minh và nhiều đài khác… mà các công ty tư nhân nhạy bén cũng đã tiếp cận với những kỹ thuật đồ họa tiên tiến nhất. Họ còn nhập phim hoạt hình về lồng tiếng rồi hoàn tất phần âm thanh ở nước ngoài, nhắm tới thị trường phim hoạt hình đầy tiềm năng trong nước.
Nhưng, đáng ngại hơn cả là các hãng hoạt hình nước ngoài - những người khổng lồ - sẽ không bỏ qua thị trường béo bở này. Bằng sức mạnh của công nghệ, của đồng vốn và những chiêu thức kinh doanh chuyên nghiệp họ sẽ “đổ bộ” vào và cầm chắc là phim hoạt hình VN sẽ bị thua ngay trên sân nhà!
Có phải vì vậy mà buổi tọa đàm tại Nhà VH Điện ảnh TPHCM sáng 14-3 không chỉ xoay quanh chủ đề hạn hẹp ban đầu là “vấn đề đội ngũ và kỹ thuật làm phim hoạt hình” (tại VN) mà còn đề cập tới các vấn đề cốt lõi khác đang chi phối số phận phim HHVN như: Điểm yếu nhất của phim HHVN là gì? (khô khan, thiếu sự bay bổng đặc thù của thể loại, dẫn đến việc công chúng quay lưng); Nguyên nhân nào gây nên tình trạng đó? (Hiểu chưa đúng về “tính giáo dục” của phim HH nên áp đặt khiên cưỡng trong suốt thời gian dài…); Có thể hiểu thế nào về tính “giải trí” của phim HH? “Tính giải trí” có mâu thuẫn với “tính giáo dục” không? Vấn đề cần đặt lại và làm sáng tỏ bởi vì chỉ cần phim “hay và đẹp đã là giáo dục rồi”? (GS Trần Trọng Đăng Đàn).
Dường như vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” của HHVN đã được những người trong cuộc (và cả những người tham dự tọa đàm) trả về cho những người chịu trách nhiệm đích thực về hiện trạng đáng buồn của HHVN hôm nay. Đó là những người quản lý, đầu tư, những người hoạch định chính sách… cũng như định hướng phát triển của điện ảnh nước nhà trong thời khắc cánh cửa WTO đã rộng mở.
Những vị tiền bối – trong số các vị tiền bối của HHVN – như NSND Trương Qua; nhà báo – nhà biên kịch Cao Thụy… luôn giữ được lòng tin (có phần không thể lý giải hết) là “HHVN sẽ sống và mãi sống”…
Phải chăng, đó cũng là ước nguyện, là giấc mơ của bao người VN? Vấn đề còn lại là phải làm thế nào để biến giấc mơ ấy thành hiện thực. Một hiện thực gần nhất!
NGUYỄN THỊ ĐOAN HÙNG