Nỗi lo bể giải

Khi mùa giải V-League chỉ mới trôi qua 2 vòng đấu, đột nhiên Chủ tịch VFF bày tỏ lo ngại khi cho rằng sắp tới có khả năng 2 - 3 đội bóng sẽ phải bỏ giải vì lý do tài chính. Nghe cứ nhẹ như không!

Theo điều lệ thi đấu V-League, hình phạt nặng nhất cho việc tự ý bỏ giải là phải xuống thi đấu giải hạng 3 mùa tới. Nghe có vẻ nặng nhưng thực tế, phạt như vậy cũng bằng không. Bởi một đội bóng đã không đủ tài chính và nhân sự để thi đấu thì cũng chẳng còn năng lực để duy trì CLB cho ra hồn. Khi đã quyết bỏ, gần như họ cũng chẳng còn thiết tha làm bóng đá nữa.

Đứng ở góc độ của ban tổ chức, thiếu 1, 2 đội bóng phải vất vả điều chỉnh lại lịch thi đấu. Tuy nhiên, dù khó khăn bao nhiêu thì hậu quả lớn nhất lại không phải do ban tổ chức gánh chịu mà là cả làng cầu, nhất là ảnh hưởng đến kinh tế xã hội.

Trước mắt là uy tín. Để được thi đấu V-League, các CLB phải hội đủ điều kiện của quy chế bóng đá chuyên nghiệp và cam kết tuân thủ điều lệ thi đấu. Thế nhưng, VFF và cả Công ty VPF lại giám sát kiểu gì mà để các CLB rơi vào tình trạng có thể phải bỏ giải vì không đủ tiền thi đấu? Cần nhớ rằng, những khó khăn về tài chính vốn đã được cảnh báo từ rất lâu chứ không phải do “điều kiện bất khả kháng”. Đây phải gọi là tình trạng “biết mà vẫn làm liều” và rõ ràng, trách nhiệm của cơ quan quản lý là không thể không truy cứu.

Kế đến, dù là sở hữu tư nhân nhưng các CLB bóng đá là một dạng doanh nghiệp xã hội. Mỗi CLB đều có trách nhiệm với địa phương, lại đại diện cho nền bóng đá của một tỉnh, thành. Việc bỏ giải không đơn thuần chỉ là sự phá sản của một doanh nghiệp mà có thể phá nát toàn bộ nền tảng phong trào, bởi ai cũng biết, phong trào chỉ có thể phát triển nếu có được thành tích đỉnh cao. Như vậy, địa phương có đội bóng bỏ giải cũng cần xem lại hoạt động giám sát của mình.

Nhìn rộng hơn, không thể có một nền bóng đá quốc gia tiên tiến nếu người ta thích thì đổ tiền là có ngay đội bóng; không thích thì sẵn sàng dẹp bỏ CLB bất kỳ lý do gì như bóng đá phong trào. Ở một nền tảng mong manh và thiếu căn cơ như vậy, liệu rằng chúng ta lấy cơ sở nào để thực hiện chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt. Nói nôm na: quản lý hoạt động thi đấu của một mùa giải còn chưa xong, năng lực đâu để thực hiện chiến lược dài hơi 10 - 20 năm?

Giới chuyên môn cho rằng, để dẫn đến tình trạng vừa đá vừa lo bể giải như thế này là hậu quả của một quá trình làm bóng đá chạy theo thành tích mà sẵn sàng du di, thậm chí là cẩu thả trong công tác quản lý, nhất là việc giám sát các tiêu chuẩn của một CLB chuyên nghiệp. Bởi nếu căn cứ đúng quy chế chuyên nghiệp thì việc có một CLB chuyên nghiệp đúng nghĩa là không dễ dàng, đầu tư rất nhiều tiền của, cũng đồng nghĩa với việc chẳng thể bỏ ngang một cách đơn giản.

Một lần nữa, trách nhiệm và năng lực tổ chức quản lý bóng đá của VFF thật sự có vấn đề. Vì thế, trước khi bắt tay vào việc thực hiện chiến lược bóng đá 2020 - 2030 thì điều đầu tiên là cần cải tổ mạnh mẽ bộ máy của VFF ngay từ đại hội nhiệm kỳ 7 đầu tháng 6 tới đây.

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục