Tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn TPHCM vẫn có chiều hướng gia tăng, thậm chí có nơi nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh. Trước thực tế đó, TPHCM đã huy động nhiều nguồn lực trong xã hội và ngoại lực để thực hiện công tác bảo vệ môi trường.
Trong thực tế, thành phố đã thực hiện nhiều công trình hạ tầng góp phần giảm thiểu lượng khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, như tăng diện tích cây xanh và mặt nước, sử dụng điện một cách có hiệu quả trong sản xuất và sinh hoạt, phát triển năng lượng tái tạo (mặt trời, gió và sinh học), xây dựng hệ thống xe buýt sử dụng khí sinh học, triển khai việc sử dụng xăng sinh học E5, giảm lượng nước sạch rò rỉ, xử lý nước thải, chất thải rắn, sử dụng vật liệu không nung… góp phần làm giảm hàng trăm, ngàn tấn CO2 mỗi năm. Các hoạt động thực hiện kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của TP đang tạo nên các tiền đề tích cực cho giai đoạn tiếp theo như chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở quận 1, TPHCM; dự án xây dựng nhà máy đốt chất thải rắn phát điện.
Song song với nội lực tự cải thiện chất lượng môi trường, TP còn tận dụng đáng kể nguồn ngoại lực thông qua các chương trình ký kết, hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới để được hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Điển hình như chương trình hợp tác giữa TPHCM và TP Osaka (Nhật Bản) trong việc triển khai dự án “Phát triển thành phố carbon thấp”. Dự án cho phép tính toán chính xác mức độ phát thải CO2 của TPHCM; nguyên nhân phát sinh nguồn thải. Từ đó, xác định mục tiêu giảm thiểu phát thải và đề xuất chính sách, giải pháp hành động để đạt mục tiêu trên. Ngoài ra, cơ chế tín dụng chung (JCM - Joint Crediting Mechanism) đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam được hỗ trợ tài chính để đổi mới hoạt động sản xuất theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường hay hợp tác với các nước phát triển để “phát triển các công trình tiết kiệm năng lượng với công nghệ cao”. Không dừng lại ở đó, TPHCM cũng đã hợp tác với TP Rotterdam (Hà Lan) triển khai chương trình “TPHCM phát triển về phía biển đông thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận rằng, việc cải thiện chất lượng môi trường vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay không thể thực hiện được chỉ trong ngày một ngày hai. Mặt khác, không chỉ tự lực cánh sinh mà cần phải kết hợp được cả nội lực và ngoại lực mới mong giải quyết được các vấn đề ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, TPHCM cần tranh thủ sự hỗ trợ về khoa học công nghệ, nguồn vốn và tự bản thân TP cũng phải có những chính sách phù hợp để thu hút nhà đầu tư, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân bằng những hoạt động cụ thể.
HỒNG HÀ