Nội lực yếu, hội nhập kém

Trong những năm qua, Việt Nam đã hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới khi ký kết hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA), gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)… Muốn hội nhập hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam cần có nội lực đủ mạnh. Tuy nhiên, nền kinh tế chúng ta đang rơi vào tình trạng “lên bờ xuống ruộng”, sức cạnh tranh yếu ớt, có nguy cơ tụt hậu và lệ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới.

Trong những năm qua, Việt Nam đã hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới khi ký kết hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA), gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)… Muốn hội nhập hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam cần có nội lực đủ mạnh. Tuy nhiên, nền kinh tế chúng ta đang rơi vào tình trạng “lên bờ xuống ruộng”, sức cạnh tranh yếu ớt, có nguy cơ tụt hậu và lệ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới.

Sau 6 năm gia nhập WTO, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm, bất ổn vĩ mô tăng, doanh nghiệp nội địa yếu kém. Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong khi kinh tế thế giới đang dần thoát khỏi khủng hoảng thì Việt Nam lại đang rơi vào điểm “nghẽn” tăng trưởng.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) được công bố vào năm 2011 và 2012, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam giảm 16 bậc, xuống hạng 75 trong tổng số 144 quốc gia được khảo sát (thấp nhất kể từ khi Việt Nam được xếp hạng). Trong báo cáo công bố năm 2011, Việt Nam được đánh giá cao ở sự ổn định kinh tế vĩ mô (tiến 20 bậc) nhưng đến năm 2012 đã bị hạ 41 bậc. Dù thực lực kinh tế Việt Nam đã tăng 5 lần sau hơn 25 năm đổi mới nhưng vẫn còn rất yếu. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, nguồn nhân lực trình độ thấp, nhiều bất cập trong giáo dục, hệ thống cơ sở hạ tầng, cảng biển hạn chế…

Theo GS-TS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nước ta có tỷ lệ tích lũy vốn khá cao, khoảng 30% GDP, tương đương khoảng 40 tỷ USD. Tuy nhiên, các nước như Thái Lan chỉ tích lũy 20% GDP đã tương đương hơn 60 tỷ USD, ở Malaysia là 20% GDP tương đương hơn 50 tỷ USD. Điều này có nghĩa nếu Việt Nam không sử dụng vốn có hiệu quả hơn các nước này thì khoảng cách giữa Việt Nam với họ sẽ ngày càng xa hơn, nguy cơ tụt hậu kinh tế ngày càng rõ. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là nông sản, khoáng sản, hàng gia công, lắp ráp… Vì thế Việt Nam vẫn chưa thể là một “mắt xích” không thể thay thế trong chuỗi sản xuất của kinh tế thế giới, tức chúng ta chưa có vị thế độc lập trong hệ thống kinh tế toàn cầu.

Theo các chuyên gia, muốn phát triển chúng ta cần phải nâng cao nội lực của nền kinh tế, đồng thời kết hợp với xu thế toàn cầu hóa từ bên ngoài. Việt Nam phải tham gia bình đẳng vào chuỗi sản xuất toàn cầu, không phải chỉ gia công với giá trị thấp như hiện nay. Việt Nam cũng cần có một chiến lược rõ ràng để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ khi hội nhập vào kinh tế thế giới.

NGỌC QUÝ

Tin cùng chuyên mục