
Hiện nay, trong ngành y tế có một thực trạng: nhiều kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh của bệnh nhân (BN) ở tuyến dưới không được tuyến trên chấp nhận; của phòng khám – trung tâm chẩn đoán không được bệnh viện (BV) chấp nhận; thậm chí xét nghiệm của BV này không được BV kia chấp nhận... Tình trạng này đã gây không ít lãng phí cho BN về sức khỏe, tiền bạc, thời gian.
Bệnh nhân chịu thiệt

Chụp CT ở Medic. Ảnh: HỒNG LOAN
Ông Trần Thanh Bằng từ Bảo Lộc xuống TPHCM nội soi đại tràng tại Phòng khám quốc tế U, phát hiện có Polyp (một u nhỏ) nhưng nơi đây không cắt bỏ được nên ông Bằng phải qua BV B để điều trị. Khi đưa kết quả của Phòng chẩn đoán U, BS ở BV B không chấp nhận.
Ông Bằng bủn rủn vì lại phải tốn tiền và chịu đau thêm hai lần nữa (nội soi lại và nội soi cắt bỏ) vì nội soi đại tràng phải đút ống từ đường hậu môn lên nên bắt buộc BN nhịn ăn từ chiều ngày hôm trước cho đến sáng hôm sau, chỉ uống nước pha thuốc xổ để đi tiêu cho thật sạch đường ruột.
Còn một BN chụp X-quang, siêu âm, rồi cả CT ở Trung tâm M, qua hình ảnh phát hiện có khối u ở phổi nhưng vì Trung tâm M không điều trị nội trú và không thực hiện ca mổ nên BN phải chuyển qua BV Đ. Ngay ngày hôm sau, BV này bắt BN làm lại theo quy trình ban đầu khiến BN tốn thêm 1,5 triệu đồng nữa, chưa kể thời gian chầu chực cả ngày.
Còn anh Nguyễn Hữu Cần, quê Quảng Ngãi, đã làm xét nghiệm và chẩn đoán bệnh thận tại BV đa khoa Đà Nẵng rất kỹ nhưng khi vào BV R TPHCM thì tất cả kết quả của anh trong hồ sơ bệnh án không có giá trị, tuy thời gian anh đến 2 bệnh viện chỉ cách nhau vài ngày. Còn anh Đỗ Gia Trường, ở Tân Phú, trong lần đi khám tổng quát tại BV 115, trong đó có xét nghiệm máu thử viêm gan siêu vi B.
Khi nhận kết quả, anh mừng vì chưa bị nhiễm nên ngày hôm sau anh chạy qua Viện P để chích ngừa nhưng khi đưa phiếu xét nghiệm kết quả của BV 115 thì phòng chích ngừa của Viện P không chấp nhận, bắt xét nghiệm máu lại.
Trên đây chỉ là vài trong hàng ngàn trường hợp mà BN phải chịu phiền hà, tốn kém do các BV, trung tâm chẩn đoán không chấp nhận kết quả của nhau. Không riêng gì BV công và BV tư không chấp nhận kết quả của nhau mà cả BV tư với BV tư, BV công với BV công cũng tương tự.
Các BV cùng tuyến, trang thiết bị ngang nhau không chấp nhận kết quả của nhau đã đành nhưng ngay cả các BV có trang thiết bị lạc hậu cũng không chấp nhận kết quả của các trung tâm chẩn đoán y khoa có trang thiết bị tối tân, hiện đại, đó mới là điều đáng nói.
Những nguyên nhân “tế nhị”
Theo Bộ Y tế, để thống nhất và có những tiêu chuẩn chung về xét nghiệm giữa các tuyến – nhất là giữa các BV tuyến dưới và BV tuyến trên, Bộ Y tế sẽ giao Vụ Điều trị (thuộc Bộ Y tế) cùng 3 BV là Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Bạch Mai – Hà Nội nghiên cứu tiêu chuẩn xét nghiệm cho từng tuyến trên toàn quốc. Từ đó xây dựng quy chế bắt buộc trong xét nghiệm. |
Không thể phủ nhận nhiều trung tâm y tế đầu tư trang thiết bị cũ, lạc hậu nên cho kết quả xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh bệnh lý kém chất lượng. Tuy nhiên, có nhiều nơi đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến nhưng kết quả chẩn đoán của họ vẫn không được các nơi khác chấp nhận.
Để lý giải vấn đề này, chúng tôi tham khảo 4 ý kiến của 4 lãnh đạo BV tương đối lớn tại TPHCM (trong đó có 2 BV dân lập) thì họ cho rằng, việc xét nghiệm hay làm lại hình ảnh là để đảm bảo quy trình khám, điều trị cho BN một cách có hệ thống và vì phải chịu trách nhiệm về sức khỏe BN nên các xét nghiệm của nơi khác chuyển đến chỉ mang tính tham khảo!
Thế nhưng, theo chúng tôi tìm hiểu, điều ban lãnh đạo của 4 bệnh viện trên nói cũng đúng một phần song có nhiều trường hợp các BV bắt BN làm lại các xét nghiệm cận lâm sàng vì họ đầu tư trang thiết bị cao cấp khá đắt tiền nên bằng mọi cách phải mau thu hồi vốn.
Điều này đã từng được TS Phạm Ngọc Hoa – Chủ tịch Hội Chẩn đoán hình ảnh TPHCM - trả lời trên báo chí: “Đúng là có việc lạm dụng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Hiện tượng đó thường xảy ra ở các cơ sở y tế tư nhân do áp lực phải thu hồi vốn đầu tư. Ở cơ sở y tế nhà nước cũng có nhưng mức độ ít hơn.
Có thể coi là lạm dụng chẩn đoán hình ảnh khi BS không thăm khám trực tiếp, kỹ càng cho BN mà cứ cho đi chụp CT, hoặc khi không cần chẩn đoán hình ảnh cũng xác định được bệnh nhưng vẫn chỉ định cho BN làm”.
Theo Ths.BS Phan Anh Tuấn – BV Hoàn Mỹ, đối với những xét nghiệm thường quy (nhập viện phải làm) như: xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm hóa sinh (chức năng thận, gan, tim…) nếu BN xét nghiệm trước đó khá lâu thì trước khi mổ phải xét nghiệm lại (ở nước ngoài cũng làm như vậy) hoặc thật sự có nghi ngờ về độ chính xác của kết quả xét nghiệm (ví dụ kết quả ở tuyến cơ sở chẳng hạn); hay trong trường hợp cấp tính hoặc khi thấy kết quả hình ảnh chẩn đoán quá khác biệt với triệu chứng lâm sàng của BN thì mới cần chẩn đoán lại, còn không thì không lý do gì bắt BN phải xét nghiệm lại.
Bất cập của ngành y tế: thiếu chuẩn
4 yếu tố chuẩn của 1 xét nghiệm |
Thực trạng trên cho thấy, trình độ, chuyên môn, kỹ thuật của nhiều BV hiện nay không đồng bộ, bất cập. Cụ thể là chúng ta chưa có những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trang thiết bị của các BV, phòng khám. Mặc dù Quyết định 437/QĐ-BYT ngày 20-2-2002 đã ban hành “Danh mục trang thiết bị y tế BV đa khoa tuyến tỉnh, huyện, phòng khám đa khoa khu vực…”, về nguyên tắc, nếu áp dụng theo danh mục này thì ở các tuyến phải có trang thiết bị ngang nhau. Thế nhưng thực tế đã diễn ra không đồng bộ, không chuẩn.
Mới đây, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát và đưa ra con số: 100% BV tỉnh không đạt tiêu chuẩn về trang thiết bị. Có đến 35% trang thiết bị đã sử dụng từ năm 1985 trở về trước, 40% thiết bị được đưa vào sử dụng từ năm 1986 đến nay, số trang thiết bị còn sử dụng được chỉ khoảng 25% – 30%. Sự thiếu chuẩn này dẫn đến phần thiệt thòi cuối cùng là người bệnh phải lãnh đủ.
Nhiều BV ở TP hay BV được gọi là tuyến trên lập luận rằng: Có thể các xét nghiệm, chẩn đoán ở tuyến dưới hay các nơi khác đúng nhưng vì chưa có chuẩn chung để kiểm tra, đánh giá các kết quả ấy nên BN phải làm lại từ đầu (!).
Tuy nhiên, nếu áp dụng đúng Quyết định 437/QĐ-BYT thì các đơn vị y tế cũng chỉ đạt chuẩn về trang thiết bị, máy móc, còn con người thì “không biết đâu mà lần”. Muốn tốt cho BN thì ngoài việc y, bác sĩ có tay nghề giỏi, có trang thiết bị tốt còn phải có cái tâm, từng xét nghiệm, chẩn đoán đều phải có cơ sở – giải thích được một cách rõ ràng. Tất cả những thực trạng này nếu chúng ta không thay đổi thì ngành y khoa của chúng ta, vốn đã lạc hậu so với thế giới, càng “thụt lùi” hơn.
NGUYỄN TẤN VIỆT