Nỗi niềm của các bà nội trợ

Thực phẩm không an toàn, rau củ quả trên thị trường đang bị lạm dụng chất tăng trưởng và thuốc trừ sâu… đã khiến các bà nội trợ Việt bất an. Nhưng không bó tay ngồi nhìn, để góp phần bảo vệ sức khỏe gia đình, nhiều bà nội trợ đã cùng nhau tìm cách xoay xở, chia sẻ… tìm lối thoát cho bữa ăn gia đình.
Nỗi niềm của các bà nội trợ

Thực phẩm không an toàn, rau củ quả trên thị trường đang bị lạm dụng chất tăng trưởng và thuốc trừ sâu… đã khiến các bà nội trợ Việt bất an. Nhưng không bó tay ngồi nhìn, để góp phần bảo vệ sức khỏe gia đình, nhiều bà nội trợ đã cùng nhau tìm cách xoay xở, chia sẻ… tìm lối thoát cho bữa ăn gia đình.

Tự bảo vệ mình

Vấn đề an toàn thực phẩm giờ đây luôn là câu chuyện thời sự trong mỗi bữa ăn gia đình. Có lần, tôi chứng kiến một bữa cơm chiều của gia đình cháu tôi. Khi ngồi xuống bàn ăn, cháu gái hỏi bà ngoại, hôm nay mẹ cho cháu ăn sáng món gì vậy, bà nói, cho cháu ăn bún bò. Nghe vậy, cô cháu tôi giãy nảy: “Trời ơi, bún đang nhiễm độc sao mẹ lại cho cháu ăn !”. Bà ngoại nghe vậy mặt buồn xo… Bữa cơm chiều đầm ấm bỗng trở nên căng thẳng và buồn bã.

Còn chị Hạnh ở quận 3, đến giờ vẫn còn chóng mặt, mệt mỏi và phải nghỉ làm vì vừa bị ngộ độc do ăn rau cải mua ngoài chợ, phải đi cấp cứu. Chị Dung ở Lê Quang Định (Bình Thạnh) cũng vừa qua một trận đau bụng, nôn mửa mật xanh mật vàng do ăn phở ở quán gần nhà vừa mới khai trương. Chưa kể, rất nhiều thông tin về các loại thực phẩm, rau củ quả đang bị lạm dụng thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu, heo bị tiêm chất tạo nạc, bánh Trung thu chứa chất bảo quản… đã khiến người tiêu dùng bất an, nhất là các bà nội trợ.

Trồng rau sạch tại nhà

Vì an toàn sức khỏe của gia đình, các bà nội trợ Việt đã không ngồi yên đã vào cuộc để tự vệ trong khả năng có thể và theo nhiều cách rất… phụ nữ. Đầu tiên, rau là món không thể thiếu hàng ngày nên các, các chị đã tìm tòi và giải quyết bằng cách… tự trồng ở nhà. Phong trào trồng rau tại gia giờ đây đã lan rộng. Rau được trồng trên sân thượng, ban công, nóc nhà, có khi còn được đưa vào trong nhà trồng như dạng rau mầm. Các bà các cô còn lên mạng để trao đổi hạt rau, phân bón và kinh nghiệm trồng trọt. Chị Hồng (quận 3, TPHCM) cho rằng, ít ra khi trồng mình cũng biết mình đang ăn rau gì, được bón phân gì, còn mua rau bên ngoài không thể biết được. Từ việc trồng rau để an toàn sức khỏe, đến nay, nhiều người đã tìm thấy ở đây một niềm vui lao động; một thú vui, thư giãn ở giữa phố thị.

Gặp chị Hằng (quận 3) ở cửa hàng chuyên bán hạt giống, chị vui vẻ chia sẻ: “ Niềm vui mỗi ngày của tôi là ở vườn rau từ 6 giờ đến 8 giờ sáng, sau đó mới đi làm. Còn ông xã tôi thì chỉ chăm chăm cây kéo để thu hoạch rau. Nhờ vậy mà quan hệ vợ chồng cũng đầm ấm hơn”.

Một phong trào khác cũng được các bà nội trợ phát động là tự làm các món ăn tại nhà (homemade). Chị Hoa - một nhân viên văn phòng sau khi nghe đậu hũ ngoài thị trường có bỏ thạch cao thì rất bức xúc vì mẹ chị ăn chay trường. Chị lên mạng tìm kiếm cách làm đậu hũ. Sau vài lần thử chị đã thành công và chia sẻ với bạn bè, sau đó lại được nhiều người đặt hàng. Tương tự, cũng vì nghe đủ chuyện bát nháo xung quanh cái bánh Trung thu nên chị Minh Hiếu (quận Tân Phú) không dám mua bánh cho chồng con ăn mà tranh thủ đi học làm bánh. Hay như chị Đặng Ngọc Vân (quận 12) bộc bạch: “Từ ngày nghe tin trong bánh canh có tinopal, mì làm bằng cao su tôi tự mua bột về làm cho nhà ăn. Cực một chút nhưng an toàn”.

Tìm về quê, liên kết nhóm

Với những bà nội trợ bận rộn thì cũng tìm được những giải pháp riêng, họ sưu tầm và chia sẻ cho nhau những địa chỉ bán rau an và thực phẩm an toàn.

Phong trào “Trở về quê hương” là cách nói vui của các bà nộ trợ tức là cuộc săn lùng thực phẩm ở quê. Chị Trang (Q.11) từ ngày nghe chuyện gạo làm giả bằng cao su, bị tẩm hóa chất, ướp hương liệu… nên cứ vài ba tháng lại chịu khó về quê chồng ở Tân Thạnh (Long An) chở gạo lên ăn. Số là, ba mẹ chồng chị Trang có khoảng chục công ruộng, thu hoạch hai mùa lúa đủ để vừa ăn vừa bán. Theo chị Trang, gạo nhà trồng không bón thuốc, trồng dài ngày gạo hơi cứng nhưng an toàn. Nghe vậy, mấy chị bạn làm chung cũng đòi “chia lại”.

Còn Chị Linh có quê ngoại ở Bến Tre nên cùng với một nhóm bạn đặt nuôi heo, gà vịt ở quê với tiêu chuẩn chỉ ăn cám, sau khi thịt xong được chuyển về thành phố chia nhau. Chị Linh cho biết, cách này tuy mất công, giá không rẻ nhưng mua được sự yên tâm, thịt vật nuôi ăn thơm ngon. Những gia đình ở thành phố có người thân ở quê như chị Trang, chị Linh được xem là may mắn.

“Đi chợ phương xa” cũng là cách của một số gia đình có điều kiện hơn. Do ngại trái cây tẩm hóa chất, trái cây Trung Quốc đội lốt, thịt nhiểm bẩn nên hiện nay chị Nguyễn Thị Thúy Hà (Q.3) có người thân ở… Phần Lan. Cứ vài tháng chị Hà lại nhờ người thân mua giùm vài thùng trái cây gửi qua rồi chia lại cho bạn bè. Còn chị Chi nhà ở Phú Nhuận cho biết, chị có mối những người hàng tháng đi chợ bên nước ngoài, mình cần mua gì cứ đặt hàng là có. Chị thường xuyên đặt mua thịt bò của Úc và sữa từ Mỹ về để dành cho con ăn.

Do việc tự cung tự cấp sẽ dẫn đến việc một món phải ăn hoài nên trong khu phố các bà liên kết lại để thành nhóm để trao đổi rau cho nhau để có thể ăn nhiều món khác nhau. Không những thế việc trao đổi rau được các bà thông tin trên mạng hàng ngày. Chị Hoa cho biết, ở chỗ chị làm có người tự làm giá, đậu nành…mỗi người có một sản phẩm vừa an toàn mà lại có niềm vui, cả nhóm thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và sản phẩm cho nhau. Việc hình thành nhóm trao đổi món ăn cũng hình thành trong giới văn phòng. Chị Thanh làm trong công ty dầu khí văn phòng ở quận 5 tự lập một nhóm, mỗi chị sẽ làm một món nấu sẵn ở nhà và chia cho năm người và cứ thế luân phiên nhau xoay vòng cho hết tuần, từ món thịt kho cho đến dưa muối đều được các chị lần lượt thay đổi thực đơn liên tục.

Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng Nhà nước vào cuộc trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, thì các bà nội trợ Việt đã và đang tự cứu mình bằng nhiều giải pháp đầy năng động, sáng tạo và có cả niềm vui.

Vũ Thủy

Tin cùng chuyên mục