Nỗi niềm lao động xa quê

Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Mậu Tuất 2018, tại TPHCM, nhiều gia đình đã sơn, sửa lại nhà cửa để đón tết. Không khí vội vã, tất bật của những ngày cuối năm khiến nhiều công nhân lao động xa quê thêm chạnh lòng. 
Nữ công nhân Phạm Thị Thanh Hoa ráng làm việc để tết có thêm tiền về thăm gia đình
Nữ công nhân Phạm Thị Thanh Hoa ráng làm việc để tết có thêm tiền về thăm gia đình
Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Mậu Tuất 2018, tại TPHCM, nhiều gia đình đã sơn, sửa lại nhà cửa để đón tết. Không khí vội vã, tất bật của những ngày cuối năm khiến nhiều công nhân lao động xa quê thêm chạnh lòng. Họ trăn trở, tính toán lại tiền nong để xem tết này về quê đoàn tụ gia đình hay sẽ lại ăn một cái tết xa quê. 
Thân cò lặn lội
Sau giờ tan ca, về đến nhà trọ, như một thói quen, chị Phạm Thị Thanh Hoa, 23 tuổi, quê Bình Định, làm việc tại Công ty TNHH May mặc Hà Phương Thư (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) bấm số điện thoại gọi về quê thăm cô con gái 4 tuổi. Nửa năm nay Hoa gửi con về quê với ông bà ngoại, vì khi con ở với mình, Hoa khó lòng làm tăng ca. Hai mẹ con Hoa tíu tít trò chuyện gần 10 phút. Không biết con bé nói gì mà gương mặt Hoa thoáng buồn. “Bữa nay tăng ca, em về trễ mà con bé vẫn đợi. Tết gần tới rồi, con bé nói mong mẹ về để được ôm mẹ ngủ”, Hoa nói với giọng rất buồn. 
Từ khi sinh con đến nay, Hoa phải một mình gồng gánh nuôi con. Người chồng phụ bạc đã bỏ mẹ con Hoa khi con bé còn đỏ hỏn. Vì nhà khó khăn, 14 tuổi Hoa đã vào TPHCM phụ làm việc cho một người quen. Khi đủ tuổi làm công nhân, Hoa xin vào làm tại công ty may. Lương của Hoa trung bình mỗi tháng được khoảng 5,5 - 6 triệu đồng, Hoa gửi về quê 4 triệu để nuôi con. Phần còn lại, Hoa dùng trả tiền nhà trọ và chi tiêu. Nói về kế hoạch tết, Hoa bảo đầu từ tháng 10 đã đi đặt cọc mua vé xe về quê. Vài ngày trước nghe nói công ty sẽ thưởng tết 1 tháng lương, Hoa mừng lắm, vì mấy tháng nay tình hình làm ăn của công ty có chút khó khăn. Nếu cộng tiền lương với thưởng, Hoa sẽ có hơn 10 triệu đồng về quê đón tết cùng con gái và cha mẹ. “Hôm Tết Dương lịch công ty thưởng 200.000 đồng, em để dành vài bữa nữa đi mua con búp bê để mùng 2 tết mừng sinh nhật con gái”, Hoa chia sẻ. 
Chị Từ Thị Sơn (45 tuổi, quê Bình Định, đang tạm trú tại quận 4) không được may mắn như Hoa, tết này chị lại phải đón cái tết xa quê dù lòng rất muốn về. “Về quê dịp tết tốn nhiều tiền lắm. Ở lại thành phố ráng làm kiếm thêm ít tiền, ra tết mới về thăm con”, chị Sơn tâm sự. Chị tất tả cất tiếng rao để bán cho hết những tờ vé số sắp đến giờ xổ. Chiếc xe lăn giúp người phụ nữ tật nguyền ấy di chuyển hàng ngày nay đã cũ nát, xiêu vẹo và sắp gãy, khiến chị thật khó nhọc khi điều khiển. Bấy lâu nay chị dành dụm tiền mua cái xe lắc tay, nhưng mới dành được một ít thì các con cần tiền mua thêm sách học, đóng học phí, vậy là chị lại gửi hết tiền về quê. Chị bảo 3 đứa con rất ham học và học giỏi, nên chị ráng lo. Vì mưu sinh, nhiều năm rồi người mẹ đáng thương ấy chưa có được một cái tết an vui, trọn vẹn. 
Chỉ mong được trả lương
Thời điểm này, trong khi người lao động trông ngóng tiền thưởng tết thì hàng trăm công nhân Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 12 chỉ mong được nhận tiền lương mà công ty đã nợ trong 4 tháng qua. 
“Chúng tôi cũng rất thông cảm cho công ty trong lúc khó khăn, nhưng không có lương, cuộc sống gia đình tôi chật vật lắm. Mấy tháng nay vợ tôi phải gồng gánh mọi chi phí”, công nhân Huỳnh Công Danh (quê Tây Ninh) bày tỏ. Ngày nào cũng vậy, Danh làm việc tại bô rác từ 6 giờ đến 18 giờ; khi tan ca, Danh phụ vợ gom rác tại các hộ dân để vợ đỡ cực và có thời gian về sớm với con. Nói là sớm chứ hôm nào vợ chồng Danh cũng đón con tại nơi gửi lúc hơn 21 giờ. Ngày nào được đón sớm, cậu con trai 15 tháng tuổi của Danh mừng lắm. “Giờ đó về vợ em mới nấu cơm rồi cả nhà cùng ăn. Có khi ai kêu chạy xe lấy xà bần, phụ hồ hay sơn cửa, dọn nhà, em cũng đi. Nhiều hôm đi làm quên đói, đến 2 giờ sáng em về nhà mới ăn chén cơm… chiều”, Danh cười hiền lành. 
Những ngày cận tết, nhiều gia đình dọn nhà, Trần Thị Ngọc Phượng (vợ Danh) làm việc cực hơn, nhưng bù lại, được cho ve chai để bán. Nhiều gia đình còn cho thịt, trứng, gạo, rồi lì xì vợ chồng Danh. Hỏi về việc mua sắm tết, Danh bảo vợ tiết kiệm lắm, không dám mua quần áo mới. Vợ chồng đi làm chỉ để mua sữa, đóng tiền học cho con, rồi tiền thuê nhà trọ. Thi thoảng thì mua cho con trai bộ quần áo mới. Còn hai vợ chồng chỉ mặc đồ công nhân và quần áo các cô, các dì trong khu phố tặng. Thời điểm này, vợ chồng Danh chỉ mong nhận được lương để có chi phí lo trong gia đình những ngày tết đến. Và đó cũng là trăn trở, lo lắng của nhiều lao động xa quê đang làm việc tại các doanh nghiệp nợ lương, hoặc chủ bỏ trốn trên địa bàn TPHCM.
Theo Liên đoàn Lao động TPHCM, đến thời điểm này có hơn 70 doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM gặp khó khăn trong thưởng Tết Mậu Tuất 2018. Liên đoàn Lao động sẽ phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, để có hướng hỗ trợ chăm lo công nhân lao động nếu doanh nghiệp thật sự gặp khó khăn.

Tin cùng chuyên mục