Vào một sáng chớm thu, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Lê Quang Trang điện thoại cho tôi: “Sắp tới, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật TP sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập. Dịp này, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức chuyến đi cho một số anh chị em nhà văn trẻ thăm căn cứ cũ của Hội Văn nghệ T4 (Khu Sài Gòn - Gia Định). Anh có khỏe không? Bữa đó, mong có anh đi để giới thiệu chuyện cũ cho anh chị em”.
Vừa mới ra viện do mổ khớp gối bị thoái hóa, chân còn đi tập tễnh, phải chống gậy, nghe vậy tôi vui hẳn lên. Nhận lời liền.
Bữa đi hành hương về nguồn đó thật đông, chật đầy ba xe. Hai xe lớn, một xe nhỏ. Thực ra, từ sau năm 1975 tôi đã có vài ba lần về lại Củ Chi. Nhưng về thăm lại căn cứ cũ một cách cặn kẽ như yêu cầu thì đây quả là lần đầu. Vì vậy, lên xe tôi nói với các anh: “Hội Văn nghệ Sài Gòn - Gia Định có hai khu căn cứ. Một ở bên Củ Chi, một ở bên sông thuộc huyện Bến Cát tỉnh Bình Dương. Vậy ta đi nơi nào?”.
Anh Lê Quang Trang hỏi lại: “Đâu là căn cứ chính?”. Tôi trả lời: “Ở Xóm Thuốc, xã An Phú, Củ Chi”. Lê Quang Trang liền cười bảo: “Thế thì bữa nay ta đi Xóm Thuốc, còn các nơi kia tính sau”.
Xe bắt đầu chạy ra khỏi thành phố vào địa phận Hóc Môn. Tôi ngồi im lặng, nhớ về căn cứ cũ, bao kỷ niệm xưa lại ùa về. Tôi nói: “Lát nữa tới ấp Xóm Thuốc, xã An Phú là nơi bám trụ chính của hội, tôi sẽ dẫn các anh chị thăm lại các hầm hào, nơi làm việc, trú ẩn và chiến đấu xưa. Chúng ta sẽ thăm lại hầm làm việc của ông Sáu Chiến (nhà thơ Rum Bảo Việt), Trưởng Tiểu ban Văn nghệ”.
Có thể nói đó là căn hầm rất đẹp, được thiết kế, xây dựng rất công phu vào thời ấy. Nơi đó, ông Sáu đã tiếp rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức từ nội thành ra làm việc. Ở đây, tôi nhớ có một câu chuyện khá lý thú. Vào một buổi sớm, mặt trời mới lên được chừng con sào, đã nghe tiếng máy bay đầm già (máy bay trinh sát L19) từ bên sông vẳng sang. Tôi vội phủ cây ngụy trang bên trên rồi chui xuống dưới hầm, làm việc. Bỗng nghe bên trên có tiếng chân chạy huỳnh huỵch rất vội vã, gấp gáp. Tôi vội trèo lên hầm, ngó lên, chỉ thấy một bóng người nhỏ con, quấn tấm dù bông, tay kia cầm cuộn dù bông khác chạy về hướng hầm ông Sáu Chiến.
Qua khỏi chỗ rừng chồi lưa thưa, sắp tới hầm ông Sáu, có một lỗ bom lớn, cây bị phát quang, đất bạc trắng, tôi thấy người đó nằm xuống bò dần về phía hầm. Nhìn kỹ, nhận ra đó là anh Sáu Vinh (nhà thơ Viễn Phương). Anh đang thực hiện động tác bò lết hệt như một đặc công đang tiềm nhập.
Một số nhà văn về thăm lại căn cứ cũ Hội Văn nghệ Sài Gòn - Gia Định ở ấp Xóm Thuốc, xã An Phú, huyện Củ Chi. (Từ trái qua phải: Nhà thơ Khuynh Diệp, nhà thơ Hoài Vũ, vợ chồng ông Tư Tặc, tác giả, ông Tư Cộng và Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Lê Quang Trang).
Con đầm già đã bắt đầu ngóc qua sông, chuyển hướng sang đất Củ Chi. Tôi thấy anh Sáu Vinh bò càng nhanh hơn tới hầm ông Sáu. Anh tháo tấm dù bông, trải lên cạnh hầm ông Sáu, nơi có một sắc màu hơi đỏ chói.
Dù vừa trải xong thì con đầm già chĩa đầu qua sông, bắt đầu nghiêng cánh dò la như mọi khi. Lúc này tôi cố nhướng người lên tìm anh Sáu Vinh, nhưng không thấy. Chắc anh đã kịp chui xuống hầm ông Sáu Chiến.
Chiếc đầm già quần hai vòng ngó nghiêng rồi bay thẳng xuống phía Nam Củ Chi. Đợi một lúc, mới thấy nhà thơ quay về trong bộ bà ba đen bạc thếch. Đợi anh luồn rừng tới, tôi nhô lên hỏi: “Anh Sáu đi đâu mà có vẻ vội vàng thế?”. Anh Sáu Vinh lúc đó mới cười tủm tỉm, chỉ về phía hầm ông Sáu Chiến: “Lại ngụy trang hầm ông Sáu Chiến. Hú hồn, may mà kịp”. Nghe vậy tôi có vẻ ngạc nhiên, hỏi lại: “Ủa, hầm ông Sáu kín đáo lắm mà, còn ngụy trang gì nữa?”.
Vẫn tủm tỉm cười, nhà thơ kể: “Bữa qua ông Sáu hứng lên, cho trồng vạt lay ơn ở bên hầm, bảo để đón khách ngoài thành vào cho thấy không khí tươi vui ở chiến khu. Sáng nay hoa nở đỏ rực. Nghe tiếng máy bay trinh sát, tôi vội đem hai tấm dù này tới trùm lên để nghi trang. Ai đời, mình thì vội vội vàng vàng căng dù, còn ông cứ nhấp nhỏm nhắc: “Này, nhẹ tay, kẻo chết mấy cây hoa đó. May mà kịp nên tụi nó không phát hiện ra”.
Nghe vậy tất cả cùng cười. Có người nói: “Thời ấy, chiến tranh ác liệt vậy mà ông Sáu Chiến cũng lãng mạn lắm nhỉ. Chuyện vui quá, còn chuyện nào nữa không anh?”.
- Còn. Nhiều chuyện lắm. Vui có, buồn có. Câu chuyện này khá tức cười về anh Giang Nam, để tôi kể nghe:
- Sau Hiệp định Paris, anh Giang Nam được tăng cường xuống T4 vào ban lãnh đạo Tiểu ban Văn nghệ.
Lúc đó ở Xóm Thuốc. Chúng tôi làm cho anh một chiếc hầm làm việc, để trống, trên lợp tranh. Căn hầm này ở sát một hố bom lớn, cạnh một bụi tầm vông đã bị xe ủi bật gốc nhưng qua mùa mưa lại mọc lên, nên có vẻ kín đáo và bất ngờ.
Từ rừng về, ở đây khá thoáng, nhà thơ có vẻ thích lắm. Cứ sáng sáng, anh đứng bên hố bom hít thở, nhìn ngắm xung quanh thật lâu rồi mới xuống hầm làm việc.
Một bữa trưa, không hiểu sao có chiếc A37 từ dưới Sài Gòn phăm phăm bay lên. Nó quay một vòng khoanh vùng Xóm Thuốc rồi nhào xuống cắt bom. Hai trái bom nổ cách hầm anh Giang Nam chừng vài chục mét, giáp mí với hố bom lớn ở trước cửa hầm làm bén lửa cháy mái tranh.
Máy bay rút, chúng tôi vội lao tới dập lửa. Tàn tranh rơi xuống làm cháy chồng bản thảo trên bàn làm việc. Anh Giang Nam cuống lên, cứ hai tay không đập vào chồng bản thảo. Sau phải đưa cho anh túm lá cây, mới dập hết lửa. Lửa tắt, một mùi thơm ngọt ngào bốc lên, ai cũng thấy sướng mũi. Đó là mùi cháy của nửa ký mắm ruốc mà chị Năm (chúng tôi thường gọi vợ anh theo thứ của anh) mới gửi vào.
Anh Giang Nam rất thích ăn mắm ruốc và ớt. Mắm ruốc cháy thì bốc mùi thơm. Còn ớt khô cháy tỏa hơi cay xé mắt như chất độc hóa học, khiến chúng tôi phải chạy né. Còn anh Giang Nam cố lượm mấy tờ bản thảo cháy sém lên. Anh vọt lên khỏi hầm, tay cầm bản thảo, tay nâng cặp kính cận lên, anh nói: “Thôi được. Tối nay làm bài thơ khác bù”.
Tối đó, căng tạm tấm ni lông lên nóc hầm. Mượn cây đèn dầu của chú bảo vệ, anh lại hí húi làm thơ. Bài Những hố bom trên đất Củ Chi.
…Mải nói chuyện, xe đã đỗ xịch ở trước cửa UBND xã An Phú. Xóm Thuốc đây rồi ư, tôi ngơ ngẩn nhìn mãi mà không nhận ra vết tích của căn cứ cũ. Chỉ xác định được con đường 15. Đường 15 xưa là đường đá sỏi, xe Mỹ thường chạy trên đường này vào đánh phá căn cứ, bị du kích bắn cháy nhiều chiếc bỏ xác trên đường. Giờ đây đường 15 trải nhựa bóng loáng. Hai bên đường nhà ngói, vườn tược mọc chi chít. Có trại thu mua sữa thật bề thế, khiến tôi mất phương hướng so với xưa là phải.
Trụ sở của UBND xã An Phú là ngôi nhà hai tầng khang trang. Tôi vào hỏi một chú nhân viên chừng 30 tuổi: “Căn cứ của Tuyên huấn, Văn nghệ T4 cũ ở đâu?”. Cậu nhân viên xác định chắc nịch: “Ở đây”. “Vậy các căn hầm cũ của chúng tôi ở đâu?”. Cậu nhân viên chỉ ra phía sau tòa nhà ủy ban xã. Tôi ngó theo, chỉ là một rừng cao su xanh rì đang trổ nhựa để khai thác, lắc đầu băn khoăn. Cậu nhân viên xã nói: “Lúc trước, xã cho ủi để trồng cao su thì thấy ở đó nhiều hầm lắm. Hầm ngủ có, hầm làm việc có, có chiếc hầm dài cả hai chục thước, nghe nói đó là hầm diễn của văn công”. Thế thì đúng rồi, nhưng tôi vẫn ngơ ngác chưa định ra phương hướng. Phải hỏi có biết nhà ông Tư Cộng, Tư Tặc không. Cậu thanh niên nhanh nhảu dẫn chúng tôi xuống nhà ông Tư Cộng, Tư Tặc.
Xuống nhà ông Tư Cộng thấy treo bảng nhà tình nghĩa do Công ty Chiếu bóng và Nhà hát Trần Hữu Trang xây dựng. Ông Tư Tặc là người bám đất này suốt thời chống Mỹ, nay đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn khỏe. Bà Tư Tặc cười nhắc lại chuyện đầu năm 1966, Mỹ càn lớn vào Củ Chi. Lúc đó đồng chí Nguyễn Văn Linh từ Trung ương Cục xuống làm việc ở T4. Để tránh càn, bà Tư phải cùng ông Linh ăn mặc hợp pháp, bà dẫn ông ra ấp chiếc lược Tuy Hòa rồi ra xe đò về Tây Ninh.
Ông Tư Cộng cười khà khà khi nghe tôi hỏi về căn cứ cũ của văn nghệ, nói: “Thì đấy, bây giờ trồng cao su hết trơn rồi. Anh mất phương hướng là phải”.
Đã gần trưa. Có ý kiến là tập trung ở nhà ủy ban xã để tôi giới thiệu về hoạt động của Văn nghệ T4. Nhưng Lê Quang Trang bảo: “Phải xuống giữa rừng cao su, nơi căn cứ cũ, để anh chị em hưởng lại không khí cũ”.
Chúng tôi lội vào giữa rừng cao su xanh mướt, tôi ngó mãi để xác định căn hầm của ông Sáu Chiến xưa ở đâu. Nhưng tất cả giờ chỉ là một màu xanh bạt ngàn của rừng cao su đang căng đầy nhựa sống.
Bây giờ, đứng dưới bóng tán cao su mà bảo tìm lại căn cứ cũ, tôi cảm thấy bất lực, đành thất vọng vì không làm sao tìm lại được căn hầm lãng mạn xưa của ông Sáu Chiến…
Cảnh vật đã thay đổi tất cả. Nhưng tôi tin, các bạn sẽ thông cảm cho tôi, đó là nỗi thất vọng đáng yêu.
ĐẶNG ĐỨC THƯỞNG