Nói thêm về “con đường”

Nói thêm về “con đường”

1. Không ai có thể biết chính xác thời điểm nào loài người xuất hiện trên trái đất, chỉ có thể biết rằng không có đường đi, con người không thể phát triển, xã hội loài người không thể tiến bộ như ngày nay. Có thể khẳng định đường đi vừa là nhu cầu vừa là mục đích của sự phát triển. Hệ thống đường đi (giao thông) là phần quan trọng đặc biệt trong nền tảng hạ tầng xã hội. Người ta ví đường đi giống như mạch máu trong cơ thể sống. Không có mạch máu, không có sự sống.

Luận điểm “bởi có nhiều người đi nên thành đường” luôn luôn đúng. Đường đi do người sinh ra. Mục đích sinh ra đường đi rất rõ ràng, cụ thể. Đường đi luôn phải gánh vác trên vai trọng trách làm cho xã hội luôn phát triển, sức sống xã hội luôn tươi trẻ. Bởi vậy, đường đi có một sự sống riêng biệt, giống như sự sống của con người. Mỗi đường đi, từ lối ngõ, đường phố hay đường cao tốc, đường hàng không, đường sông, đường biển... đều có số phận riêng. Không biết có phải vì thế mà ngôn ngữ Việt gọi đường đi là “con đường”...


2. Không có con đường nào tự trên trời rơi xuống, từ dưới đất mọc lên.

Đường đi là cái phải có, điều phải có trong cuộc sống. Sống không thể không lưu thông, kết nối. Và do vậy, đường đi không thể không có những ngã ba, ngã tư. Đã đi trên đường nhất thiết phải đối mặt với ngã rẽ...

Có những ngã rẽ (ngã ba, ngã tư, ngã năm bình thường), chỉ nhắc nhở người đi cẩn trọng trong lưu thông và định hướng nơi đến. Có những ngã rẽ mở ra tầm cao, chiều sâu của mặt đất và bầu trời khiến người đi thấy rõ hơn phía trước, thấy rõ hơn điểm đến nơi về. Nhưng cũng có những ngã rẽ định mệnh buộc người đi phải dày công chọn lựa, bởi nếu chọn sai hậu quả sẽ khôn lường. Tôi chợt nhớ lại một chuyện thời chiến tranh chống Mỹ: Trong một chuyến đi, người lính trẻ mới bổ sung vào chiến trường miền Đông Nam bộ bị lạc rừng. Sau khi phá vòng vây do bị địch phục kích, anh nhắm theo đường mòn mà chạy. Rồi anh phải đối mặt với một ngã rẽ định mệnh. Con đường mòn không còn độc đạo nữa. Nó đã rẽ làm đôi. Lối phải đi về đâu, lối trái đi về đâu anh không biết. Anh chỉ biết cả hai lối rẽ ấy đều có thể dẫn đến chốt địch và rơi vào các ổ phục kích của biệt kích. Cũng không thể quay ngược trở về. Con đường mòn đã bị lộ. Sau khi tập kích, chắc chắn địch sẽ đóng chốt ở phía sau. Những phút giây sợ hãi đến tột cùng đã qua đi. Anh bình tĩnh trở lại. Mỗi bước đi trong lúc này đều có thể giẫm phải mìn. Cách tốt nhất là tìm nơi an toàn để theo dõi và xác định rõ phương hướng. Anh leo lên một cây cao, tán lá rậm và ẩn mình trong đó. Vài ba ngày nhịn đói không chết được. Đêm phơi áo trong sương. Sáng ra vắt đổ vào bi đông, đủ dùng trong ngày. Từ trên cao, anh quan sát cả một vùng rừng. Đến trưa ngày thứ hai, anh thấy một trận đánh dữ dội giữa ta và địch trên đường mòn độc đạo. Và đến chiều gần tối, anh thấy quân ta giải tỏa đường mòn và đóng chốt ở nơi ngã rẽ.

Mọi người bảo anh: “May mà cậu bình tĩnh biết dừng lại chờ đợi. Nếu cậu chạy đi ngã nào hay quay lại đều bị chết vì trái gài của địch hoặc bị biệt kích bắt sống”.

3. Người ta bảo “biết đường mới biết đi”. Lại nhớ tới một chuyện thời hội nhập. Tài xế taxi nhận lời đưa khách ra sân bay trong khoảng thời gian có nguy cơ bị trễ. Đến ngã rẽ, người lái xe không chạy theo đường chính, con đường ngắn nhất tới sân bay. Anh ta rẽ phải, rẽ trái chạy loằng ngoằng ở những con đường nhỏ. Khách hét lên: “Tại sao không đi theo đường ngắn nhất, anh muốn giết chết tôi hả. Đây là chuyến bay quan trọng nhất của đời tôi”. Lái xe thủng thẳng nói: “Ông cần thời gian hay cần ngắn dài, chính, phụ”. Khách bảo “thời gian”. Lái xe nói: “Vậy ông chớ có băn khoăn về chuyện đi đường nào, rẽ ra sao!”. Người lái xe lạng lách rẽ ngang chạy dọc lung tung một hồi, đưa khách đến kịp chuyến bay. Lái xe nói thêm: “Nhờ tôi thuộc mọi ngõ ngách đường dẫn tới sân bay nên ông mới kịp chuyến. Nếu theo đường chính, không thể kịp bay đâu. Đường ấy tuy ngắn nhưng luôn luôn tắc xe, đứng nhiều hơn chạy, không thể đi nhanh được”.

Không chỉ người lái xe, hết thảy mọi người lưu thông trên đường đều có chung một nhận thức: sinh ra đường với các ngã rẽ này nọ là để người đi nhanh hơn, đến nhanh hơn. Mọi con đường đều có thể dẫn đến nơi đến và thời gian sẽ quyết định đường đi.

4. Người ta nói: Biết mình, biết đường. Thêm một chuyện có tính chất ngụ ngôn. Có người làm ăn xa về quê trong dịp tết. Đến ngã rẽ người đó phân vân. Rẽ phải ra ga xe lửa. Rẽ trái đến bến ô tô. Đi ô tô nhanh hơn nhưng vất vả, lại bị say xe. Đi tàu hỏa chậm hơn nhưng an toàn. Tính toán một lúc, người ấy rẽ phải tới ga xe lửa. Đi một đoạn, lại phân vân lo lắng không biết tới ga có mua được vé không. Không có vé, phải chờ thêm một ngày nữa, tốn kém lắm. Người ấy lại đổi ý quay lại đi ra bến xe ô tô. Đi được một đoạn, lại đổi ý quay về tàu hỏa. Tính tới tính lui, so đo được, mất, người ấy mụ mẫm đầu óc, như kẻ mộng du cứ quanh quẩn ở ngã ba, đến khi ra ga tàu hỏa thì hết vé, trở lại bến xe ô tô cũng hết vé. Phải chờ thêm một ngày. Xem ra luận thuyết “biết người, biết ta” vẫn có thể áp dụng vào chuyện “đi đường”. Mình tự tin cả quyết, chọn đường đi tốt hơn.

Người ta không thể tắm hai lần trong một dòng sông. Người ta cũng không thể cùng một lúc đi trên hai con đường. Người ta chỉ có thể đi lại dễ dàng khi trong lòng có con đường. Đường đi trong lòng sáng, đường đi sáng. Không có đường trong lòng, không có đường ngoài đời.

TRẦN VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục