Nơi tôi đang ở

Nơi gia đình tôi sinh sống ở phường Phước Bình, quận 9, TPHCM, vài mươi năm trước là một vùng ngoại thành thuộc 6 xã vùng bưng xa sâu, dù mảnh đất ấy chỉ cách trung tâm TP chưa đầy 10km đường chim bay, nhưng cứ như là một địa chỉ xa lơ xa lắc mỗi khi người nội thành có việc gì phải đến đây.
Nơi tôi đang ở

Nơi gia đình tôi sinh sống ở phường Phước Bình, quận 9, TPHCM, vài mươi năm trước là một vùng ngoại thành thuộc 6 xã vùng bưng xa sâu, dù mảnh đất ấy chỉ cách trung tâm TP chưa đầy 10km đường chim bay, nhưng cứ như là một địa chỉ xa lơ xa lắc mỗi khi người nội thành có việc gì phải đến đây.

Còn tháng năm này, thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, ở phường Phước Bình, những con đường ngang dọc đã được thảm nhựa, phố xá hối hả lên tầng, bán buôn sầm uất chẳng kém đô thị lâu đời nào…

Ngày tôi đến

Ngược dòng thời gian, năm 1989, sau khi cắt băng khánh thành Nhà máy thủy điện Trị An ở thượng nguồn sông Đồng Nai, Tổng Công ty Xây dựng số 1, nơi vợ chồng tôi đang đầu quân, chuyển về TPHCM, nơi có trụ sở chính. Muốn tiếp tục làm việc, gia đình tôi phải tự xoay xở nơi ăn, chốn ở đâu đó gần cơ quan. Đồng nghiệp với tôi không ít người gốc gác TP mách bảo, với số tiền ít ỏi vợ chồng ông dành dụm được thì chỉ đủ sang nhượng (đúng nghĩa là mua lại nhà của người đang có hợp đồng thuê nhà nhà nước) ở khu chung cư cao tầng Thanh Đa, quận Bình Thạnh, hoặc nhà cấp 4 ở khu gia binh xã Phước Bình huyện Thủ Đức.

Từ Trị An về Sài Gòn, tôi đến cả 2 địa chỉ ấy thăm thưng. Nhưng dường như gia đình tôi có duyên với Phước Bình thì phải. Tôi kết căn nhà cấp 4, chủ nhân của nó đã chuyển đi nơi khác, đang bỏ trống khi lần đầu tôi đến. Mặc dù vậy quanh tôi là những lời gièm pha của những người bạn tốt lành về cái xã Phước Bình, nơi tôi đang hăm hở đưa cả gia đình về ở. Nào là: “Ông biết không, xã Phước Bình hiện nay là một địa chỉ đen, đen ngòm. Ở đấy người ta tổ chức chiếu đủ các loại phim đồi trụy, sản xuất bia giả, bia rởm tràn lan. Người lành, kẻ yếu bóng vía bỏ của chạy lấy người, có động điên mới rúc đầu về đấy…”. Nào là “gia đình ông mà về đấy ở, tớ bảo đảm chỉ được ba bảy hai mươi mốt ngày là lại vội vã chuyển đi nơi khác ngay. Ma cũ hàng đêm đến gõ cửa nhà ma mới đòi nộp tiền ra mắt, chịu sao thấu…”. Hiểu đó là những lời răn đe chân tình của những người bạn giàu thiện chí với mình, nhưng không hiểu bụng bảo dạ thế nào, tôi âm thầm quyết tâm đưa vợ con về nơi người ta đang dắt díu nhau ra đi ấy sinh sống.

Đại lộ 2 - trung tâm buôn bán của phường Phước Bình, quận 9, TPHCM.

Xin kể ra đây một chuyện vui vui. Sau khi đã mua bán xong xuôi, tôi chuyển gia đình từ Trị An về nơi mới. Khi xe vào đến xã Phước Bình, tôi quên béng con đường có căn nhà mình sang nhượng nằm ở vị trí nào. Bởi ngày ấy xã Phước Bình là khu gia binh chế độ cũ để lại. Những con đường đất đỏ lâu ngày không tu sửa lầy lội, hai bên là hai dãy nhà mái tôn, thấp lè tè gần giống nhau. Mấy lần hỏi thăm, rồi tôi cũng tìm được căn nhà từ nay là nơi ở của mình. Vợ con cứ cằn nhằn mãi.

Thật may mắn, năm 1989, khi gia đình tôi về xã Phước Bình thì tình trạng chiếu phim đồi trụy ở đây đã bị các cấp chính quyền dẹp hết. Chỉ còn lại một số gia đình sản xuất bia giả thôi. Đêm đầu tôi thấp thỏm chờ ma cũ đến bắt nạt ma mới. Rồi một tháng, hai tháng, ba tháng… chẳng thấy có “ma” nào đập cửa hay chặn xe ngoài đường đòi cống nạp ra mắt gì cả. Cuộc sống bình thường, vợ chồng tôi thở phào nhẹ nhõm, cất đi được hòn đá tảng vẫn đè trên ngực bấy lâu. Không những không bị bắt nạt, mà nhiều bà con lối xóm, thấy vợ chống tôi từ thủy điện Trị An về còn sốt sắng cưu mang, giúp đỡ. Họ cho quả bí, quả bầu, mớ rau nhà trồng… và đặc biệt ánh mắt, nụ cười, giọng nói của bà con sát vách, chung tường đầy thiện cảm.

Bước chuyển mình ngoạn mục

Nơi tôi đang ở, gọi là xã, nhưng chẳng nhà ai có mảnh ruộng nào. 50% dân số là cán bộ, công nhân; 50% còn lại là tiểu thương, dịch vụ nhỏ. Từ ngày về sinh sống ở đây, nhiều năm liền tôi chẳng thấy mấy gia đình tu bổ lại nhà cửa. Có lẽ vì cái nhìn ở nhà thuê, dù là thuê của nhà nước thì cứ ở tàm tạm vậy, cần gì nâng cấp. Bao giờ hóa giá, mình đứng tên chủ quyền hẵng hay. Những con đường đất đỏ dọc ngang xã cũng thế. Mùa mưa lầy lội, mùa khô ngập tràn bụi đỏ hơn trước. Cuộc sống cứ âm thầm đi qua ngày tháng như thế.

Cho đến năm 1997, khi lãnh đạo TP đưa ra quyết sách hợp lòng dân, những vùng ngoại thành vẫn mong đợi từ lâu. Ấy là để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa ở TP mang tên Bác, trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước, cho chia tách một số huyện ngoại thành, nâng cấp lên thành quận mới. Tất nhiên huyện đã lên quận thì xã phải lên phường, ấp phải lên khu phố thôi. Huyện Thủ Đức chia tách thành 3 quận mới: Quận Thủ Đức, quận 2, quận 9. Xã Phước Bình của tôi được chia về quận 9, một con số đẹp, mang lại nhiều may mắn.

Từ ngày ấp được đổi thành khu phố, xã được đổi thành phường, tôi thấy có một luồng sinh khí mới ào ạt thổi vào ngày đang sống. Ánh mắt người từ già đến trẻ, từ trai đến gái đều lấp lóa niềm vui, xen lẫn tự hào. Thành - một chàng trai tuổi mười tám - đã không giấu diếm tình cảm về việc nơi mình sinh ra, lớn lên được từ xã lên phường khi trò chuyện cùng tôi: “Tuy địa chỉ trong hộ khẩu dòng cuối cùng là TPHCM nhưng phía trước lại là ấp, là xã nó vẫn quê quê, nửa mùa thế nào ấy. Đã là dân TP thì phải là phường, là quận mới đích thực TP phải không bác?”. Rồi cậu giơ hai tay lên cao, nói như reo: “Mình đã là trai TP Bác Hồ”.

Được nâng cấp từ xã lên phường, bà con lối phố mới, không ai bảo ai, tự nguyện phát quang hàng rào dâm bụt đã ngự trị trước cửa nhà mười mấy năm cho sáng sủa, quang đãng. Vẫn là những con đường đất đỏ, nhưng bỗng dài rộng hẳn ra… Rồi từng gia đình lục tục tu bổ, sửa chữa nhà, quét mới vôi ve cho phố phải là phố, không lùi xùi như ngày còn là ấp, là xã nữa.

Thêm bất ngờ vui

Năm 2001, TPHCM triển khai thí điểm thiết chế mô hình phường văn hóa. Buổi sáng, tôi tham dự lễ ra mắt Phường văn hóa, tôi được các anh, các chị trên phường mời viết bài nói lên cảm tưởng của gần 15.000 dân trước niềm vinh dự bất ngờ này. Đêm nằm, chẳng cần vắt tay lên trán tôi cũng có nhiều trăn trở, liên tưởng đến nơi gia đình mình đang sinh sống. Thú thật dù là người nhiều mơ mộng, nhưng chưa có lúc nào tôi dám nghĩ đến, có một ngày cái phường Phước Bình mới vào tuổi lên 4 này lại được lãnh đạo TP chọn mặt gửi vàng, tin tưởng giao cho trọng trách lĩnh ấn tiên phong thí điểm xây dựng mô hình phường văn hóa ngay đợt đầu tiên. Nếu như tôi không lầm, trong những xã mới được lên phường cùng đợt với Phước Bình thì đợt này chỉ duy nhất có phường tôi được tiến vào thế kỷ mới với xứ mạng là phường văn hóa. Không mừng, không vui sao được khi ánh mắt, nụ cười, giọng nói của những người chủ nhân Phước Bình tôi gặp trong buổi lễ sáng nay cứ lấp lánh.

Bốn năm kể từ ngày xã lên phường, quỹ thời gian ấy đối với một con người còn chửa thấm tháp gì. Riêng với nơi tôi sinh sống, bốn năm qua đã có bước đại nhảy vọt về tầm nhìn nếp nghĩ, về chiều dài, chiều rộng không gian. Thế mới hiểu tường tận cái quyết sách đô thị hóa các vùng ngoại thành xa sâu hợp lòng dân đến nhường nào. Những làng quê bao đời chỉ chực chờ hai từ đô thị để như những con chim sổ lồng, tung cánh bật dậy tiềm năng, nhanh chóng tự khẳng định vị thế của mình trong đường hướng phát triển chung của TP, của đất nước. Tôi tự lý giải với mình vì sao các nhà thiết kế hoạch định ra mô hình phường văn hóa ở TP lại chọn nơi tôi đang sinh sống, mới có 4 năm từ xã lên phường để thí điểm xây dựng thành phường văn hóa ngay đợt đầu tiên. Hẳn là họ đã phải xem xét nhiều góc độ, nhìn ra bản chất, cốt cách, tiềm năng của người và đất Phước Bình có thể đẹp lên từng ngày, mới gửi gắm tin tưởng của mình. Chứ ngay đợt đầu tiên mà chọn nhầm, chọn không đúng đối tượng để mô hình lụi tàn nhanh chóng thì tai hại lắm. Kế hoạch có khi bị phá sản… Cứ nghĩ thế, cái tự hào bật ra thành lời ca, câu hát, thành những phong trào sạch phố, đẹp phường… và tin lắm vào nơi mình đang sống giàu lên, đẹp ra theo thời gian và hơn 10 năm ấy, người dân Phước Bình đã nỗ lực mọi mặt để được liên tục phong tặng danh hiệu Phường văn hóa, đáp ứng sự tin tưởng của cấp trên.

Buổi sáng một ngày đầu tháng 10-2014, nơi tôi đang sống đã có quỹ thời gian từ xã lên phường 17 năm và quỹ là phường văn hóa 13 năm rồi, tôi lượn một vòng phố dọc, đường ngang trên những con đường nhựa nhà nước gần 10 năm, nhưng vẫn còn êm thuận lắm. Đến trước trường tiểu học và trường trung học cơ sở mới xây dựng lại trên nền trường cũ, trường nào cũng mấy tầng lầu, khang trang bề thế, tôi dừng lại hơi lâu. Tôi chợt liên tưởng, hai đứa con mình ngày nhỏ đều đã tôi luyện ở đây để bước vào cổng trường đại học ngon ơ, với nhiều hoài bão, ước mơ. Tuy không là đất học, nhưng người Phước Bình hôm nay không tức nhau vì cái ti vi, xe máy… xịn hay nhà đã lên tầng chưa mà đã chuyển sang buồn vì con cái mình học hành không bằng con cái nhà người. Âu đó cũng là cái buồn đẹp, cái buồn đáng mến.

Đang mải mê thả hồn trước hai ngôi trường mới thì tôi gặp Nguyễn Viết Cường, một người đã trụ ở Phước Bình trước tôi cả chục năm. Cường rủ tôi lên Đại lộ 2, trung tâm buôn bán của phường uống cà phê. Mới sáng sớm đã hiển hiện sinh khí một ngày mới nhiều sầm uất. Các tiệm xe máy, điện tử gia dụng, hàng ăn… mở cửa, sẵn sàng phục vụ “thượng đế”. Hầu như người dân nơi tôi đang sống, cần mua sắm bất cứ cái gì, chỉ cần lên phố chợ là được đáp ứng ngay. Bên mùi thơm phức của phin cà phê đang nhẩn nha nhỏ xuống từng giọt, Cường khoe anh vừa có hai niềm vui lớn. Một là đã xoay xở cất được nhà 2 lầu cuối năm 2013, hai là đứa con đầu vào Đại học Bách khoa năm nay… Nâng ly cà phê chia vui cùng bạn, nhìn những con người đang hối hả ngược xuôi với gương mặt ngời sáng, tôi bỗng thấy hương vị cà phê đậm đà hơn. Chớp chớp mắt đầy cảm động, Nguyễn Viết Cường thổ lộ thêm: “Nói gì thì nói, tôi cảm ơn miền quê này. Ngày trước, có nhiều người cứ xúi tôi bán nhà chuyển vào nội thành để con cái học hành tiện lợi hơn. Nhưng đi sao được, gắn bó với Phước Bình từ thuở hàn vi, bây giờ mới có bát ăn, bát để lại bỏ mà đi thì còn tình nghĩa gì nữa. Người với người, người với đất sống với nhau đều đòi hỏi sự thủy chung phải không bác?”.

Chưa trả lời Cường, tôi thả tầm mắt nhìn phố xá, lòng dạ lâng lâng với những gì đang đằm thắm sinh sôi. Ngày giữa thu, nắng ban mai lấp lóa, tôi nghe tiếng người, tiếng đất đã và đang bật dậy tiền năng một cách tự nguyện nhất.

THANH XUYÊN

Tin cùng chuyên mục