Nơi “tuyến lửa”…

Chúng tôi tìm đến những người một thời xông pha trên “tuyến lửa” thi công đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam của hơn 20 năm về trước. Cái thời da thịt “như sắt như đồng” vượt gió sương lạnh buốt trên những đỉnh núi cùng mùa đông rét mướt, cháy da dưới cái nắng chói chang của mùa hè rát bỏng hay ướt đẫm dưới những cơn mưa dầm… Họ thần tốc thi công kéo dây, dựng trụ để chỉ trong 2 năm làm nên kỳ tích, đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ.
Nơi “tuyến lửa”…

Chúng tôi tìm đến những người một thời xông pha trên “tuyến lửa” thi công đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam của hơn 20 năm về trước. Cái thời da thịt “như sắt như đồng” vượt gió sương lạnh buốt trên những đỉnh núi cùng mùa đông rét mướt, cháy da dưới cái nắng chói chang của mùa hè rát bỏng hay ướt đẫm dưới những cơn mưa dầm… Họ thần tốc thi công kéo dây, dựng trụ để chỉ trong 2 năm làm nên kỳ tích, đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ.

1 đóng - 2 cúp

Những trụ sắt khổng lồ dang “cánh tay” gắp theo những sợi dây điện chạy dài tít tắp băng qua những núi đồi trùng điệp, nhấp nhô xanh ngút ngàn từ Bắc chí Nam. Điện từ đường dây 500kV đem ánh sáng về các thôn, sóc, buôn làng nơi tận cùng mũi Cà Mau hay địa đầu Tổ quốc cột cờ Lũng Cú, Hà Giang. Những khu kinh tế, công nghiệp, du lịch - dịch vụ, nhà máy đồ sộ, quy mô với công nghệ hiện đại được được hình thành. Điện vào trường học thắp sáng thêm những ước mơ, vào bệnh viện nhân lên niềm tin về sự sống…
Trước năm 1990, lưới điện miền Trung manh mún và rách nát vô cùng. Các thị xã, TP lớn dù có điện nhưng luôn trong tình trạng “1 đóng - 2 cúp” (một đêm cấp điện, hai đêm cúp). Năm 1988, tình hình cấp điện ở miền Trung được cải thiện nhờ 20 máy phát điện diesel nhập về từ Liên Xô. Mãi đến cuối năm 1990, điện mới vào đến miền Trung bằng đường dây 110kV từ Quảng Bình - Đà Nẵng - Bình Định nhưng luôn chập chờn vì liên tục bị tụt áp, sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Miền Nam khi ấy lại càng bức xúc hơn khi sản xuất hàng hóa gần như bị đình đốn. Rất nhiều cơ sở công nghiệp của chế độ cũ để lại phải nằm im chờ điện vì chỉ trông chờ vào các cụm phát điện công suất nhỏ như Thủ Đức (3MW), Chợ Quán (2 MW), Trà Nóc (4MW)” - ông Tạ Cảnh (nguyên Giám đốc Điện lực Nghĩa Bình, nguyên Giám đốc Công ty Điện lực 3 tại Đà Nẵng) kể lại.

Giữa TPHCM, một hội nghị bàn về cung ứng điện cho miền Nam diễn ra chóng vánh và đưa ra những quyết định quan trọng mang tính cột mốc. Mọi người tham dự khi đó cùng chung nhận định và đi đến thống nhất một phương án là muốn đưa điện vào Nam phải làm đường dây siêu cao áp.

“Sự kiện đi vào lịch sử ngành điện của Việt Nam đã diễn ra sáng 20-4-1992, khi đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham dự và phát lệnh khởi công xây dựng đường dây 500kV đoạn phía Bắc. Điểm động thổ được xác định là vị trí móng 67 thuộc xã Mãn Đức (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình)” - ông Trần Viết Ngãi, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, nguyên Giám đốc Công ty Xây lắp điện 3, nhớ lại.

Chuyện trên cao điểm

Chúng tôi ngược đường Trường Sơn huyền thoại đến với Công ty Truyền tải điện Kon Tum - Gia Lai. Là người từng tham gia giám sát kỹ thuật việc xây dựng đường dây 500kV đoạn qua đèo Lò Xo (huyện Đăk Glei - Kon Tum), một trong những mối néo (đoạn dây từ trụ này nối tiếp trụ kia), đi qua địa hình hiểm trở nhất trên toàn tuyến, kỹ sư Huỳnh Sỹ Bình (hiện là Phó Giám Công ty Truyền tải điện Kon Tum - Gia Lai) vẫn nhớ như in cái khung cảnh hoang vu của núi rừng những ngày đầu anh em đặt chân đến.

Câu chuyện về việc mật phục săn, tiêu diệt hổ dữ để cả tổng đội yên tâm cắm chốt kéo anh về với những ngày công trường nắng nóng cháy da, đêm lạnh thấu xương, nghe tiếng chim rừng nhiều hơn tiếng người: “Anh em vừa đến, người dân cảnh báo ngay, rừng này rất nhiều hổ, ra suối không nên đi một mình nếu không muốn làm mồi cho hổ”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt chứng kiến việc đấu nối các mối dây để đưa lên trụ điện bằng công nghệ hiện đại do kỹ sư Việt Nam đảm nhiệm. Ảnh: HỒNG LONG

Lời cảnh báo đó không thừa. Địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, đất nước còn nghèo, đồ ăn thức uống khi đó khan hiếm nên phải nhường cơm, sẻ áo. Tổng đội xây lắp 10 đã làm chuồng nuôi heo tăng gia sản xuất. Đàn heo lớn mơn mởn chưa kịp giúp anh em cải thiện bữa ăn thì sáng ra phát hiện mất một con lớn nhất. Xen lẫn với những vết chân heo chạy tán loạn là dấu chân hổ còn mới nguyên trên nền đất nhão… Đêm sau nữa, lại thêm một con nữa mất tích. Ai cũng bất an, co cụm nhau về ở chung một lán trại.

An toàn tính mạng, duy trì nhịp độ thi công trong lúc cao điểm đang là yêu cầu đặt lên hàng đầu, tổng đội được lệnh bắn hạ con hổ nếu phát hiện. Nhiệm vụ được giao cho Tiến, công nhân xây lắp quê Quảng Bình. Với khẩu súng cùng 3 viên đạn, đêm đó Tiến mật phục. Nửa đêm, tiếng sột soạt từ bìa rừng phía chuồng heo. Chưa kịp định thần thì đã thấy con hổ lao tới cắp ngang thân con heo định chạy vào rừng. Tiến tức tốc bật cây đèn pin đeo trên đầu. Thấy ánh sáng, hổ đứng im, mắt trợn trừng xanh lè quan sát, dè chừng. Ngay lập tức, tiếng súng đanh khô khốc vang vọng giữa núi rừng, con hổ nặng hơn 260kg ngã vật.

Ông Nguyễn Minh Sầm, hiện ở khu tập thể của Công ty Xây lắp điện 3 (xã Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) là tổng đội trưởng chịu trách nhiệm thi công đoạn tuyến khó khăn bậc nhất về địa hình qua đỉnh đèo Hải Vân, hóm hỉnh kể lại: “Tại huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) sau khi nhận bàn giao 10km hành lang tuyến (rộng 40m) để chuẩn bị thi công thì kiểm lâm cấm không cho đốt số cây, bụi đã đốn bỏ mà buộc phải vận chuyển đi nơi khác vì lý do bảo vệ rừng. Nếu dùng sức người thì phải 3 tháng mới xong. Tôi gọi Thành, người Hà Tĩnh lên cho ứng trước hai tháng lương và giao việc: “Tối nay, chú phóng lửa đốt sạch 10km đó đi, đảm bảo không để cháy lây lan. Làm xong, bắt xe về quê luôn. Khi nào trong này gọi thì vào. Hiện trường công trường được dọn dẹp nhanh gọn. Sau này gặp lại ông Dự, khi đó là Hạt trưởng kiểm lâm Phú Lộc, tôi kể lại chuyện ấy, cả hai cùng cười. Nếu không làm vậy, tiến độ dự án chậm, lợi ích quốc gia bị ảnh hưởng thì trách nhiệm của tôi càng gánh không nổi”.

Dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt

“Tết năm 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời một số cán bộ chủ chốt của Bộ Năng lượng gồm các ông Vũ Ngọc Hải (Bộ trưởng), Bùi Văn Lưu (Giám đốc Công ty Điện lực 2), Trương Bảo Ngọc (Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế điện 1) và ông Trần Viết Ngãi… đến nhà khách của Công ty Điện lực 2 (TPHCM) để ăn cơm thân mật. Lúc đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trăn trở rằng đất nước đã mở cửa nhưng phát triển chậm quá chỉ vì miền Nam thiếu điện trong khi miền Bắc lại đang thừa vì có thủy điện Hòa Bình, Thác Bà... Trong bữa cơm hôm ấy, thủ tướng đã đưa ra một đề nghị với các thành viên tham dự phải sớm đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam” - ông Trần Viết Ngãi nhớ lại.

Năm 1992, công trình bắt đầu được triển khai xây dựng. Là vị “tổng tư lệnh” của những tư lệnh lúc đó, hầu như những đoạn tuyến nào gian nan, hiểm trở, khó khăn nhất, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều nắm được. Ông Trần Viết Ngãi vẫn không nghĩ được vì sao ngày ấy lại liều lĩnh nhận làm đoạn khó khăn. Khi ông vừa nhận nhiệm vụ xong, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói ngay: “Nếu đoạn tuyến ông Ngãi làm xong thì toàn tuyến sẽ đúng tiến độ”. Nhưng khi làm, đúng là có những công đoạn làm đến “mửa mật”.

Ông Ngãi nói: “Chỉ có Việt Nam mới dám làm như vậy bởi với chiều dài trên 1.500km thì chí ít thế giới phải mất 8 - 10 năm xây dựng. Đó là khoảng thời gian được tính toán rất khoa học, không thể rút ngắn lại được. Vậy mà chúng ta bảo chỉ làm trong 2 năm. Là dân xây lắp, nhưng khi nghe Thủ tướng hứa trước Bộ Chính trị rằng “2 năm là xong”, đêm hôm ấy tôi không ngủ được. Nhưng ngẫm lại thấy lời anh Kiệt nói có lý - xong hay không là do ý chí, quyết tâm của mình. Do sáng tạo của mình. Mình chỉ huy tốt thì có thể làm trong 2 năm - tôi yên tâm phần nào”.

Sau 2 năm xây dựng thần tốc, đúng 19 giờ 7 phút 59 giây ngày 27-5-1994, dòng điện Bắc - Nam đã chính thức thông tuyến. Điện từ Hòa Bình chạy vào tận Phú Lâm (TPHCM). Theo ông Nguyễn Hà Đông, người gắn bó với công trình từ những ngày đầu: “Xác định đây là vị trí trọng yếu trên hệ “xương sống” lưới điện 500kV quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chọn trạm 500kV Đà Nẵng làm điểm hòa lưới điện cho toàn tuyến. Tất cả các đơn vị từ xây lắp, tư vấn - giám sát, đến truyền tải, điều độ lưới điện... đều đổ dồn sự quan tâm về Đà Nẵng trong sự hồi hộp đến nghẹt thở”.

“Chiều hôm đó ở Hà Nội, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia rất sớm. Sớm hơn dự kiến 2 giờ để theo dõi việc hòa điện ở trạm 500kV Đà Nẵng” - ông Trần Viết Ngãi nhớ lại. “Ở Đà Nẵng mọi người cứ nhìn nhau mà không ai nói với ai một điều gì cả. Tất cả chăm chú nhìn vào màn hình chờ lệnh Hà Nội, xung quanh là vô số máy đo tầng số, đo điện áp chất cao quá đầu người” - ông Tạ Cảnh nhắc lại giây phút lịch sử.

Phía Hà Nội phát lệnh Đà Nẵng đóng điện. Kỹ sư Trần Anh Thái (nay là Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Truyền tải điện 2) vinh dự nhận trọng trách này: “Tôi bấm lần 1 lưới điện nhảy ra, cả nhóm từ chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam lặng người toát mồ hôi. Tiếp tục bấm lần thứ 2, lưới điện vẫn nhảy ra, chưa chịu “nhập”. Bấm đến lần thứ 3 thì hệ thống màn hình gắn ở trạm điều hành bật sáng báo hiệu việc đóng điện đã thành công”.

Đường dây 500kV hoàn thành, 250 con người đã ngã xuống. Do vậy, ông Nguyễn Hà Đông cho biết kế hoạch dựng một đài tưởng niệm cho những người đã nằm xuống vì dòng điện của Tổ quốc vẫn là nỗi niềm đau đáu trong ông và các đồng nghiệp nhưng đã bàn nhiều lần vẫn chưa thực hiện được. Trước đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là phải xây dựng một tượng đài để tri ân những người đã ngã xuống. Qua khảo sát, một khu đất cách miệng hầm đường bộ Hải Vân được chọn. TP Đà Nẵng cũng đã đồng ý cấp phép cho triển khai. Mô hình nghệ thuật của đài tưởng niệm cũng đã đưa ra đấu thầu với tổng kinh phí dự toán hồi năm 2009 vào khoảng 12 tỷ đồng. Nhưng Bộ GTVT không đồng ý vì sợ mất an toàn giao thông nên dự án không triển khai được.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục